Kết nối Việt Nam - Hollywood

Kết nối Việt Nam - Hollywood ảnh 1

10 năm trước, hệ thống rạp chiếu phim tại TPHCM tồn tại vất vưởng, số đầu phim đưa ra thị trường ít ỏi, khán giả ngày càng thưa vắng. Nhưng giờ đây, xem phim tại rạp chiếu hiện đại đã trở thành một sinh hoạt văn hóa hấp dẫn và sôi động. Ông BRIAN HALL (ảnh), Chủ tịch HĐQT Megastar, là nhân tố quan trọng tạo nên sự thành công này.

Khai phá thị trường

Brian Hall sinh ra và lớn lên tại Canada. 26 năm trước, lần đầu tiên đặt chân đến châu Á, cậu sinh viên ngành truyền thông này đã bị cuốn hút bởi sức sống trẻ trung đầy ấn tượng, và cảm nhận đây sẽ là một nơi tuyệt vời cho tương lai.

Tình cảm đặc biệt với châu Á là nguyên nhân quan trọng để ông sẵn sàng đảm nhận vị trí CEO tại Major Cineplex - công ty kinh doanh điện ảnh lớn nhất Thái Lan - trong gần 5 năm, trước khi đến với Megastar. Thông tin Công ty TNHH Thiên Ngân là đơn vị tư nhân đầu tiên khai trương cụm rạp hiện đại vào năm 2005 tại TPHCM khiến Brian Hall bắt đầu chú ý đến thị trường chiếu phim Việt Nam.

 Khán giả xếp hàng mua vé xem phim hoạt hình 3D Kungfu Panda 2 - bộ phim "cháy" vé trong ngày 1-6.
Khán giả xếp hàng mua vé xem phim hoạt hình 3D Kungfu Panda 2 -
bộ phim "cháy" vé trong ngày 1-6.
 

Khi khảo sát thị trường tại Hà Nội và TPHCM vào năm 2006, một vài người trong ngành phát hành phim đã khuyến nghị: Việc kinh doanh rạp chiếu hiện đại tại Việt Nam là điều cực kỳ khó khăn, vì giá thuê mặt bằng đắt đỏ, thủ tục hành chính phức tạp, người dân cũng chưa sẵn sàng bỏ nhiều tiền mua vé xem phim.

Kết nối Việt Nam - Hollywood ảnh 3Khi tôi quyết định đến Việt Nam làm việc, một số bạn bè đã rất ái ngại, tuy chúc may mắn nhưng lại tỏ ý không yên tâm. Tôi lại không chút ngại ngần, vì có niềm tin vào sự phát triển của đất nước này. Kinh nghiệm cho thấy dù chuẩn bị kỹ đến đâu, cũng không tránh khỏi những bất trắc trong công việc cũng như cuộc sống. Nhưng ngược lại, cũng có những thuận lợi đến với mình một cách không ngờ. Ngoài việc phải đối phó, giải quyết, cũng cần phải biết đón nhận và tận hưởng, đó chính là kỹ năng cân bằng. Kết nối Việt Nam - Hollywood ảnh 4

Ông BRIAN HALL

Thế nhưng khi đảo quanh đường phố TPHCM bằng xe máy, hòa mình vào dòng người tấp nập mỗi khi tan tầm, Brian Hall nhận ra Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, nhưng lớp trẻ lại thiếu những kênh giải trí thực thụ. Sau giờ học, làm việc, họ có rất ít sự lựa chọn để thư giãn, ngoài quán cà phê, quán nhậu và vài môn thể thao thuần túy. Từ đấy ý định kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam bắt đầu định hình.

Năm 2005, CTCP Văn hóa Phương Nam (Phuong Nam Corp) liên doanh với Envoy Media Corp (Envoy Media) thành lập Công ty TNHH Truyền thông Megastar (Megastar). Trong giai đoạn 2006-2007, sau khi khai trương một số cụm rạp đầu tiên tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng..., Megastar đã tạo được những tiếng vang nhất định, nhưng lại chưa có những bước đột phá.

Phuong Nam Corp không có kinh nghiệm trong kinh doanh rạp chiếu hiện đại, Envoy Media có kinh nghiệm và tiếng tăm tại khu vực Bắc Mỹ nhưng lại chưa kinh doanh tại châu Á. Megastar đã đề nghị Brian Hall đẩy nhanh quá trình chinh phục thị trường chiếu phim Việt Nam. Ông chính thức làm việc tại đây vào tháng 4-2008, là lần thứ 6 ông di chuyển đến một đất nước mới để sinh sống và làm việc. 

Kết nối Việt Nam - Hollywood ảnh 5Megastar đã tạo ra “đẳng cấp” cho khán giả Việt Nam, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng thu hút khán giả đến rạp. Khán giả sẽ cảm thấy việc bỏ tiền đi xem phim, dù có hơi đắt nhưng xứng đáng, vì được “đối xử ngang hàng” với khán giả các nước phát triển khác.
Kết nối Việt Nam - Hollywood ảnh 6

Nhà biên kịch MỸ TRANG

Phim hay, rạp có chất lượng cao và dịch vụ tốt nhất đều đã có, làm thế nào để lôi cuốn khán giả? Đây chính là thách thức đầu tiên mà vị Chủ tịch HĐQT Megastar phải giải quyết. Nhìn nhận đây là giai đoạn đầy khó khăn, nhưng Brian Hall vẫn xác quyết: “Giới trẻ khắp thế giới, từ quê hương Canada của tôi, cho đến Hồng Công, Nhật Bản, Australia đều đam mê điện ảnh, sao Việt Nam lại khác được!”.

Một loạt chiến dịch PR, marketing trên các kênh thông tin truyền thống lẫn hiệu ứng truyền miệng được tung ra nhằm làm cho mọi người phải nhắc, phải bàn tán đến Megastar. Trong những cuộc tiếp xúc với giới truyền thông và khán giả, từ “experience” (trải nghiệm) được ông sử dụng khá nhiều.

Vị doanh nhân với 25 năm kinh nghiệm trong ngành chiếu phim đúc kết: “Sản phẩm của chúng tôi không phải là điện ảnh mà là sự trải nghiệm. Sự phát triển của truyền hình cáp và internet cũng có thể đáp ứng nhu cầu xem phim của người dân Việt Nam, thế nên rạp chiếu phải làm được nhiều hơn nữa, là đưa khán giả đến với những trải nghiệm đúng nghĩa”.

Dấu ấn “Avatar”

Avatar - bộ phim "bom tấn" đưa về Việt Nam trình chiếu cùng ngày với thị trường Bắc Mỹ.

Avatar - bộ phim "bom tấn"  đưa về Việt Nam
trình chiếu cùng ngày với thị trường Bắc Mỹ.

Bước đột phá lớn nhất của Megastar chính là đưa những bộ phim “bom tấn” về Việt Nam và trình chiếu cùng ngày với thị trường Bắc Mỹ - một trong những thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân khiến các hãng phim tỏ ra thận trọng khi đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam là do quy mô thị trường quá nhỏ.

Năm 2010, doanh thu từ các rạp chiếu phim Việt Nam đã đạt khoảng 25 triệu USD - con số rất đáng phấn khởi đối với thị trường chiếu phim nước ta nhưng là rất nhỏ so với thế giới.

Ông Brian Hall cho biết khó khăn nhất chính là việc tiếp cận, thuyết phục các hãng phim ở Hollywood. Họ thường được xem như những “ông chủ đầy quyền lực” tại kinh đô điện ảnh thế giới.

Để gặp được họ đã là điều gian nan, đến khi gặp được cũng chỉ có thời gian ngắn để giới thiệu về đất nước cũng như thị trường điện ảnh Việt Nam. Phải làm sao chứng minh được Việt Nam có tiềm năng nhất để họ sẵn sàng mạo hiểm.

Cuộc thương lượng với hãng phim 20th Century Fox (Fox Studios) của Hoa Kỳ vào cuối năm 2009 để nhập về bộ phim 3D “Avatar” và trình chiếu cùng ngày với thị trường Bắc Mỹ là một việc cam go và áp lực nhất đối với ông.

Fox Studios chỉ dành cho ông một cuộc gặp trước ngày “Avatar” được công chiếu 2 tuần và chỉ vỏn vẹn trong 5 phút. Mở đầu cuộc trao đổi, họ đã đưa ra nhiều lý do rất chính đáng như thị trường Việt Nam quá nhỏ, giá vé rất cao, những yêu cầu cao về công nghệ, bảo mật bản quyền phim…, để nói rằng hãy chờ chiếu sau Bắc Mỹ vài tuần.

Ông đã thuyết phục bằng lập luận: “Các anh không hiểu rõ thị trường Việt Nam như tôi. Các anh sẽ thắng đậm với siêu phẩm này tại các thị trường lớn, nhưng hiệu ứng có thể tăng lên gấp bội tại những nơi chưa từng được trải nghiệm phim công nghệ 3D. "Avatar" không chỉ là một bộ phim đơn thuần mà sẽ là màn quảng cáo tuyệt vời cho công nghệ 3D, và chúng tôi sẽ hỗ trợ các anh”.

Kết quả là “Avatar” đã được công chiếu tại Việt Nam trước cả Bắc Mỹ nửa ngày và tạo ra cơn sốt vé chưa từng có tại các cụm rạp Megastar.

Trong tháng đầu tiên, các phòng chiếu 3D luôn kín chỗ ngồi và người xem phải đặt vé trước 2-3 tuần nếu muốn có chỗ ngồi đẹp. Chỉ sau hơn 5 tuần trình chiếu, siêu phẩm với định dạng 3D này đã trở thành bộ phim đầu tiên đạt doanh thu 1 triệu USD tại Việt Nam.

Từ thành công của “Avatar”, Fox Studios tiếp tục kết hợp với Megastar triển khai dự án lồng tiếng Việt theo chuẩn Hollywood cho bộ phim hoạt hình 3D “RIO” với chi phí hơn 1 tỷ đồng. Từ việc “xem cùng”, khán giả Việt Nam giờ đây còn được “xem trước” thị trường Bắc Mỹ một số bộ phim như “Thor”, “Rango”…

 Nắm bắt thị trường quốc tế

Thor (Thần Sấm) - bộ phim được trình chiếu tại Việt Nam trước Bắc Mỹ một tuần.

Thor (Thần Sấm) - bộ phim được trình chiếu tại 
Việt Nam trước Bắc Mỹ một tuần.

Được hỏi về việc người thu nhập thấp dường như không có cơ hội được trải nghiệm tại Megastar vì giá vé khá cao, ông Brian Hall thẳng thắn: “Thật khó lòng để phục vụ tất cả mọi phân khúc khách hàng. Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định khách hàng mục tiêu của mình là người có thu nhập cao. Nhưng Megastar vẫn thường xuyên có những chương trình khuyến mại với mức giá phù hợp với những người thu nhập thấp. Thường xuyên nhất là “Thứ tư vui vẻ” với giá vé 40.000-60.000 đồng cho phim 2D và 100.000 đồng cho phim 3D. Các suất chiếu vào đầu ngày cũng có giá vé rất mềm. Hàng năm chúng tôi đều có chương trình chiếu phim miễn phí tại các vùng nông thôn để phục vụ những người không có điều kiện đến rạp”.

Ông chia sẻ thêm, nguyên nhân khiến giá vé của Megastar nằm ở mức cao bắt nguồn từ giá thuê mặt bằng và đây cũng là một trong những thách thức đối với công ty khi muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.

Các chủ sở hữu bất động sản vẫn chưa hiểu rằng khi có một cụm rạp đặt tại trung tâm thương mại của mình thì số lượng người đến sẽ rất đông. Những người này trong lúc chờ đợi xem phim có thể đi lòng vòng, mua sắm và trở thành nguồn thu của nhiều gian hàng, dịch vụ khác.

Sự thành công của Megastar trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu, vẫn còn một chặng đường rất dài để duy trì và phát triển. Do vậy, duy trì sự nối kết giữa thị trường chiếu phim Việt Nam với các hãng phim thế giới là điều rất quan trọng. Megastar phải liên tục sáng tạo để thu hút khán giả và minh chứng cho sự sôi động thực sự của thị trường chiếu phim Việt Nam.

Kết nối Việt Nam - Hollywood ảnh 9Ông Brian Hall và các cộng sự đã làm được điều trước đó chưa đơn vị phát hành phim nào làm được. Không có Megastar, thị trường Việt Nam sẽ không có tên trên bản đồ chiếu phim thế giới như hiện nay. Kết nối Việt Nam - Hollywood ảnh 10

Đạo diễn, nhà phê bình điện ảnh BÁ VŨ

Chẳng hạn với dự án lồng tiếng Việt cho phim “RIO”, ngoài việc đem lại nhiều sự lựa chọn hơn cho khán giả, Brian Hall muốn minh chứng về một sự kết nối giữa thị trường Việt Nam và Hollywood. Khán giả sẽ cảm thấy gần gũi vì một bộ phim Hollywood đã được “nội địa” hóa để phục vụ cho mình, các hãng phim cũng nhìn thấy cơ hội thâm nhập và phát triển tại thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia quảng cáo đánh giá, nhiều sự kiện ra mắt phim do Megastar tổ chức có chất lượng không thua kém một số thị trường chiếu phim phát triển trên thế giới.

Brian Hall bộc bạch: “Từ ý tưởng, lên kế hoạch, đến khi triển khai, thực hiện đều do những cộng sự người Việt thực hiện. 99% nhân viên của chúng tôi là người Việt. Họ đã học hỏi và tiến bộ rất nhanh chóng. Hơn 3 năm trước, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn nhân viên của mình, nhưng giờ đây tôi chỉ cần quan sát và thỉnh thoảng đưa ra một vài lời khuyên nhỏ.

Chỉ trong một thời gian ngắn tới đây họ sẽ có thể tự mình tiếp cận và nắm bắt thị trường điện ảnh quốc tế. Những người nước ngoài như tôi chỉ góp phần thu hẹp thời gian để đi đến thành công, còn tiếp tục duy trì và phát triển ở đây người Việt Nam phải nối tiếp”.

Các tin khác