Tính đến nay, số lượng các NH đạt được kế hoạch mục tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHCĐ thường niên năm 2013 không nhiều.
Ở nhóm NHTM nhà nước, VietcomBank công bố lợi nhuận hợp nhất năm 2013 là 5.727 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch. BIDV với lợi nhuận trước thuế đạt 5.233 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2012, đạt 110,8% kế hoạch. VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế 7.750 tỷ đồng, vượt 3,3% kế hoạch khi điều chỉnh lợi nhuận từ 8.600 tỷ đồng xuống 7.500 tỷ đồng.
Ở khối NHTMCP, chỉ có một số NH đạt được kế hoạch lợi nhuận đề ra như Sacombank với lợi nhuận trước thuế đạt 2.838 tỷ đồng, VPBank với lợi nhuận trước thuế tăng hơn 30% so với năm 2012, OCB đạt 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro 250 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của tổng giám đốc một NHTMCP, năm 2013 chủ yếu đặt mục tiêu tái cơ cấu và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ đối với nợ xấu. Trong khi đó, nhìn nhận khó khăn trong quá trình hoạt động, nhiều NH đã chủ động điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2013 nhưng đến hết năm vẫn không hoàn thành mục tiêu đã điều chỉnh.
Các nhà đầu tư mong muốn ngoài việc đánh giá những khó khăn khách quan chung của nền kinh tế gây ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng như tín dụng nghẽn, lãi suất giảm, cạnh tranh mạnh mẽ... NH cần phải tính toán đến những nguyên nhân chủ quan để đề ra kế hoạch hợp lý hơn, tạo niềm tin cho cổ đông về sự phát triển ổn định, bền vững của NH. |
Chính vì vậy, còn vài NH đến thời điểm này vẫn chưa công bố kết quả lợi nhuận. Theo NHNN chi nhánh TPHCM, kết quả kinh doanh của các NHTM trên địa bàn năm 2012 chỉ bằng 4% so với năm 2011, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cùng với việc các NHTM phải thực hiện tái cơ cấu hoạt động hướng tới mục tiêu ổn định và phát triển bền vững, chứ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận.
Năm 2013, chưa có NH nào trên địa bàn bị lỗ, nhưng lợi nhuận bình quân của các NHTMCP chỉ từ 40-60% kế hoạch đề ra, chỉ một số ít NH đạt 100% kế hoạch.
Mặc dù phải chật vật mới có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2013, nhưng bước sang năm 2014 các NH vẫn đề ra mục tiêu lợi nhuận khá cao, nhất là các NHTM quốc doanh. Theo báo cáo điều tra của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (NHNN) về xu hướng kinh doanh năm 2014 thực hiện cuối năm 2013, hầu hết các tổ chức tín dụng cho biết tin tưởng vào sự bình ổn của hệ thống NH, sự củng cố và cải thiện mức độ tín nhiệm của các đối tác trên thị trường liên NH trong quý I-2014 cũng như trong cả năm 2014.
Từ đó các NH kỳ vọng huy động vốn từ nền kinh tế và dư nợ tín dụng trong năm 2014 sẽ tăng so với năm 2013 từ 10-20%. Đây là cơ sở để nhiều NH lạc quan với mục tiêu lợi nhuận năm 2014. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong năm nay lợi nhuận của các NHTM sẽ vẫn ở mức thấp.
Thứ nhất, lãi suất huy động giảm, sắp tới lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, từ đó thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động.
Thứ hai, tỷ lệ cho vay vốn trên tổng vốn huy động cũng không tốt như trước. Thứ ba, việc trích lập dự phòng rủi ro có thể tăng cao bởi nhiều khoản nợ xấu vẫn chưa được trích lập dự phòng đầy đủ. Đồng thời, hoạt động huy động vốn có thể bị ảnh hưởng do người gửi tiền đang có dấu hiệu phân vân giữa các hình thức đầu tư như gửi tiết kiệm, USD, bất động sản, vàng và chứng khoán.
Thực tế trước đây đa số NH đều đặt mục tiêu lợi nhuận theo hướng “mão” chỉ tiêu để trình ĐHCĐ. Nếu tình hình không thuận lợi, các NH lại điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để kết thúc năm vẫn đạt chỉ tiêu lợi nhuận, tránh sự chất vấn của cổ đông. Điều này khiến nhiều cổ đông cảm thấy không hài lòng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang bày tỏ quan ngại về việc quản trị và tầm nhìn của hội đồng quản trị đối với thị trường.
Bởi vấn đề nhà đầu tư cần là NH hoạt động sao cho thật hiệu quả, chứ không nên đi theo xu hướng “trọng chỉ tiêu”, dù biết trước kế hoạch đề ra cao nhưng đưa ra để cố ép đạt được, đến khi biết chắc không đạt được lại điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch để đạt thành tích vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra.