Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã giảm 3 tháng liên tiếp trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng tại châu Á, song nhu cầu này có thể tăng trở lại vào tháng tới. Đây là nhận định được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra ngày 14/9.
Trong báo cáo hàng tháng, IEA cho biết nhu cầu dầu mỏ giảm từ tháng 7 sau khi tăng trở lại trong tháng trước đó. Thị trường Trung Quốc đứng đầu mức giảm.
Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn chịu sức ép do sự xuất hiện của biến thể Delta tại một số thị trường chính, đặc biệt là tại khu vực châu Á.
Trong 3 tháng (tính tới tháng 9), nhu cầu dầu mỏ giảm trung bình khoảng 310.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, dự kiến nhu cầu này sẽ tăng lên 1,6 triệu thùng/ngày vào tháng 10 và tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2021.
IEA cho biết tình hình dịch bệnh hiện đã khả quan hơn, với số ca mắc mới trên toàn cầu giảm trong những tuần gần đây và quá trình sản xuất vaccine ngừa COVID-19 và chương trình tiêm chủng vẫn tiếp tục đạt nhiều tiến bộ.
Tại nhiều nước, các biện pháp hạn chế dịch bệnh cũng đã được nới lỏng. IEA dự báo nhu cầu toàn cầu có thể tăng 5,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm nhẹ so với dự báo trước đó, song tăng trưởng trong năm 2022 sẽ tăng nhẹ hơn chút ít, ở mức 3,2 triệu thùng/ngày.
Cũng theo IEA, siêu bão Ida đã gây ảnh hưởng tới khu vực sản xuất dầu mỏ quan trọng ở vùng Vịnh duyên hải Mexico của Mỹ hồi cuối tháng 8 vừa qua và hiện vẫn tác động tới thị trường dầu mỏ của Mỹ cũng như toàn cầu.
Trước đó, ngày 13/9, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bày tỏ hy vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ vượt mức trước đại dịch vào năm 2022 nhờ việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 và phục hồi kinh tế.
Dự báo trên được đưa ra khi các nước OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, bắt đầu tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi.