Theo Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng Ngô Quang Vinh, sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, thị trường khách Trung Quốc tại Đà Nẵng biến động nên ngành du lịch chuyển hướng tìm khách nước khác.
Năm 2015, khách Trung Quốc đến Đà Nẵng nhiều nhất, nhưng năm 2016 khách Hàn Quốc từ vị trí số 2 đã vượt qua Trung Quốc, khách Nhật Bản xếp thứ 3. Mặc dầu vậy, dự đoán năm 2017 thị trường khách Trung Quốc cũng sẽ đạt mức 600.000 người (năm 2016 có 400.000 người).
Liên tiếp phát hiện sai phạm
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, đánh giá Đà Nẵng đang trở thành điểm đến có sức hút trong khu vực. “Nhưng lượng khách Hàn Quốc và Trung Quốc đổ vào Việt Nam và Đà Nẵng, thị trường phát triển nóng kèm theo những mặt trái vốn đã có trước đây cũng sẽ tăng theo”, ông Dũng nói.
Phó chánh Thanh tra Sở Du lịch, bà Đoàn Thị Kim Thanh cũng đưa ra dẫn chứng sai phạm phổ biến là các doanh nghiệp lữ hành cho mượn tư cách pháp nhân, hướng dẫn viên (HDV) không thẻ, hoạt động lữ hành quốc tế trái phép. Quý 1/2017, Sở Du lịch đã phạt 38 trường hợp (304 triệu đồng), trong đó lữ hành chiếm 1/3 số vụ và 1/2 số tiền phạt, cao gấp 3 lần cùng kỳ 2016 với lỗi chủ yếu là dùng người nước ngoài làm HDV.
Ông Trần Trà, Chủ tịch CLB Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, còn phản ánh tình trạng ở sân bay Đà Nẵng hiện có rất nhiều người nước ngoài làm HDV trái phép đón khách, cùng với nạn HDV lấy danh sách, hợp đồng cũ đi làm đoàn khách mới, dùng thẻ giả, mua thẻ… Thừa nhận việc làm thẻ giả rất dễ (dùng thông tin thật, chỉ cần thay ảnh), cơ quan chức năng phải tra trên mạng mới phát hiện..., Phó giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường kêu gọi cần có sự tố giác, phối hợp, không tiếp tay cho hành vi vi phạm của các hãng lữ hành, khu điểm vì lực lượng chức năng rất mỏng.
Đại tá Trần Văn Chung, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an TP.Đà Nẵng, cảnh báo tình trạng khách thanh toán thẻ visa giả nổi lên trong quý 1/2017; có vụ trả tiền phòng 10.000 USD, “boa” cho HDV 4.000 USD, khách đi rồi khách sạn mới phát hiện. Trong năm 2016, HDV Trung Quốc, Hàn Quốc còn hoạt động trái phép, thuyết minh nói xấu Việt Nam, sai lệch lịch sử, chủ quyền.
“Năm 2016, Công an thành phố phát hiện 2 khách Trung Quốc dùng thẻ giả thanh toán. Doanh nghiệp lữ hành quản khách không chặt, nên họ dùng flycam tại khu vực nhạy cảm an ninh quốc phòng như Sơn Trà, Vùng 3 Hải quân, các đoàn tour để khách giăng băng rôn toàn tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc chụp ảnh gây hiểu lầm”, đại tá Chung nói.
Đối phó “tour 0 đồng”
Ông Cao Trí Dũng nêu quan điểm khuyến khích các nguồn khách Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng phải quan tâm đến nguồn khách lâu dài, bền vững hơn ở Đông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Độ vì những nước này đang đầu tư vào Đà Nẵng.
“Quảng Ninh cấm cửa hàng bán cho khách Trung Quốc là trái luật, phản cảm. Không thể cấm họ kinh doanh. Nếu chúng ta kiểm soát thì không có việc khách bị chặt chém. Quản lý Nhà nước cần tạo cạnh tranh lành mạnh, tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp địa phương trước việc doanh nghiệp nơi khác và nước ngoài liên danh liên kết”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty du lịch kỳ nghỉ Đà Nẵng, đơn vị chuyên đưa khách Trung Quốc đi “tour 0 đồng” vào Việt Nam, cho hay “tour 0 đồng” không miễn phí mà thu rất ít, hiện dẫn khách Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái rất khó khăn. Trước đây, có thể thu 500 - 700 nhân dân tệ/khách, nay chỉ còn 200 - 300 nhân dân tệ/khách.
Ông Hùng cũng thừa nhận người Trung Quốc núp bóng hoạt động du lịch chui, thao túng, đưa khách Trung Quốc vào Việt Nam gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cơ quan chức năng chưa quản lý được, một phần do doanh nghiệp Việt Nam chưa đoàn kết; ngay cả CLB Hướng dẫn viên tiếng Trung ở Đà Nẵng cũng chia rẽ nhiều nhóm.
Mặc dầu vậy, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn đang tìm cách đối phó các biến tướng của “tour 0 đồng”. Theo ông Cao Trí Dũng, Hội Lữ hành Đà Nẵng sẽ thành lập CLB các doanh nghiệp đón khách Trung Quốc và nhiều CLB thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ để can thiệp thị trường từ cộng đồng doanh nghiệp. “Cần ràng buộc giá bán để giá có thể thấp ở mức chấp nhận được, chứ không thể 0 đồng”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh cũng nhìn nhận “tour 0 đồng” đang khiến Đài Loan và Thái Lan “đau đầu”. “Không cấm được vì cơ chế thị trường, chúng ta phải biết chấp nhận, phát huy mặt tốt, kiềm chế tiêu cực. Các doanh nghiệp cần đoàn kết cùng hiệp hội. Bởi thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc hiện đang béo bở nên nhiều đối tượng đến trục lợi, phá hỏng môi trường kinh doanh mà chúng ta đang bảo vệ”, ông Vinh nêu ý kiến.