Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, tạo sức bật cho nền kinh tế

(ĐTTCO) - Các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung hiện đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”. Thị trường tài chính Việt Nam cũng không nằm ngoài, bao gồm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng là điểm tích cực cho xu thế kinh tế đang dần khả quan.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng là điểm tích cực cho xu thế kinh tế đang dần khả quan.

Giữa vòng xoáy khó khăn

Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh chóng và phức tạp, tất cả khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tăng cao và kéo dài, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia là đối tác lớn của Việt Nam, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp; nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, 52 quốc gia đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Cùng với đó là rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, BĐS quốc tế và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực… ngày càng gia tăng. Đã vậy, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục gây hậu quả nặng nề tại một số quốc gia, khu vực.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới. Chúng ta đã chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua.

Đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, DN thua lỗ, dự án chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường TPDN, BĐS còn nhiều bất cập...

Dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

Hơn thế nữa, điều đáng quan ngại là hiện nay hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, sức chống chịu của DN bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, một bộ phận DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng.

Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của DN. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành TPDN, chào bán chứng khoán còn khó khăn.

Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022. Thậm chí, nhiều DN, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức.

Nỗ lực tìm kiếm cơ hội

Giữa bối cảnh khó khăn chung đó, điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7-2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD. Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 195,4 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu vẫn đạt trên 16,5 tỷ USD.

Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời. Tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường BĐS, TPDN, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của DN, nhà đầu tư.

Trong đó, có thể kể đến Nghị định 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Và mới đây nhất là Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo NHNN điều hành để giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với diễn biến lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, điều hành tỷ giá linh hoạt, bảo đảm ổn định thị trường ngoại hối và cân đối cung - cầu ngoại tệ. Cùng với đó, trong bối cảnh dư địa chính sách còn lớn, khi lạm phát đang được kiểm soát tốt, Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, nới lỏng hơn, mở rộng hơn với định hướng ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân.

Bộ KH-ĐT cũng đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư. Chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn, nhất là các dự án quốc lộ, cao tốc.

Hay là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); sử dụng chi thường xuyên thực hiện dự án có kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình hiện có…

Đây là các vấn đề cấp thiết, cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để thúc đẩy tăng trưởng, các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, bởi nếu năm nay, tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2025, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030 - 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Dự báo trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế.

Các tin khác