1. Nếu nói đến một vùng quê có hình ảnh trở nên quen thuộc nhất trong mắt người Việt Nam lẫn du khách quốc tế, có lẽ đó là làng cổ Đường Lâm. Biểu tượng thú vị nhất được ghi dấu trong tâm tưởng chúng ta về làng cổ Đường Lâm là bóng lá xum xuê của cây đa cổ thụ phủ xuống cổng làng rêu phong.
Không có cây đa ấy, chắc chắn vẻ đẹp cổng làng hao hụt không ít. Tôi luôn tin như vậy, nhưng điều khiến tôi thực sự rung động để quan tâm đến màu xanh cổ thụ lại xuất phát từ một chuyện... làm ăn.
Cách đây khoảng 5 năm, các doanh nghiệp nước ngoài ùn ùn kéo đến Bình Dương để xây công ty, mở nhà máy. Bạn của tôi có căn nhà với mảnh vườn rộng rãi và nằm ở vị trí đắc địa nên cũng được hỏi mua.
Tôi chẳng mấy lưu ý đến cuộc giao dịch ấy, nhưng một hôm đột nhiên người bạn hớn hở khoe: “Tui lời được một khoản tiền, mà vẫn được ở nguyên tại chỗ”.
Tôi hơi kinh ngạc trước sự may mắn của người bạn. Thì ra, đại diện của doanh nghiệp đã đồng ý mua và đặt cọc, nhưng khi sắp bàn giao bỗng nhiên ông giám đốc nước ngoài xuất hiện. Vị khách đường bệ ấy đi vòng quanh căn nhà, dừng lại rất lâu trước cây me cổ thụ rồi thầm thì với cô trợ lý người Việt.
Nghe hỏi: “Cây me này bao nhiêu năm rồi?”, người bạn tôi ấp úng: “Từ thời ông cố của tui để lại, không biết rõ lắm”. Thấy vị giám đốc nước ngoài lặng lẽ quay lưng, bạn tôi rất hoảng hốt, ngỡ có sự cố không hay xảy ra.
Ai dè, hôm sau, cô trợ lý người Việt quay lại tường trình thật mạch lạc: “Chúng tôi mất tiền cọc cho anh. Ông chủ bảo, không thể chặt cổ thụ để làm xưởng sản xuất. Thành thật xin lỗi! Chúng tôi sẽ đi tìm nơi khác”.
Người bạn cứ khoái chí cười hể hả, còn tôi chột dạ hiểu thêm vì sao từ cuối thế kỷ 19 người Pháp đã cho thành lập Sở Ươm cây tại Sài Gòn, để rồi có nhiều địa danh được gọi theo tên loài cây như dốc Cây Gõ, ngã ba Cây Thị, chợ Cây Da Sà hoặc vùng đất thuở nào trồng nhiều cây mã tiền (củ chi) thì trở thành huyện Củ Chi.
2. Bây giờ, chắc chắn những người yêu bóng mát vững tin hơn, khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định về quản lý cây xanh đô thị, trong đó nêu rõ: “Cây cổ thụ là cây thân gỗ lâu năm được trồng hoặc mọc tự nhiên, có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây”.
![]() |
Cây dã hương hơn 700 tuổi ở Bắc Giang. |
Căn cứ vào chuẩn này, theo số liệu hiện tại của Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, ở TPHCM có trên 1.000 cây cổ thụ. Những hàng cây dầu rái và cây sao đen dọc theo các con đường Huyền Trân Công Chúa, Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh ở quận 1 chính là dấu vết của rừng nhiệt đới rụng lá đặc trưng của Đông Nam bộ.
Những thân cây cao vút và xù xì ấy cho chúng ta biết lịch sử sơ khai của Sài Gòn - TPHCM vốn là một vùng rừng rậm hoang vu. Hiện tại, đứng đầu trong di sản cổ thụ của thành phố phương Nam phải nhắc đến cây đa ở công viên Bách Tùng Diệp nằm ngay ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng, có 5 thân, độ tuổi trên 300 năm.
Theo ghi chép của Trương Vĩnh Ký, nơi cây đa này ngày xưa là một cái chợ có tên gọi Cây Đa Còm chuyên bán bút mực cho học trò lục tỉnh lai kinh ứng thí. Vì vậy, mỗi lần ghé chân đến gốc đa cổ thụ, tôi bỗng mường tượng trên tán lá xum xuê ấy theo thời gian đã lưu bóng dáng thành kính lặng lẽ của rất nhiều danh sĩ.
Địa điểm tập trung nhiều cổ thụ nhất dĩ nhiên là Thảo Cầm Viên và khuôn viên Dinh Thống Nhất với nhiều loại quý hiếm như cây bao báp và cây sọ khỉ có nguồn gốc từ sa mạc châu Phi, hoặc cây cườm rắn, cây chưng bầu, cây viết chát, cây sóng rắn thơm đều có giá trị chứng nhân cho sự hình thành và phát triển của Sài Gòn - TPHCM.
Tuy không lâu năm bằng cây đa Bách Tùng Diệp và cây xoay 200 tuổi trên đường Huỳnh Văn Bánh đã bị đốn hạ từ năm 2000, nhưng theo tôi, cây mù u trắng (bạch mai) hơn 100 tuổi ở Phụng Sơn Tự - quận 11 cũng rất cần có biện pháp bảo vệ thích đáng. Bởi lẽ, tại cây mù u trắng đó đã từng là nơi tụ hội của Bạch Mai thi xã với những tên tuổi như Phan Văn Trị, Trần Thiện Chánh, Nguyễn Thông... vào đầu thế kỷ 20.
3. Một trong những điều khiến tôi yêu Hà Nội là những hàng cây rợp mát. Hàng cây cơm nguội phố Lý Thường Kiệt, hàng cây sấu phố Trần Hưng Đạo, hàng cây hoa sữa phố Nguyễn Du, hàng cây da phố Điện Biên Phủ cứ xào xạc thương nhớ trong tâm hồn kẻ ở người đi.
Có lẽ cây dầu rái với chiều cao hơn 50m ở Bách Thảo là cây cao nhất Hà Nội. Thế nhưng, nói đến cổ thụ ở thủ đô phải kể những cây muỗm. Nhiều lần đứng rất lâu chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây muỗm đền Quán Thánh hoặc cây muỗm khu Văn Miếu, tôi không tài nào đoán nổi thân cây đã tích tụ bao nhiêu tháng ngày bão giông.
Dường như mỗi cây cổ thụ ẩn giấu một bài học sâu sắc về sức chịu đựng và sự ngay thẳng, khiến con người dễ bị choáng ngợp vì cái hữu hạn kiếp nhân sinh. Vẻ đẹp Hà Nội sẽ khiếm khuyết nếu vắng đi những hàng cây xanh.
Dẫu thâm trầm như cây đa phố Hàng Trống hay lêu nghêu như cây sao phố Lò Đúc đều gìn giữ cốt cách ngàn năm Thăng Long. Không hiểu sao, mỗi lần chia xa Hà Nội, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, phải chăng con đường trồng liễu ngày xưa cho chúng ta phố Liễu Giai bây giờ, phải chăng con đường trồng hòe ngày xưa cho chúng ta phố Hòe Nhai bây giờ?
Không thể nào lý giải cảm giác nôn nao, nỗi nhớ Hà Nội trong tôi lắm khi vương màu liễu Hồ Tây, giấc mơ Hà Nội trong tôi lắm khi phảng phất dáng lộc vừng Hồ Gươm.
4. Thói quen rong ruổi đặc thù nghề nghiệp giúp tôi có dịp đi dọc theo đất nước. Có những đô thị không có công trình gì to lớn nhưng vẫn để lại niềm lưu luyến nhờ những bóng cây. Thị xã Trà Vinh chẳng hạn, những hàng cây nhạc ngựa, cây sến mũ cứ như xòe ra ôm ấp và níu giữ bàn chân lữ khách.
Những gốc cổ thụ dềnh dàng ở khu vực Ao Bà Om vẫn thường réo gọi tôi quay lại Trà Vinh. Tôi cho rằng, cũng đã đến lúc ngành du lịch cần có cuộc thống kê nghiêm túc để đưa những cây cổ thụ vào danh mục địa chỉ tham quan thu hút mọi người. Thí dụ, cây dã hương 500 năm ở thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hoặc cây lim xanh 700 năm ở Giếng Rừng, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, hoặc cây đa 13 gốc ở xóm Trại, xã Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Đặc biệt, do gắn với đời sống tâm linh nên hầu hết cây cổ thụ đều “tọa lạc” tại các khu di tích, có thể kết hợp thành một tour thăm viếng lý thú. Ở thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có cây dã hương đã hơn 700 năm, nằm cạnh đình Viễn Sơn và chùa Phúc Âm đáng được xem như một danh thắng.