Huyền bí Xiêng Khoảng

Nằm vắt bên kia dãy Trường Sơn, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) có đường biên giới giáp ranh với tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Lẫn trong bạt ngàn cánh rừng nguyên sinh và kỳ vĩ của văn hóa cổ xưa là những phố thị hiện đại đang mọc lên. Chính vẻ đẹp hiện đại xen lẫn cổ kính ấy đã tạo nên một Xiêng Khoảng tươi đẹp huyền bí.

Nằm vắt bên kia dãy Trường Sơn, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) có đường biên giới giáp ranh với tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Lẫn trong bạt ngàn cánh rừng nguyên sinh và kỳ vĩ của văn hóa cổ xưa là những phố thị hiện đại đang mọc lên. Chính vẻ đẹp hiện đại xen lẫn cổ kính ấy đã tạo nên một Xiêng Khoảng tươi đẹp huyền bí.

Chạm vào Mường Vàng

Qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), dọc  Quốc lộ 7A chừng 20km là tới khu chợ hữu nghị Việt - Lào. Đi tiếp vào đất nước Lào, dọc hai bên đường thấp thoáng những bản làng yên bình trong bạt ngàn núi đồi nối nhau với muôn loài cây cối trù phú còn nguyên sơ. Và Mường Khăm, thị trấn của huyện Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng nhỏ nhắn và xinh đẹp hiện ra.

Theo giải thích của người dân ở đây, Mường Khăm có nghĩa là Mường Vàng. Vùng đất này đúng như tên gọi địa đanh của nó, hai bên đều là những vựa vàng. Khắp dưới các chân đồi của núi rừng, đồng ruộng, vườn cây, nhà ở của mảnh đất Mường Khăm đều có vàng.

Vì thế, hàng năm rất nhiều “nậu” khai thác nhăm nhe vào mảnh đất của Mường Vàng tìm đường khai thác nhưng, chính quyền nước bạn quản lý rất chặt việc khai thác khoáng sản, nhất là những vùng đất thiêng có từ xa xưa như mảnh đất Mường Khăm này.

Cánh đồng chum có khoảng 700 chiếc chum đá thu hút nhiều du khách tới tham quan. 

Cánh đồng chum có khoảng 700 chiếc chum đá thu hút nhiều du khách tới tham quan. 

Phóng xe về phía Bắc của Mường Khăm, nơi đây tạo hóa còn ban tặng cho người Lào 2 dòng suối nước nóng rất hấp dẫn, đó là Ban Nọi (suối nhỏ) và Ban Nhầy (suối lớn), quanh năm có nhiệt độ trên 600C nên rất hấp dẫn đối với du khách tới thưởng ngoạn cao nguyên Mường Khăm.

Phônxavẳn bình yên

Trung tâm tỉnh lị của tỉnh Xiêng Khoảng là thị xã Phônxavẳn (Phonesavanh). Nếu lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này người ta không khỏi ngỡ ngàng. Phônxavẳn bây giờ được xây dựng với nhiều kiến trúc hiện đại. Phố thị vô cùng sôi động, nhưng không phải vì thế mà mất đi nét đẹp văn hóa cổ của người Lào. Nhà cửa cao tầng san sát, hàng quán ngăn nắp, đường phố sạch đẹp.

Trong dòng sôi động đó, Phônxavẳn vẫn luôn bình yên. Mỗi buổi sáng nơi phố thị này người ta lại được chứng kiến hình ảnh các nhà sư đi khất thực trên các con phố, hầu hết đồng bào các dân tộc Lào đều theo Phật giáo. Các nhà sư đi khất thực thường một nhóm từ 5-6 người, trước khi sư đi ngang cổng, các hộ gia đình đã chuẩn bị sẵn thức ăn và được chia đều các khẩu phần bằng nhau để làm phúc.

Đặc biệt, đêm Phônxavẳn càng về khuya càng yên tĩnh, khiến du khách dễ cảm nhận cuộc sống của người dân trên đất nước triệu voi. Phônxavẳn giờ đây đang ngày một phát triển sôi động, rất nhiều dịch vụ giải trí, nhưng con người ứng xử với nhau rất có văn hóa.

Dù dòng người tấp nập nhưng tuyệt nhiên không có chuyện vượt đèn đỏ, đi sai làn đường. Tình cờ xảy ra vụ va quệt nhỏ, ngay lập tức, người lái xe tải dừng xe chắp tay xin lỗi người đi xe gắn máy. Còn người đi xe máy sau khi đứng dậy kéo xe vào lề đường, cũng chắp tay cúi người xin lỗi người điều khiển xe tải. Rồi 2 người bắt tay thông cảm đi tiếp. Nằm giữa trung tâm thị xã, nhiều nhà hàng kaoraoke, vũ trường bắt đầu  mọc lên để phục vụ nhu cầu giải trí của con người.

Nhưng vào vũ trường của Lào, từ nhân viên bảo vệ cho đến người phục vụ rất lịch sự. Mọi người ý thức được rằng đến đây để giải trí lành mạnh. Vì thế chẳng mấy khi có cảnh say rượu, bia, rồi đánh nhau. Tới Phônxavẳn, khắp các con phố, nhà hàng, khu chợ… ngày đêm đều văng vẳng nghe những bài hát nhẹ nhàng giành cho điệu múa lăm vông.

Kỳ bí dưới đỉnh Phu Bia

Nằm ngoại ô thị xã Phônxavẳn chừng 10km, cánh đồng chum, hay đỉnh núi Phu Bia (có độ cao gần 3.000m) là niềm tự hào của người Lào nói chung, người dân tỉnh Xiêng Khoảng nói riêng. Cho đến bây giờ cánh đồng chum vẫn luôn là ẩn số về niên đại cũng như công dụng, nguồn gốc đá, bằng cách nào để vận chuyển từng khối đá to hàng chục tấn, dụng cụ để đẽo thành những chiếc chum khổng lồ…

Nhân viên bảo vệ cánh đồng chum (từng là phóng viên một tờ báo của Lào), cho biết lâu nay người ta thường hay nói đến giả thuyết về những chiếc chum này là do người của bộ tộc Puôn (Lào) làm nên. Thủ lĩnh của bộ tộc này là Thạo Chương, sai quân lính đục chum đá để ủ rượu khao quân trong những lần chiến thắng.

Một giả thuyết thứ hai, do bà Ma Clenecolani (1866-1943) thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp thực hiện nghiên cứu năm 1930, cho biết niên đại của những vật cổ này có khoảng 2.500-3.000 năm về trước. Các chum này dùng để an táng người quá cố. Chum lớn dùng để an táng những người có vị trí cao trong bộ tộc, chum nhỏ dành cho những người thường dân.

Tuy nhiên, dù giả thuyết nào đi chăng nữa, sự bí ẩn của cánh đồng chum đến nay vẫn chưa có lời giải xác đáng. Hàng năm nơi đây có hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Hiện nay trên cánh đồng chum còn khoảng 700 chiếc chum đá, tập trung chủ yếu ở bản Ang, Lắt Xén và Xiêng Lếch.

Nằm không xa cánh đồng chum kỳ bí, trên cao nguyên Xiêng Khoảng còn có thành cổ Mương Khuông. Dù theo thời gian, hầu hết tường thành đã bị đổ nát, chỗ rêu phong phủ mờ, nhưng thành cổ Mương Khuông vẫn được coi là một công trình văn hóa cổ xưa của người Lào rất giá trị về mặt văn hóa - nghệ thuật.

Các tin khác