Khai thác giá trị trà Việt

Tôn vinh văn hóa trà Việt để gia tăng giá trị sản phẩm chè Việt Nam  trên thị trường thế giới. Đó là ý tưởng gắn kết văn hóa với kinh tế đã được khởi động từ Festival trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên-Việt Nam 2011. Nhân dịp đầu Xuân, TS. Phạm Xuân Đương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc trò chuyện với ĐTTC về chủ đề này.

Tôn vinh văn hóa trà Việt để gia tăng giá trị sản phẩm chè Việt Nam  trên thị trường thế giới. Đó là ý tưởng gắn kết văn hóa với kinh tế đã được khởi động từ Festival trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên-Việt Nam 2011. Nhân dịp đầu Xuân, TS. Phạm Xuân Đương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc trò chuyện với ĐTTC về chủ đề này. 

Danh tiếng trà Thái

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, từ lâu người dân cả nước đã biết tới danh tiếng trà Thái Nguyên. Vậy người dân của tỉnh đã ứng xử thế nào với danh thơm ấy?

Khai thác giá trị trà Việt ảnh 1Căn cứ vào nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, khẩn trương cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm trà; chú trọng phát triển các loại trà đặc sản truyền thống, các làng nghề gắn với du lịch, tôn vinh các nghệ nhân, các danh trà. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu chè Việt. Phấn đấu trong vòng 5 năm tới giá chè xuất khẩu của Việt Nam ngang bằng giá bình quân thế giới, nâng kim ngạch xuất khẩu gấp 2-3 lần so với hiện nay.
Khai thác giá trị trà Việt ảnh 2

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

- TS. PHẠM XUÂN ĐƯƠNG: - Cây chè được trồng đại trà tại vùng đất Thái Nguyên hàng trăm năm nay và từ lâu đã giữ một vị trí quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Thái Nguyên.

Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, ngành chè Thái Nguyên phát triển rất sớm và bền vững. Khởi nguồn từ vùng chè Tân Cương nổi tiếng được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà". Còn hiện nay Thái Nguyên được biết đến với rất nhiều vùng chè đặc sản như Trại Cài, Phúc Thuận, La Bằng, Tức Tranh, Sông Cầu...

Có thể nói, thiên nhiên đã ban tặng một sản vật quý cho tỉnh, nhưng để nuôi dưỡng danh tiếng trà Thái Nguyên là công sức của bà con nông dân, các doanh nghiệp ngành chè và đặc biệt là các thế hệ nghệ nhân nghề chè. Thái Nguyên hiện có hơn 50 làng nghề chè truyền thống đã được công nhận.

Điều này cho thấy văn hóa cộng đồng làng xã đã trở thành một yếu tố quyết định trong việc phát triển cây chè trở thành cây trồng chủ lực làm giàu cho nông dân Thái Nguyên. Từ hàng chục năm nay, yêu cầu sản xuất chè an toàn đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong hương ước của các làng nghề.

Bằng cách này, danh tiếng trà Thái Nguyên được gìn giữ từ trong ý thức người dân. Và đó chính là cách ứng xử của người Thái Nguyên với sản vật quý giá của mình.

Một điểm khác biệt lớn của chè Thái Nguyên so với các vùng chè khác là cây chè chủ yếu được canh tác theo quy mô nông hộ nên từ lâu cây chè đã có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Vào dịp đầu xuân, khi người dân vùng đồng bằng tổ chức Lễ Tịch điền, người vùng cao tổ chức hội Lồng Tồng xuống đồng, thì tại nhiều vùng chè Thái Nguyên người dân lại tổ chức Lễ hội Trà xuân.

Dù được tổ chức với quy mô làng xã nhưng Lễ hội Trà xuân từ lâu đã trở thành lễ hội dân gian nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa trà trong cộng đồng.

- Phải chăng đây là một duyên cớ để Thái Nguyên đăng cai tổ chức Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất?

- Văn hóa trà đã trở thành nét độc đáo, mang bản sắc văn hóa của các quốc gia, dân tộc. Nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh chè, cây chè đã được phát triển ở 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, với diện tích trên 130.000ha, sản lượng chè cả nước đạt trên 820.000 tấn búp tươi.

Nhiều vùng sản xuất chè tập trung với các sản phẩm trà nổi tiếng đã được hình thành ở Thái Nguyên, Lâm Đồng, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La... Sản phẩm trà Việt Nam không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn được xuất khẩu tới 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với 20 năm trước đây, diện tích trồng chè tăng gấp gần 2,5 lần, năng suất gấp 2,2 lần, sản lượng gấp 6 lần và kim ngạch xuất khẩu gấp 8 lần. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng sản xuất và xuất khẩu trà.

Đêm đại tiệc trà phong cách thuần Việt hấp dẫn du khách quốc tế. 

Đêm đại tiệc trà phong cách thuần Việt hấp dẫn du khách quốc tế.  

Tuy đạt tốc độ phát triển khá nhanh, nhưng chè Việt Nam lại chưa có vị thế tương xứng trong ngành chè thế giới. Thực tế, giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 50% trung bình giá thế giới. Đó là một thiệt thòi lớn và trực tiếp đối với người trồng chè.

Đặc biệt đối với người nông dân vùng trung du, miền núi phía Bắc, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và cũng là vùng chè lớn nhất cả nước. Hơn nữa, cây chè có vai trò rất quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Ý tưởng tổ chức Festival Trà Quốc tế đã được bắt đầu từ những trăn trở này.

Có thể nói, thành công của Festival Trà Quốc tế Thái Nguyên-Việt Nam năm 2011 là thành công của chủ trương xã hội hóa, với sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự chung tay góp sức, thực hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong cả nước.

Ý tưởng Thành phố Festival cho cây chè

- Được biết, ngay sau thành công của Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất, Thái Nguyên đã đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh đăng ký bản quyền tổ chức Festival Trà Quốc tế 2 năm một lần. Nếu Chính phủ đồng ý điều này sẽ có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của chè Thái Nguyên nói riêng và ngành chè Việt Nam nói chung?

- Lần đầu tiên tổ chức, Festival Trà Quốc tế tỉnh Thái Nguyên đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương. Lễ khai mạc vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu ý kiến; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo Đại sứ quán, Lãnh sự quán của 34 quốc gia, vùng lãnh thổ;  các đoàn trà, đoàn nghệ thuật của 8 quốc gia; các doanh nghiệp, doanh nhân trong cả nước cùng hàng vạn nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đến dự và tham gia các hoạt động của liên hoan cho thấy sự quan tâm đặc biệt của bạn bè quốc tế đối với sản phẩm trà và văn hóa trà Việt Nam.

Đặc biệt, bạn bè quốc tế bày tỏ sự quan tâm và thích thú về văn hóa trà Việt và cách thưởng trà của người Việt Nam thông qua các quán trà thuần Việt của các làng nghề chè nổi tiếng tham gia liên hoan. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành chè Việt Nam còn rất lớn, nếu chúng ta có chiến lược phát triển phù hợp, gắn với việc quảng bá giá trị văn hóa trà Việt.

Từ kinh nghiệm lần đầu tổ chức, chúng tôi cho rằng, việc tổ chức liên hoan trà quốc tế là một hoạt động vừa có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, vừa đạt được hiệu quả kinh tế bền vững.

Đây cũng là định hướng phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Bằng con đường xã hội hóa, Thái Nguyên đã xây dựng được một cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh cho các kỳ Liên hoan Trà Quốc tế. Cũng từ hoạt động festival, người dân Thái Nguyên càng nâng cao ý thức phát triển ngành chè và gìn giữ giá trị văn hóa trà như một tài sản quý.

Chúng tôi tự tin hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Thái Nguyên trở thành một Thành phố Festival dành riêng cho cây chè, làm giàu thêm bản sắc văn hóa trà Việt và tôn vinh các sản phẩm trà, người làm trà.

Mục tiêu lớn nhất các kỳ festival là tạo cảm hứng phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chè Việt trên thị trường thế giới.

- Xin cảm ơn ông. Xin chúc Thái Nguyên xây dựng thành công thương hiệu Thành phố Festival trà.

Các tin khác