Với Israel, chiến thắng có thể đồng nghĩa là đã ám sát một chỉ huy hàng đầu của Hamas, hoặc phá huỷ đủ số lượng đường hầm, bệ phóng rocket và các cơ sở hạ tầng khác, để tuyên bố rằng họ đã “cắt sạch cỏ” – cụm từ được người Israel sử dụng rộng rãi để mô tả việc trấn áp tạm thời lực lượng chiến binh Palestine trước cuộc đối đầu tiếp theo.
Còn với Hamas, thắng lợi lớn nhất sẽ là bắt giữ được binh lính Israel để sau đó có thể trao đổi với những người Palestine bị cầm tù. Tiếp đến là phóng thêm được vài quả rocket tầm xa vào các thành phố Israel để thể hiện sức mạnh của một tổ chức Palestine khi đối đầu với đối phương mạnh hơn nhiều.
Tất nhiên, việc ám sát một thủ lĩnh Hamas, hay bắt giữ một binh sĩ Israel sẽ gây ra leo thang nghiêm trọng hơn, nhiều khả năng dẫn đến cái chết của một số lượng lớn thường dân ở Gaza.
Nhưng không bên nào cho rằng họ có thể sử dụng các phương tiện quân sự để đảm bảo những mục tiêu lớn hơn của mình. Cả hai đều mong đợi một giải pháp cuối cùng – một thoả thuận ngừng bắn không chính thức được quốc tế làm trung gian giống như những thoả thuận từng chấm dứt cuộc chiến Hamas – Israel vào các năm 2009, 2012 và 2014.
Để lật đổ Hamas, Israel cần tái chiếm Gaza trong một chiến dịch kéo dài và đổ máu, chắc chắn sẽ vấp phải chỉ trích của quốc tế. Ngay cả những người Israel hiếu chiến nhất cũng không đề xuất phương án này.
Trong khi đó, Hamas không kỳ vọng dỡ bỏ lệnh phong toả Israel- Ai Cập đã áp đặt lên Gaza kể từ khi nhóm này nắm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ từ tay các lực lượng Palestine đối thủ vào năm 2007.
Những quả rocket mà Hamas bắn sang Israel đã kéo theo làn sóng không kích từ Israel. Ít nhất 136 người Gaza đã thiệt mạng, bao gồm 31 em nhỏ và 20 phụ nữ, trong khi ít nhất 900 người bị thương, nhiều nhà cửa, cơ sở kinh doanh bị phá huỷ, càng làm tăng thêm sự khốn khó ở vùng đất bị cô lập này. Rocket cũng làm 7 người Israel thiệt mạng và gieo rắc tâm lý hoảng sợ ở cả những thành phố cách xa Gaza như Tel Aviv hay Jerusalem.
Tính toán của Hamas
Nhưng trong những tính toán tàn nhẫn chi phối nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông, việc phóng hoặc không phóng rocket mang lại cho Hamas đòn bẩy mà họ có thể sử dụng để đạt được một số mục tiêu hạn chế. Nhóm vũ trang này những năm gần đây đã duy trì một thoả thuận ngừng bắn không chính thức, mong manh với Israel, cho phép thực hiện những giao dịch kín đáo để vượt qua lệnh phong toả, tiếp nhận hàng trăm triệu USD viện trợ từ Qatar thường được chuyển giao qua cửa khẩu Erez của Israel.
Tareq Baconi, chuyên gia phân tích của tổ chức tư vấn quốc tế Crisis Group, cho biết: “Cái chết và sự tàn phá từ các cuộc không kích thật kinh khủng". Nhưng đối với Hamas, “sự đau khổ đó là không thể tránh khỏi khi người Palestine đang chống lại sự chiếm đóng của Israel”.
Sử dụng tên lửa cũng cho phép Hamas tập hợp sự ủng hộ bằng cách mô tả mình như một phong trào giải phóng đấu tranh cho quyền của người Palestine và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền với Jerusalem, trung tâm của tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ.
Amos Harel, một phóng viên quân sự lâu năm của tờ Haaretz (Israel), cho biết: “Cảm giác của tôi là cả hai bên đều muốn kết thúc chuyện này và về nhà". “Hamas đã đạt được nhiều hơn những gì họ mơ ước” bằng cách phóng các tên lửa tầm xa vào Jerusalem và Tel Aviv, đồng thời khơi dậy bạo lực ở các thành phố của Israel”, ông Harel nói.
Ron Ben-Yishai, một phóng viên chiến trường kỳ cựu của Israel, cũng cho rằng Israel khó có thể triển lực lượng mặt đất tại Gaza trừ khi Hamas thực hiện một cuộc tấn công "thảm khốc". "Ví dụ, nếu Hamas bắn một quả tên lửa lớn và tên lửa này trúng một trường mẫu giáo ở Israel, thì sẽ có một cuộc tấn công mặt đất".
Hamas cũng đã ghi được một chiến thắng lớn trước các đối thủ trong nước khi Chính quyền Palestine ngày càng mất ảnh hưởng, quyền lực chỉ giới hạn ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Tháng trước, Tổng thống Mahmoud Abbas đã hủy bỏ cuộc bầu cử Palestine đầu tiên sau 15 năm trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy đảng Fatah của ông sẽ phải chịu thất bại trước Hamas. Tầm vóc của nhóm chiến binh này đã phát triển mạnh, trong khi ông Abbas hầu như đứng ngoài cuộc xung đột.
Hamas - "địch thủ ưa thích"?
Về phần mình, Israel có được những lợi thế nhất định từ việc duy trì hiện trạng ở Gaza trước cuộc giao tranh mới nhất.
Tel Aviv thường đổ lỗi thất bại của tiến trình hòa bình cho Hamas, tổ chức bị Israel và các quốc gia phương Tây coi là một nhóm khủng bố.
Nhưng phóng viên Harel cho rằng đối với nhiều người Israel, Hamas là "địch thủ ưa thích" vì họ từ chối giải pháp hai nhà nước. Điều đó cho phép Israel cô lập Gaza khỏi cuộc xung đột lớn hơn, trong khi củng cố quyền kiểm soát của mình đối với Đông Jerusalem và Bờ Tây bị chiếm đóng - với rất ít sự kháng cự nếu có từ Chính quyền Palestine.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chưa bao giờ nói công khai về điều này, “nhưng người ta có thể nghi ngờ rằng ông ấy thực sự khá thoải mái với Hamas”, phóng viên Harel nói.
Israel đã chiếm được Đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza trong cuộc chiến tranh năm 1967. Đây là những vùng lãnh thổ mà người Palestine muốn trở thành nhà nước tương lai của họ. Chính quyền Tel Aviv đã rút binh sĩ và người định cư khỏi Gaza vào năm 2005.
Nhưng người Palestine và phần lớn cộng đồng quốc tế vẫn coi Gaza là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và nên là một phần của một nhà nước Palestine trong tương lai. Hơn một nửa dân số của Gaza là hậu duệ của những người tị nạn từ Israel, quốc gia kiểm soát không phận, lãnh hải, kiểm soát đăng ký dân số và các cửa khẩu giao dịch thương mại của vùng lãnh thổ này.
Một giải pháp lớn hơn cho cuộc xung đột dường như vẫn nằm ngoài tầm với. Không có cuộc đàm phán hòa bình thực chất nào trong hơn một thập kỷ qua.
Dù bằng cách nào, có vẻ như không có sự kết thúc đối với quyền kiểm soát của Hamas ở Gaza cũng như kết thúc lệnh phong tỏa mà Israel nói là cần thiết để kiềm chế tổ chức chiến binh này.
"Tấn công trên mặt đất hay không tấn công, cuối cùng không quan trọng", nhà phân tích Baconi nhận xet, “Chiến lược rộng lớn hơn sẽ vẫn là một chiến lược mà người Israel gọi là 'cắt cỏ'" - có nghĩa là duy trì hiện trạng, và "mỗi khi Gaza trở nên quá mạnh, hãy tấn công họ".