Kể từ khi ngôi nhà đầu tiên được dựng lên vào năm 2011, đến nay EPIC Homes có hơn 5.000 tình nguyện viên, đã và đang xây dựng 163 ngôi nhà ở các khu định cư dành cho người Orang Asli trên khắp đất nước Malaysia. Lựa chọn Orang Asli, John-Son Oei hướng đến cộng đồng bị thiệt thòi nhất ở Malaysia.
Chạm đến trái tim “bộ tứ chiến hữu”
Chạm đến trái tim “bộ tứ chiến hữu”
Tỷ lệ nghèo đói trong Orang Asli lên tới trên 30% so với mức trung bình chỉ 0,4% của Malaysia. Đối mặt với những vấn đề pháp lý về quyền sở hữu đất đai - quá phức tạp đối với họ - người Orang Asli đang phải ở thuê trên chính vùng đất truyền thống của họ. Họ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, điện và nước sạch. Có đến hơn 12.000 người Orang Asli đang không có nhà ở an toàn.
John-Son Oei
Thực trạng đáng buồn ấy đã chạm đến trái tim nhạy cảm của John-Son Oei. “Cha tôi đã qua đời khi còn trẻ, mẹ tôi và anh em tôi đã hết sức chật vật để tồn tại. Tuy nhiên, chúng tôi đã rất may mắn khi luôn có họ hàng và bạn bè hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Một trong những món quà quý giá nhất đã được dành cho gia đình John-Son Oei, là họ được cho ở nhờ trong một ngôi nhà. Đó không chỉ là nơi trú ngụ, nơi gia đình họ được quây quần bên nhau, mà còn là nơi họ có thể đón tiếp bạn bè, một chỗ dựa vững chắc để các anh em nhà John-Son Oei có thể mơ ước xa hơn hoàn cảnh khó khăn lúc đó.
Chừng đó tất nhiên là không đủ với Oei. “Tôi chỉ có thể làm rất tốt một việc nếu tôi nhận thấy nó thực sự có ý nghĩa” - anh chia sẻ. Năm 2010, sau khi chứng kiến một người đàn ông tuyệt vọng đến thế nào khi nhà ông bị “nuốt chửng” trong hố sụt ở một ngôi làng Orang Asli, Oei và 3 người bạn của anh - Jayne Kennedy, Jasmine Ng và Loh Jon Ming - đã nảy ra ý tưởng phát triển hệ thống xây dựng mô-đun để lắp ghép nên những ngôi nhà, với chi phí vừa phải, nhưng đủ bền vững. Hệ thống cần phải đơn giản, để những người bình thường, không cần có chuyên môn sâu về xây dựng, có thể tự dựng ngôi nhà riêng của họ, hoặc chỉ với sự giúp đỡ của một vài tình nguyện viên.
Và thế là bộ tứ chiến hữu của Oei, với sự giúp đỡ của bạn bè và hơn 40 kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thiết kế, đã thiết kế và vận hành thành công hệ thống xây dựng nhà “siêu tốc”. Chỉ trong vòng 3 ngày, một nơi ở an toàn và tương đối thoải mái được lắp dựng xong xuôi. Từ dự án đầu tiên của họ ở Kampung Jawa Kumming, vùng ngoại thành cách Kuala Lumpur khoảng một giờ rưỡi chạy xe, đến nay hàng trăm ngôi nhà “nhanh, bền, rẻ” đã mọc lên ở nhiều khu vực hẻo lánh trên đất nước Malaysia.
Nhập gia tùy tục
Nhập gia tùy tục
Ngoài việc gây quỹ và xây nhà, Oei nhấn mạnh rằng việc xây dựng các mối quan hệ cũng quan trọng không kém. Một thách thức lớn đối với EPIC Homes là xây dựng được niềm tin với cộng đồng bản địa. Phải làm sao để trao đổi thông tin đầy đủ nhất với người dân sẽ sử dụng ngôi nhà, từ đó tìm ra giải pháp đáp ứng các nhu cầu của họ, đồng thời đảm bảo sự tham gia tích cực và phẩm giá của người thụ hưởng. Các thành viên EPIC Homes cũng không quên gặp gỡ già làng trưởng bản và đại diện chính quyền địa phương, để đảm bảo rằng những nỗ lực chung ấy không chỉ là “sáng kiến một lần” mà có hiệu quả lâu dài.
EPIC Homes xây dựng nhà ở xã hội cho Orang Asli.
Năm 2016, những việc làm của Oei và đồng sự đã được quốc tế công nhận. Anh đã trở thành ứng cử viên của Forbes 30 Under 30 (30 gương mặt trẻ tuổi dưới 30 tuổi có thành tích nổi bật được Forbes bình chọn hàng năm). Vào tháng 12-2019, khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân đến Kuala Lumpur dự lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương, EPIC Homes được chọn để tổ chức một hội thảo dưới sự bảo trợ của Quỹ Obama.
Một chi tiết khá thú vị, Oei đã kết hôn với người bạn đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của EPIC Homes, vào năm 2014. Bản thân Jayne Kennedy cũng giành được các giải thưởng vinh dự không kém người bạn đời của mình, như Giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ truyền cảm hứng và Phụ nữ Malaysia tiêu biểu. Khi được hỏi về điều khiến anh tự hào nhất về dự án, Oei cho biết đó là “làn sóng cảm hứng”. “Một người dân địa phương tự hào khoe với tôi cách họ tự huy động tiền của và nhân lực để sửa chữa hệ thống cấp nước trong làng chỉ trong vòng 2 ngày. Họ nói, việc chúng tôi chỉ mất 3 ngày để xây dựng một ngôi nhà đã truyền cảm hứng cho họ” - anh kể.
Quốc gia Đông Nam Á này vừa qua có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất châu Á, và nhiều người Orang Asli bỏ vào rừng… tránh dịch. Bởi Malaysia thực hiện lệnh phong tỏa vào tháng 3 do địch Covid-19, công việc của EPIC Homes đã bị gián đoạn. Nhưng Oei và cộng sự của anh không chịu thúc thủ. Họ nhanh chóng chuyển sang sử dụng các nền tảng công nghệ và vận dụng mọi mối liên hệ của mình, tạo nguồn hỗ trợ tài chính và các tình nguyện viên cho các tổ chức phi chính phủ, nhằm đảm bảo không có người Orang Asli nào bị bỏ lại phía sau.
“Chúng tôi đã có đội ngũ gồm hơn 100 xe tải với những người lái xe sẵn sàng đi vào những khu vực khó tiếp cận nhất. Chúng tôi thậm chí đã được tài trợ máy bay trực thăng, cũng như nhiều quỹ luôn sẵn sàng chung tay để hỗ trợ cho những địa điểm đang khó khăn nhất. Cùng nhau, chúng ta có thể làm được rất nhiều, nhiều hơn có thể tưởng tượng. Cộng đồng Orang Asli không chỉ sống sót sau đại dịch, còn có tiềm năng phát triển và phục hồi để đối phó với những cú sốc tương tự trong tương lai” - John-Son Oei hồ hởi chia sẻ.