Ai hưởng lợi nếu sửa Nghị định 24?

(ĐTTCO) - Gần đây, liên tục các ý kiến đưa ra đề nghị chỉnh sửa Nghị định 24 (NĐ24) chỉ dựa trên một lập luận: chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới khá lớn, nguyên nhân do NĐ24 quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng. 

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao có phải là do NĐ24?
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao có phải là do NĐ24?

Đây là lý do chính mà ngay đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng như phía NHNN nêu ra. Theo đó, các đề xuất cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và để cho các công ty kinh doanh vàng tự sản xuất vàng miếng…

Hãy nhìn dưới góc độ dự trữ ngoại hối

Chung quy lại, những đề xuất này chỉ đơn giản: (1) NHNN phải xuất ngoại tệ dự trữ quốc gia để nhập khẩu vàng, qua đó hoặc là NHNN tiếp tục độc quyền sản xuất ra vàng miếng SJC để bán ra thị trường, hoặc là bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng nhập khẩu vàng về sản xuất vàng miếng bán ra thị trường. (2) Các công ty kinh doanh vàng trực tiếp hay gián tiếp có nhiều vàng hơn để mua bán, kinh doanh và chắc hẳn doanh số cũng như lợi ích của họ sẽ gia tăng.

Chúng ta không tranh luận chủ thể nào đứng ra nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng bán ra thị trường, nghĩa là độc quyền hay bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng không còn quan trọng, mà điều cần thiết chính là ngoại tệ chi ra để nhập khẩu vàng cho việc sản xuất vàng miếng. Và những người ủng hộ cho việc sửa nghị định này cho rằng cách làm này sẽ thu hẹp giá vàng miếng trong nước và thế giới thông qua việc NHNN bán ngoại tệ để nhập khẩu vàng.

Trước khi NĐ24 ra đời, NHNN thường xuyên bán ra hàng tỷ USD để cho DN nhập khẩu vàng cũng như cho chính NHNN nhập khẩu và bán ra trong nước. Cái được của hành động này là thu hẹp được chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường, nhưng hàng tỷ USD đã ra đi không ngày trở lại.

Trước khi NĐ24 ra đời, NHNN thường xuyên bán ra hàng tỷ USD để cho DN nhập khẩu vàng, nên dự trữ ngoại hối Việt Nam rất mong manh, quanh mức 20 tỷ USD. Nhưng đến nay vị thế đã khác, theo ước tính khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2023, đáp ứng 17-18 tuần nhập khẩu.

Cách làm này đã làm cho dự trữ ngoại tệ bị mất đi, gây mất an ninh tài chính tiền tệ và làm cho “vàng hóa” nền kinh tế càng trở nên trầm trọng. Và NĐ24 ra đời không chỉ góp phần không làm cho nền kinh tế trở nên vàng hóa, mà còn không mất đi một lượng dự trữ ngoại tệ nào cho việc nhập khẩu vàng.

Minh chứng là trước khi NĐ24 ra đời, dự trữ ngoại hối Việt Nam rất mong manh, quanh mức 20 tỷ USD, nhưng ngày nay vị thế đã khác, theo ước tính khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2023, đáp ứng 17-18 tuần nhập khẩu. Vị thế này góp phần không nhỏ cho đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực… như ngày nay”.

Và để có lượng ngoại tệ dự trữ lớn mạnh trên, có thể kể đến 8 năm liên tiếp nền kinh tế thặng dư trong cán cân thương mại. Và gần 5 triệu lao động của ngành dệt may da giày đã phải lao động cật lực, để ghi tên vào top 10 ngành đóng góp trong thặng dư cán cân thương mại đó. Họ đã lao động để cho quốc gia có được lượng ngoại tệ trên.

Do vậy, liệu có công bằng không khi sử dụng những đồng ngoại tệ này để nhập khẩu vàng?

Thu hẹp chênh lệch giá vàng để làm gì?

Vậy vấn đề còn lại cho những sức ép sửa NĐ24 chính là chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới. Trong bài viết “NĐ24 được gì, mất gì và cần phải sửa những bất cập gì?” số ra ngày 4-12-2023, chúng tôi đã đề cập đến tác động của chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới trước thời điểm NĐ24 có hiệu lực, có gây áp lực lên tỷ giá VNĐ/USD.

Nhưng từ khi NĐ24 có hiệu lực đến nay, dù tồn tại chênh lệch giá vàng lớn hơn nhiều, nhưng điều này không gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của đồng VNĐ. Nghĩa là thông qua quản lý thị trường vàng từ NĐ24, NHNN sẽ không phát ra tín hiệu cho việc bán ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Nghĩa là chính sách này đã dập tắt yếu tố đầu cơ của nền kinh tế vào tỷ giá hối đoái VNĐ. Trong cuộc họp báo của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cũng đã đánh giá lợi ích của nghị định từ khía cạnh này.

Những ý kiến ủng hộ việc cần thiết phải sửa NĐ24 còn cho rằng, chênh lệch giá vàng cao đang gây ra tình trạng nhập khẩu vàng lậu trong nền kinh tế. Trong tháng 1-2024, NHNN cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cùng phối hợp với NHNN để quản lý thị trường vàng, do lo ngại tình trạng nhập lậu vàng xảy ra khi chênh lệch giá vàng lên trên 20 triệu đồng/lượng.

Thực ra không chỉ vàng, nhiều mặt hàng khác trong nền kinh tế đều tồn tại tình trạng nhập lậu, mục đích của nhập lậu vì mặt hàng đó cấm nhập, nhập có điều kiện hoặc thuế suất nhập khẩu cao… Xăng dầu là mặt hàng được báo chí truyền thông đưa tin nhiều nhất về thực trạng này. Nghĩa là, việc tổ chức các cơ quan chức năng quản lý nền kinh tế đã có, và họ đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Không phải vì tình trạng nhập lậu vàng gây ra áp lực công việc và tiêu hao nguồn lực nhiều hơn cho các cơ quan chức năng này.

Do vậy, không thể cho rằng chênh lệch giá vàng cao đã đưa đến quá tải của các cơ quan quản lý, để rồi việc nhập lậu vàng đang diễn ra thường xuyên, và tỷ giá VNĐ trên thị trường tự do tăng cao gây bất lợi cho tỷ giá chính thức của NHNN, một cách gián tiếp tác động lên tỷ giá VNĐ.

Thực tế hơn 10 năm qua, chỉ có một vụ án buôn lậu vàng qua biên giới được phát hiện và truy tố là vụ án Mười Tường, cho nên càng cho thấy tính hiệu quả trong việc phối hợp quản lý vàng nhập lậu của các cơ quan nhà nước.

Khi không còn lập luận nào đủ thuyết phục, thì có ý kiến đưa ra việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, làm cho người dân bị thiệt hại vì mua phải giá cao. Câu chuyện này phi lý, vì trái với quy luật vận hành của nền kinh tế.

Người mua vàng từ người bán vàng, nghĩa là có 2 nhóm người dân ở đây: nhóm người nắm giữ tiền muốn mua vàng được giá thấp để cất trữ hoặc đầu cơ, nhóm người đang nắm giữ vàng và nhận thấy mức giá vàng hiện tại là cơ hội cần bán ra lượng vàng của mình.

Diễn biến giá vàng là một trò được - mất của 2 nhóm người này. Ẩn ý lớn từ lập luận này chính là lượng lớn người “dân” đang nắm giữ tiền, không chấp nhận mua vàng hiện đang cao hơn thế giới để cất trữ, nên họ muốn thu hẹp giá vàng để có được món hời cho chính mình.

Và những người “dân” này đang muốn đất nước chi ra hàng tỷ USD để nhập khẩu vàng từ mồ hôi của hàng triệu công nhân may để sở hữu những lượng vàng giá thấp mang về cất giữ trong nhà. Và các công ty kinh doanh vàng có được cơ hội mở rộng kinh doanh và thu thêm nhiều lợi nhuận.

Các tin khác