Khách nội chi tiêu ít, thích outbound
Trong khi lượng khách nội địa tính trong 6 ngày Tết Quý Mão tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh thu và lượng khách lưu trú lại giảm mạnh. Cụ thể, trong 9 triệu lượt khách chỉ có 2 triệu lượt khách lưu trú, giảm 37,5% so với cùng kỳ, công suất phòng trung bình 40-45%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17.500 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Lý giải việc doanh thu giảm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết trong dịp đầu năm mới nhu cầu du lịch kết hợp tâm linh tăng cao, nhưng chủ yếu đi lại trong ngày, nên số ngày lưu trú giảm kéo theo doanh thu du lịch giảm.
Nguyên nhân quan trọng nữa cũng được ông Khánh nhắc tới, là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động kinh tế xã hội trong nước, sức mua giảm do khách hạn chế chi tiêu khi sử dụng các dịch vụ trung và cao cấp. Trong khi đó, một lượng không nhỏ khách nội địa có khả năng chi tiêu nhiều lại chọn các tour outbound đi các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…
Như vậy, đang xuất hiện 2 thách thức mảng du lịch nội địa năm nay cần quan tâm. Thứ nhất, du khách đang chi tiêu ít do các biến động kinh tế. Thứ hai, khách chịu chi lại đang có xu hướng lựa chọn tour outbound, đã tạo ra khoảng trống không nhỏ cho du lịch nội địa. Lâu nay, du lịch luôn là ngành thể hiện rõ sức khỏe của nền kinh tế. Khi kinh tế phát triển, người dân thu nhập tốt sẽ đi nhiều, chi tiêu nhiều và ngược lại. Năm nay ngay từ đầu năm chi tiêu của khách du lịch đã hạn chế hơn, phần nào vì khó khăn của nền kinh tế bắt đầu tác động đến du khách.
Một số doanh nghiệp du lịch cho biết đang phải lên những chiến lược linh hoạt cho các kỳ nghỉ sắp tới, bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp - nhóm khách chủ lực của mùa du lịch hè sắp tới - có thể sẽ e dè hơn với các khoản chi không thiết yếu cho nhân viên như đi du lịch. Trong khi đó, một lượng không nhỏ khách chịu chi lại đang có nhiều lựa chọn cho các tour outbound sau khoảng thời gian dài chỉ có thể du lịch trong nước vì chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại nhiều quốc gia.
Chỉ tính riêng TPHCM, thị trường nguồn cho nhiều điểm du lịch trên cả nước, lượng khách chọn các tour outbound đang vượt xa khách chọn tour đi trong nước trong dịp Tết vừa qua.
Theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, ước tính có khoảng 18.000 lượt khách Việt đi tour nước ngoài qua các công ty du lịch, lữ hành ở TPHCM trong dịp Tết năm nay, đem về doanh thu cho các đơn vị khoảng 432 tỷ đồng. Đây là con số khủng so với 23.000 lượt khách đi du lịch các tỉnh thành, doanh thu khoảng 148 tỷ đồng. Du lịch outbound hẳn sẽ cạnh tranh mạnh với du lịch nội địa trong năm 2023. Và mục tiêu 102 triệu lượt khách nội địa cũng là thách thức của năm nay.
Khách quốc tế tăng còn khiêm tốn
Cùng với việc tăng trưởng mạnh lượng khách nội địa, dịp Tết Nguyên đán cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của khách du lịch quốc tế so với Tết Dương lịch 2023. Nhiều địa phương tấp nập đón khách trong những ngày Tết vừa qua, như Khánh Hòa đón 15 chuyến bay mỗi ngày của Vietjet Air đưa khách du lịch từ Trung Quốc tới, mỗi chuyến 180-220 khách du lịch; 1.400 khách từ Kazakhstan, Hàn Quốc; ước tổng lượt khách quốc tế lưu trú trong 6 ngày Tết đạt 11.300 lượt.
Ninh Bình ước đón 29.500 lượt khách quốc tế ghé thăm các điểm tham quan nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Tuy Hòa (Phú Yên) ước tính các khu nghỉ dưỡng có số khách nước ngoài chiếm khoảng 40% tổng số khách lưu trú. Hà Nội ước đón 32.000 lượt khách quốc tế chỉ trong 6 ngày nghỉ lễ, lượng khách lưu trú tăng mạnh, chủ yếu là khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Canada, Pháp...
Lượng khách đến đông trong những ngày Tết đã mang về những thông tin tích cực bước đầu trong thu hút khách quốc tế tháng 1 năm nay. Khách quốc tế đạt gần 872.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12-2022. Các thị trường lớn gồm Hàn Quốc (gần 259.000 lượt), Mỹ (gần 78.000), Thái Lan (gần 55.000), Australia (khoảng 44.000), Nhật Bản (khoảng 34.000). Đây là lượng khách quốc tế cao nhất kể từ khi có Covid-19, tính từ tháng 3-2020. Tuy nhiên, đối tượng khách này so với thời điểm trước dịch vẫn thấp.
Đáng chú ý, tuy khách Trung Quốc, nguồn khách đang được kỳ vọng sẽ mang lại sự bùng nổ trở lại cho mảng du lịch quốc tế của Việt Nam trong năm nay, đã bắt đầu du lịch qua Việt Nam nhưng con số vẫn còn khá khiêm tốn khi chỉ đạt 47.000 lượt trong tháng 1. Kỳ vọng từ tháng 3 đến hết tháng 10 lượng khách từ thị trường này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, khách Trung Quốc sau dịch cũng sẽ có những thay đổi và chúng ta không thể ngồi yên chờ khách tới.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company (công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch, khách sạn), cho rằng đã đến lúc chúng ta không thể đón khách Trung Quốc bị động như trước đây, mà phải chủ động tìm hiểu thông tin, đề ra mục tiêu và chiến lược đón khách từ thị trường lớn này, nhất là với nhóm khách phân khúc cao cấp. “Làm thị trường phải có mục tiêu” - ông Phước nhấn mạnh.
Thực tế cho đến thời điểm này, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác như Thái Lan hay Singapore lượng khách Trung Quốc trở lại vẫn còn khá khiêm tốn vì nhiều nguyên nhân. Như vậy, chúng ta lại một lần nữa có cơ hội để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực trong việc đón nguồn khách khổng lồ này trong năm 2023. Quan trọng là chúng ta có nắm được cơ hội đó hay không.
Nhìn lại kết quả đón khách quốc tế trong năm 2022, có thể thấy 2023 sẽ là năm có nhiều việc cần làm của ngành du lịch cũng như sự trợ lực của các ngành khác để có chương trình visa linh hoạt hơn, những sản phẩm chất lượng, chiến lược thu hút du khách tốt hơn, giúp lấp khoảng trống mảng quốc tế và dần hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách trong năm nay.
Khách nội nhiều nhưng chi tiêu ít, trong khi khách quốc tế tăng còn khiêm tốn, đang là thách thức lớn cho ngành du lịch trong năm 2023.