Bấp bênh
Theo báo cáo trên, kinh tế thế giới đang phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2008-2009 trong khi các xung đột thương mại gia tăng làm giảm lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh. IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn vừa giảm tốc vừa phục hồi không chắc chắn.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath khẳng định triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh. IMF cũng dự báo, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,8% vào cuối năm 2020.
Người tiêu dùng Anh chọn mua thực phẩm tại siêu thị
Cũng trong báo cáo trên, IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2019 xuống còn 2,4%. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng nền kinh tế số một thế giới vẫn là điểm sáng trên vũ đài kinh tế toàn cầu. Mặc dù những căng thẳng thương mại đang tác động đến tăng trưởng, song IMF dự báo mức tăng 2,4% đối với kinh tế Mỹ trong năm 2019 và 2,1% trong năm 2020, vẫn là cao hơn xu thế chung.
Nhà kinh tế Gita Gopinath cho rằng: “Đối với Mỹ, những bất ổn liên quan đến thương mại đã tác động tiêu cực đến đầu tư, nhưng tình hình việc làm và tiêu dùng tiếp tục gia tăng mạnh”.
Ngoài ra, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong bối cảnh kinh tế Đức tăng trưởng chậm lại. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của eurozone trong năm 2019 được dự báo ở mức 1,2%, thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đó. Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) được xem là yếu tố gây ra sự sụt giảm của khu vực.
Cho rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ và nhu cầu trong nước yếu, IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Thay vì mức 6,2% đưa ra trước đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 xuống còn 6,1%. Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung và kinh tế Trung Quốc chậm lại cũng là những yếu tố khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn khác tại châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ.
Lo ngại về biện pháp phi thuế quan
Trong khi đó, theo Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hiệp quốc (ESCAP) và Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong khi thuế quan áp dụng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 50% trong 2 thập niên qua, số biện pháp phi thuế quan (NTM), các quy định chính sách ngoài thuế quan ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, đã tăng đáng kể. NTM hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 58% thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương.
Một lý do cho sự gia tăng của NTM là sự phổ biến ngày càng tăng những “vũ khí” về chính sách thương mại trong các căng thẳng thương mại khu vực và toàn cầu. Điều này có thể bao gồm các hạn chế mua sắm của chính phủ, trợ cấp xuất nhập khẩu cũng như cấm xuất nhập khẩu thông qua các lệnh trừng phạt đơn phương hoặc đa phương. Để đáp ứng các quy tắc phức tạp và thường không rõ ràng này có thể tác động đáng kể đến các nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng NTM là công cụ chính sách vẫn có thể hợp pháp. Hầu hết các NTM là các quy định kỹ thuật, chẳng hạn như các yêu cầu về vệ sinh và kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm.
Chỉ riêng chi phí cho các biện pháp này đã lên tới 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khoảng 1.400 tỷ USD trên toàn cầu. Các biện pháp này có thể phục vụ các mục đích quan trọng như bảo vệ sức khỏe con người hoặc môi trường và thậm chí có thể thúc đẩy thương mại trong những điều kiện nhất định.
Theo khuyến cáo của UNCTAD, để giải quyết chi phí thương mại trong khi vẫn duy trì lợi ích của NTM, các quốc gia cần tăng cường hợp tác hơn nữa ở tất cả các cấp. Các sáng kiến hài hòa NTM và các sáng kiến công nhận lẫn nhau trong các hiệp định thương mại khu vực cần được đẩy mạnh hơn nữa.