Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM nghiên cứu, lai tạo giống cây nhằm phát triển ngành nông nghiệp thành phố
Tập trung vào giống
Vừa mới thu hoạch “một mẻ” kha khá từ mai kiểng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều nông dân của làng mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh) lại tất bật tiếp từng đoàn khách từ các tỉnh về mua cây mai vàng nguyên liệu. Ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi, cho hay, ngay sau tết, đã có khách từ Cần Thơ đến mua 100 gốc mai. “Tính từ đầu tháng 2 đến nay, vườn mai của tôi đã bán được hơn 5.000 gốc, có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/gốc. Nếu tính luôn của cả HTX thì bán được hơn 20.000 gốc”, ông Lê Hữu Thiện chia sẻ.
Theo ông Lê Hữu Thiện, giống cây mai vàng Bình Lợi được ưa chuộng gần như khắp cả nước, do có giá trị cao hơn hẳn nhiều giống mai ở một số nơi. Trồng cây mai giống không tốn công chăm sóc như trồng mai kiểng nở hoa chơi dịp tết, nhưng thu lợi không hề thua kém. Chưa kể, cây mai nguyên liệu có thể bán quanh năm. Để có giống chất lượng, cây mai vàng Bình Lợi đã được nghiên cứu, lai tạo từ nhiều loại cây mai vàng khác nhau, vì thế có sức sống rất khỏe, tiện cho việc vận chuyển đi xa.
Được Sở NN-PTNT TPHCM cung cấp 300 con heo giống cụ kỵ từ Canada, HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi) đã lai tạo các dòng ông, bà, bố, mẹ để ra giống thương phẩm. Ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, đánh giá, so với các giống trước đó, heo giống thương phẩm tuy không đạt bằng giống cụ kỵ, nhưng chất lượng cũng tương đương. Chương trình heo giống này đã giúp cho HTX có được nguồn giống để kinh doanh rất hiệu quả trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến bất thường.
Trong 10 năm qua, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã sưu tập và lưu giữ được hơn 390 giống lan các loại, 166 giống kiểng lá, 124 giống hoa nền và hơn 100 giống dược liệu quý, 11 loài cá... nhằm phục vụ nghiên cứu nhân giống và chọn tạo giống mới. Đặc biệt, trung tâm đã chọn lọc được 20 dòng lan lai Dendrobium, trong đó có 12 dòng lan lai mới. Các giống này đã được Bộ NN-PTNT cấp bằng bảo hộ giống. Bên cạnh đó, trung tâm còn tuyển chọn được 15 dòng dưa lưới đạt độ thuần trên 90% và trung bình mỗi năm đã cung cấp 500.000 hạt giống này ra thị trường. Trung tâm cũng nghiên cứu thành công 10 quy trình kỹ thuật nhân giống và canh tác rau, hoa kiểng, dược liệu.
Ứng dụng mạnh công nghệ cao
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, từ nhiều năm trước, lãnh đạo TPHCM đánh giá đô thị hóa là quá trình tất yếu của một trung tâm kinh tế như TPHCM, nên đã xác định nông nghiệp thành phố sẽ tập trung cho các lĩnh vực gắn với khoa học, công nghệ cao. Hiện TPHCM đã trở thành một trong những trung tâm cung cấp giống cây, con cho cả khu vực Nam bộ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Ông Đinh Minh Hiệp dẫn chứng, HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong từ một đơn vị cung cấp thịt, nhưng từ khi được Sở NN-PTNT hỗ trợ giống đã chuyển đổi sang mô hình sản xuất giống, cung cấp heo giống thương phẩm cho nhiều địa phương.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất giống, cung ứng và từng bước hình thành các vùng sản xuất giống; thành lập và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, mạng lưới sản xuất, nhân giống; thành lập các hiệp hội sản xuất giống chuyên ngành; đầu tư mới, nâng cấp trang thiết bị, hiện đại hóa cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống; tạo điều kiện kết nối giữa cơ quan nghiên cứu với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất; thực hiện tốt công tác sưu tập, lưu trữ và tạo các bộ sưu tập về các giống nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gene; khảo nghiệm, lai tạo các giống cây, giống con phù hợp với điều kiện khí hậu khu vực các tỉnh thành phía Nam. Gắn với quy hoạch bố trí vùng cây trồng, vật nuôi tập trung, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, Sở NN-PTNN TPHCM cùng các doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu khoa học sẽ đưa ra giải pháp khoa học giúp phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng dịch vụ về giống.
Ông Đinh Minh Hiệp cho biết thêm, để thực hiện được những kế hoạch trên, ngân sách nhà nước sẽ chỉ là “vốn mồi”, ngành NN-PTNN sẽ huy động nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia đầu tư. Hiện thành phố đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Trong đó, có 20 tổ chức nuôi cấy mô thực vật, cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm cho thị trường. Thành phố cũng có 28 đơn vị sản xuất kinh doanh giống vật nuôi, trong đó nhiều trại chăn nuôi heo, bò sữa đầu tư theo mô hình chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Xây dựng thương hiệu đặc sản TPHCM
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cần Giờ đã có 35 hộ trồng xoài tham gia trồng và chăm sóc cây theo quy trình VietGAP với diện tích sản xuất 25ha. Xoài trồng theo quy trình này đạt năng suất bình quân 9-10 tấn/ha, tăng 1-2 tấn/ha so với trồng theo mô hình truyền thống. Huyện Cần Giờ cũng đang nỗ lực phát triển nuôi cá dứa theo công nghệ hiện đại. Toàn huyện có 24 hộ nuôi cá với diện tích khoảng 32ha, trung bình thu hoạch khoảng 55 tấn cá/năm. |
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, trong định hướng phát triển giai đoạn năm 2020-2030 của ngành nông nghiệp, TPHCM đặt mục tiêu hàng năm chuyển giao 5-6 giống rau mới chất lượng cao, phấn đấu cung cấp cho thị trường khoảng 850-950 tấn hạt giống các loại, đáp ứng cho 1,2-1,5 triệu hécta gieo trồng/năm. Tiếp tục nhập nội, thuần hóa, đưa vào sản xuất hàng năm trung bình 5-7 giống hoa cây kiểng mới phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; phấn đấu sản xuất giống lan tại chỗ cung ứng khoảng 50%-60% nhu cầu phát triển diện tích hoa lan của thành phố; cung ứng cho thị trường khoảng 30-40 triệu cây giống/năm. |