Trao đổi với ĐTTC về sự việc đáng buồn này, ông LƯU DUY DẦN (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết:
Sản phẩm khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk có dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hóa, thực ra chỉ là một trong nhiều sản phẩm làng nghề bị hàng Trung Quốc trà trộn vào. Trước lụa đã có một loạt sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác bị làm giả, làm nhái như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, hay sản phẩm dệt thổ cẩm tại nhiều tỉnh phía Bắc. Điều đáng buồn hơn với lụa là do một tập đoàn uy tín nhập về gắn mác lụa Việt Nam để bán cho người tiêu dùng.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về việc Khaisilk bán hàng lụa Trung Quốc nhưng lại dán mác Việt Nam?
Ông LƯU DUY DẦN: - Đây là sự bất ngờ với nhiều người, nhất là những người có tự trọng, những người làm vì nghề, đặc biệt những người làm hàng thủ công mỹ nghệ trong cả nước. Đây cũng là cú sốc lớn, bởi Khaisilk là một tập đoàn lớn đã có trên dưới 30 năm làm nghề sản xuất, kinh doanh, buôn bán sản phẩm lụa, thương hiệu Khaisilk đã được quảng bá rộng rãi và thực tế đã có chỗ đứng trong xã hội.
Dù doanh nghiệp (DN) này đã công khai xin lỗi và sẽ đền bù, bồi thường khách hàng bị thiệt hại, nhưng đó là biện pháp xử lý khi mọi chuyện đã diễn ra rồi. Điều đáng lo, nếu tiếp tục có DN như thế này, các làng nghề của ta sẽ mất rất nhiều trong quá trình hội nhập. Đầu tiên là mất thương hiệu.
Kế đến là DN làm mất lòng tự trọng trong kinh doanh, rộng hơn ảnh hưởng đến uy tín các sản phẩm làng nghề khác. Và quan trọng nhất là mất lòng tin với người tiêu dùng trong nước, kể cả với các thị trường xuất khẩu nước ngoài. Đặc biệt hiện nay các làng nghề, nghề truyền thống và sản phẩm thủ công đang phục vụ đắc lực cho hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, những vụ việc như của Khaisilk sẽ tác động lớn đến lòng tin của du khách.
Việc đánh mất thương hiệu Khaisilk trước hết tổn thất lớn đối với DN đã có hơn 30 năm hoạt động uy tín. Sự cố với Khaisilk còn làm ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu lụa của làng nghề trong nước, cần được coi là bài học cho các làng nghề thủ công truyền thống trong tiến trình hội nhập hiện nay.
Trong lĩnh vực dệt truyền thống hiện nay, ngoài lụa Vạn Phúc (Hà Đông), còn có nhiều sản phẩm lụa nổi tiếng khác như tơ lụa Cổ Chất (Nam Định), tơ lụa Mã Châu (Quảng Nam), tơ lụa Phùng Xá (Hà Nội)…
- Theo ông, các sản phẩm lụa nhập khẩu Trung Quốc trà trộn vào sản phẩm làng nghề như trường hợp Khaisilk thể hiện điều gì?
- Thực tế hàng Trung Quốc trà trộn vào sản phẩm làng nghề hiện nay có nhiều yếu tố. Họ đã phát triển các sản phẩm làng nghề từ lâu, hàng hóa của họ đa dạng, phong phú vì họ đã kết hợp được quá trình sản xuất thủ công với máy móc hiện đại nên sản xuất nhanh hơn. Điều đó thể hiện thương nhân Trung Quốc đang hội nhập rất nhanh, vượt trội hơn chúng ta.
Tôi cho rằng các DN làng nghề nên nhìn lại xem mình đang yếu điều gì. Thí dụ, một chiếc đèn tre mây làm thủ công của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (Phú Vinh) rất đẹp bán giá 154.000 đồng, trong khi chiếc đèn tre mây nhập khẩu của Trung Quốc cũng đẹp không kém chỉ bán 15.000 đồng. Rõ ràng, các làng nghề trong nước cần thay đổi, cần đưa công nghệ vào để sản xuất những sản phẩm tốt hơn, giá thành rẻ hơn.
- Tình trạng trà trộn giữa hàng Trung Quốc với các sản phẩm làng nghề truyền thống hiện nay có phổ biến, thưa ông?
- Với các sản phẩm làng nghề khác chuyện tương tự đã xảy ra. Thí dụ, nhập sản phẩm bát gốm Trung Quốc về rồi biến thành bát gốm Bát Tràng, hay nhập lụa Trung Quốc về gắn nhãn lụa Vạn Phúc… Hiệp hội làng nghề đã cảnh báo tình trạng này cách đây nhiều năm. Đó là thời kỳ nhiều sản phẩm truyền thống tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên bị hàng Trung Quốc trà trộn gắn mác sản phẩm truyền thống.
Ngay các sản phẩm gỗ Đồng Kỵ, Vân Hà cũng xảy ra tình trạng này. Có những lúc tại Đồng Kỵ có 500-700 thương nhân Trung Quốc đến mua sản phẩm, làng nghề ra sản phẩm gì họ mua ngay, bất cứ loại gỗ gì. Họ chỉ yêu cầu các làng nghề sơ chế, sang Trung Quốc họ mới tinh chế và bán đi.
- Từ trường hợp của Khaisilk, theo ông cần làm gì để thay đổi?
- Để không có hiện tượng lẫn lộn giữa sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm nhập từ Trung Quốc, điều quan trọng nhất hiện nay là các làng nghề trong nước phải kiểm duyệt được sản phẩm truyền thống do mình sản xuất. Bên cạnh đó, các làng nghề phải có sự liên kết để kiểm tra, kết hợp với lòng tự trọng của DN làng nghề, các nghệ nhân làng nghề.
Nếu quan niệm lấy các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là mặt hàng phục vụ cho dân sinh, cho xuất khẩu, cho du lịch thì cần làm tốt công tác quy hoạch. Quy hoạch cả về mặt hạ tầng kiến trúc làng nghề, vấn đề môi trường, nguồn nguyên liệu làng nghề, đặc biệt là những chính sách đối với DN sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề.
Chính sách với các nghệ nhân làng nghề, cần lấy nghệ nhân làm trung tâm trong chính sách phát triển làng nghề truyền thống, để họ có thể truyền nghề, dạy nghề ngay tại làng. Trong làng nghề, cần xây dựng những phòng truyền thống trưng bày, kinh doanh sản phẩm làng nghề để khách du lịch ghé thăm, lựa chọn mua sản phẩm.
- Xin cảm ơn ông.
Cả nước hiện có trên 5.400 làng nghề, làng công nghiệp thủ công, trong đó có hơn 2.000 làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí của các tỉnh, thành phố. Trong đó có 400 làng nghề truyền thống nổi tiếng, lâu đời đã có hàng trăm năm đến hàng ngàn năm. Tại các làng nghề truyền thống đang có khoảng 1.000 nghệ nhân, với khoảng 17 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân nhân dân. Các làng nghề truyền thống hiện đang sản xuất 200 sản phẩm truyền thống, thuộc 53 nhóm hàng. |