Đã từng “huy động vàng trong dân”
Trong suốt thập niên gần đây, cứ vài năm câu chuyện “huy động vàng trong dân” lại được khơi dậy. Nguyên nhân xuất phát từ các câu hỏi chất vấn của cử tri với đại biểu Quốc hội về thông tin có khoảng 400-500 tấn vàng đang nằm trong két sắt của dân. Thậm chí có chuyên gia kinh tế còn cho rằng, phải huy động số vàng này chứ không thể để nó "nằm chết" trong dân.
Những cách nghĩ này dễ hiểu và dễ thông cảm, nhưng chúng ta lại quên mất lịch sử là từ trước năm 2011 đã từng có nhà băng huy động vàng, cho vay vàng và đây là một nghiệp vụ phổ biến ở thời điểm đó.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi kể từ năm 2010 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 22/2010/TT-NHNN quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Theo đó, tổ chức tín dụng được huy động vốn bằng vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, cho vay vốn bằng vàng để sản xuất (chế tác) và kinh doanh vàng trang sức (không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng); tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn bằng vàng thành VNĐ, đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền trước đây phải giảm dần và tất toán chậm nhất ngày 30-6-2011, không được huy động và cho vay bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng.
Quyết định của NHNN tiếp tục được thể hiện rõ ràng và nhất quán thông qua Thông tư 11/2011/TT-NHNN: “Cần phải thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng, thu hẹp và đi đến chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng”.
Tại sao dừng “huy động vàng trong dân”?
Vì nó có quá nhiều rủi ro. Ở thời điểm đó, có nhiều lý do cho thấy “huy động vàng trong dân” có rủi ro. Đầu tiên là biến động giá vàng khá lớn. Cơ quan quản lý cho rằng quy định huy động và cho vay vốn từ huy động vàng khi đó cho phép các ngân hàng tạo ra một trạng thái đầu cơ, có thể gây bất ổn cho hoạt động của thị trường vàng, đồng thời gây lo ngại rủi ro cho chính các ngân hàng.
Khi giá vàng biến động lớn, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay vốn từ vàng có thể không bù đắp được biến động giá vàng. Rủi ro với các ngân hàng huy động vàng xuất hiện.
Lúc này bắt đầu nổ ra những tranh luận khá gay gắt trong giới chuyên gia với cơ quan quản lý. Một số chuyên gia cho rằng không nên vì lo ngại rủi ro mà lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế luôn đói vốn như Việt Nam.
Theo quan điểm này, vấn đề là cần tạo dựng hệ thống chính sách để các ngân hàng có thể chủ động kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả của họ. Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia khác, bao gồm chính các lãnh đạo giới ngân hàng thương mại, lại ủng hộ dừng huy động và cho vay vàng.
Lý lẽ của họ là nếu ngân hàng quản lý không tốt, an toàn của hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Việc một số ngân hàng bị thua lỗ do huy động vàng trong khi giá vàng biến động mạnh, được cho là “trả giá quá đắt” vì huy động vàng, khiến NHNN đưa ra quan điểm thận trọng, mà cũng là theo đúng định hướng của Quốc hội và Chính phủ khi đó.
Nói chung, “ngọn gió” chính sách chủ đạo khi đó đặt nặng tính an toàn của hệ thống hơn là mục tiêu “huy động vàng trong dân”.
Cần góc nhìn rõ hơn về "huy động vàng trong dân”
Chấp nhận rủi ro đến mức nào sẽ tùy vào thời điểm, đánh giá của giới chuyên gia cũng như lãnh đạo Chính phủ. Bởi muốn dân đem vàng đi gửi vào tổ chức huy động phải trả lãi suất đủ hấp dẫn, từ đó tạo nên áp lực sử dụng vốn hiệu quả.
Vì vậy, đã huy động vốn từ vàng trong dân, chúng ta phải tính tới việc nguồn vốn huy động từ vàng không được sử dụng hiệu quả nữa. Ngoài ra, những rủi ro của huy động vàng do những biến động giá bất ngờ cũng như áp lực người dân đòi rút vàng trước hạn có thể gây thua lỗ cho tổ chức huy động, những điều đã thể hiện trong quá khứ.
Tóm lại, rủi ro huy động vàng có thể lớn hay nhỏ, tùy vào tình hình thị trường, nhưng huy động vàng trong dân chắc chắn không phải “bữa tiệc” miễn phí.
Hiện nay cách tiếp cận vàng “nằm chết” ở trong dân của chúng ta đang theo xu hướng “cổ điển”. Nếu hiểu rõ các lý thuyết về quản lý đầu tư hiện đại, đây là một dạng đầu tư vào tài sản thay thế (alternative asset) của dân giống như tranh quý hay rượu quý.
Vấn đề nằm ở chỗ tùy vào diễn biến của nền kinh tế và niềm tin vào kênh đầu tư, người dân sẽ di chuyển tiền vào và ra khỏi những tài sản “nằm chết” đó. Nói cách khác, thay cho quan điểm rằng vốn trong vàng là “tiền chết”, cần được huy động, chúng ta nên tiếp cận nó như thể đó là một trong những kênh đầu tư và tích lũy của dân.
Như vậy, để khuyến khích vốn từ vàng chảy ra nền kinh tế, tức là kéo một trong nhiều loại tài sản đầu tư của người dân chảy qua các tài sản và kênh đầu tư khác, cần phải tạo ra được môi trường kinh doanh ổn định, nhiều tiềm năng.
Khi đó người dân thấy hành động để vốn “chôn” trong vàng không có lợi bằng đem tiền ra đầu tư vào nền kinh tế, những thứ ít “nằm chết” hơn. Khi người dân đổ tiền vào một thứ “nằm chết” như vàng, nó phản ánh rằng người dân đang ở vào thế “phòng thủ”. Muốn họ từ bỏ vị trí “phòng thủ” đó, chúng ta buộc phải trả một cái giá tương xứng.
Vấn đề quan trọng nhất là NHNN, các cơ quan giám sát tài chính và định hướng của Chính phủ, có chấp nhận rủi ro khi “huy động vàng trong dân” hay không. Nếu nói ngân hàng có thể tự quản lý rủi ro với nghiệp vụ huy động vàng, nghĩa là chúng ta đã quên đi những bài học về các ngân hàng “0 đồng”.