Mới đây, kế hoạch sáp nhập thu hút sự theo dõi trong nhiều năm qua giữa VietinBank và PGBank cũng chính thức công bố tạm dừng.
Dừng giao dịch sáp nhập
Trong báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán hợp nhất năm 2017 công bố mới đây, VietinBank cho biết ngày 22-5-2015 NH này và PGBank đã ký kết hồ sơ về việc sáp nhập PGBank vào VietinBank theo phê duyệt của ĐHCĐ. Ngày 27-4-2016, 2 bên đã ký kết hồ sơ sáp nhập sửa đổi thay thế cho hồ sơ sáp nhập đã ký kết.
Để hoạt động sáp nhập diễn ra suôn sẻ, bản thân các NH muốn sáp nhập vào NH khác phải nỗ lực tái cơ cấu và lựa chọn phương án khả thi nhất để rút ngắn thời gian đàm phán, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. |
Cụ thể, việc sáp nhập đã dừng theo giao dịch thỏa thuận giữa 2 NH vào ngày 6-10-2017, mỗi bên sẽ tự chịu trách nhiệm đối với các chi phí pháp lý và các chi phí khác liên quan đến việc dừng giao dịch sáp nhập.
Thông tin PGBank sáp nhập VietinBank xuất hiện năm 2014. Ban đầu, HĐQT PGBank dự định phương án sáp nhập là trở thành đơn vị trực thuộc VietinBank theo mô hình NH trong NH, PGBank vẫn giữ nguyên bộ máy hoạt động và thương hiệu. VietinBank phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu PGBank và mức sở hữu đến 99% PGBank. Song kế hoạch này đã gác lại, không trình cổ đông. Đến năm 2015, VietinBank và PGBank mới trình cổ đông và thông qua giao dịch sáp nhập.
Theo dự kiến, khi NHNN chấp thuận về nguyên tắc, VietinBank phát hành cổ phiếu hoán đổi gồm 300 triệu cổ phiếu, trong đó 270 triệu cổ phiếu dành cho cổ đông PGBank, 30 triệu cổ phiếu dành cho cổ đông hiện hữu của VietinBank trong quý III-2015.
Sau đó, 2 bên đã ký hồ sơ sáp nhập, nhưng quá trình sáp nhập không diễn ra vì vướng khâu thủ tục. Sự việc kéo dài đến năm 2017, cổ đông than phiền sự chậm trễ sáp nhập gây ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu và không được nhận cổ tức, lãnh đạo NH cho biết sẽ trả lời vào quý II-2017. Đến thời điểm này, câu trả lời đã được xác định: sau nhiều năm đàm phán đã không có cuộc “hôn nhân” giữa VietinBank và PGBank diễn ra như dự kiến.
Cân nhắc lợi ích?
Cân nhắc lợi ích?
PGBank hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Tháng 10-2017, NH đã công bố thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 3.165 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tuy nhiên, kết thúc năm 2017 PGBank đã không tăng vốn như dự kiến.
Theo BCTC kiểm toán năm 2017 của PGBank, hoạt động huy động vốn và cho vay của NH tăng trưởng mạnh. Cho vay khách hàng đạt 21.421 tỷ đồng, tăng 22,17% so với đầu năm; tăng trưởng huy động vốn đạt đến 25% với 22.877 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi của NH rất cao, đến 94%.
Đồng thời, nợ xấu thời điểm cuối năm 2017 đã tăng vọt cả về tỷ lệ lẫn con số tuyệt đối so với thời điểm đầu năm, với hơn 715 tỷ đồng, tăng 65,2% so với đầu năm, chiếm 3,34% trong tổng dư nợ so với mức 2,47% của đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 93%, lên 525 tỷ đồng, chiếm 73,4% tổng nợ xấu.
Ngoài ra, các khoản phải thu của PGBank cũng tăng vọt từ mức 72 tỷ đồng lên hơn 255 tỷ đồng, gấp 3,6 lần, trong đó riêng khoản phải thu của CTCP Đầu tư Công đoàn Petrolimex lên tới hơn 180 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu của PGBank cũng tăng 7,7%, lên gần 729 tỷ đồng.
Theo đó, NH phải tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro từ 203 tỷ đồng năm 2016 lên 460 tỷ đồng, đã kéo lợi nhuận trước thuế giảm mạnh. Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của PGBank đạt 541 tỷ đồng (năm 2016 là 356 tỷ đồng) nhưng sau trích lập, lợi nhuận trước thuế chỉ còn xấp xỉ 80 tỷ đồng, giảm 47,5% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 64,5 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước, PGBank có danh sách cùng 33 tổng công ty và NH nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2018 với nội dung kiểm toán BCTC, các hoạt động liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017.
Đối với VietinBank, nếu sáp nhập PGBank, tài sản có sinh lời sẽ tăng đáng kể, nhưng thu nhập lãi thuần sẽ tăng chậm lại, kéo tỷ lệ lãi cận biên đi xuống. Với tỷ lệ nợ xấu cao, NH nhận sáp nhập PGBank chắc chắn sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí dự phòng. Đồng thời, tỷ lệ hoán đổi khi sáp nhập cũng là một vấn đề vướng mắc.
Tuy nhiên, trong khi VietinBank buông thương vụ sáp nhập với PGBank, cùng lúc đó lãnh đạo MB cho biết NH có dự định sáp nhập và nghiên cứu, tìm hiểu một số NH, trong số đó có PGBank. Điều này cho thấy, việc sáp nhập còn tùy thuộc vào khẩu vị của từng NH, có NH thấy sáp nhập sẽ bất lợi nhưng có NH nhìn thấy sáp nhập lại có lợi.