LTS: “Là một bộ phận của lực lượng sản xuất tiên tiến trong xã hội, lực lượng trực tiếp làm ra của cải vật chất và là chủ thể của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giới doanh nhân Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội” - Đó là khẳng định của TS. VŨ TIẾN DŨNG (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) trong bài viết hưởng ứng cuộc thi PS-KS: “Doanh nhân - Bản lĩnh và cống hiến”. ĐTTC giới thiệu với bạn đọc bài viết này.
Vai trò “nghị sĩ - doanh nhân”
Cùng với chủ trương tại Đại hội XI là “thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”, chủ trương tăng số lượng doanh nhân trong nghị trường đang tạo thêm niềm tin ở cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong công cuộc phát triển kinh tế.
Đây là vấn đề được quan tâm đề cập không ít trong các kỳ họp Quốc hội, bởi hơn bao giờ hết, tầng lớp doanh nhân Việt Nam đang có vị trí ngày càng quan trọng trong xã hội. Khi các doanh nhân được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội, vị trí, vai trò của họ lại càng quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, bởi hơn ai hết, họ chính là những người hiểu rõ nhất những khó khăn, thuận lợi mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang phải đương đầu.
![]() |
Doanh nhân Việt Nam tại buổi lễ nhận Cúp Thánh Gióng. Ảnh: LÃ ANH |
Từ Quốc hội khóa I, các doanh nhân nổi tiếng như Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà... đã tham gia và đóng góp hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội. Trong các khóa Quốc hội gần đây, vai trò của doanh nhân càng thêm rõ nét. Quốc hội khóa XI chỉ có 22 đại biểu là doanh nhân, trong đó chỉ có 4 đại biểu là chủ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; sang khóa XII, số lượng đại biểu Quốc hội là doanh nhân lên đến 26, đặc biệt, số lượng đại biểu Quốc hội là chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng lên đến 17.
Trong danh sách đại biểu Quốc hội khóa XIII có 38 người trúng cử. Mặc dù chưa thể đo lường đóng góp của những “nghị sĩ - doanh nhân” này, nhưng thực tế cho thấy số lượng doanh nhân là đại biểu Quốc hội đã tăng dần lên. Họ đang có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước.
Khi các vấn đề kinh tế ngày càng trở nên thiết yếu trong các cuộc bàn thảo của Quốc hội, vai trò của các chủ thể kinh tế này cũng tăng lên tỷ lệ thuận.
Vẫn có ý kiến lo ngại nếu doanh nhân là đại biểu Quốc hội, công - tư sẽ không rõ ràng, dễ dẫn tới tình trạng vụ lợi, không toàn tâm, toàn ý cho các hoạt động của đại biểu Quốc hội... Một số ý kiến khác cho rằng hiện tại có một bộ phận doanh nhân làm đại biểu Quốc hội chưa đủ tầm nghiên cứu các vấn đề lý luận để làm những công việc liên quan đến lập pháp.
Yêu cầu bức thiết là phải lựa chọn cho được những doanh nhân làm đại biểu Quốc hội vừa có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, vừa có kỹ năng hoạt động dân cử để thực sự là những chủ thể đại diện cho giới doanh nhân. Một lo ngại khác, khi doanh nhân đã là đại biểu Quốc hội, lỡ “rủi ro đạo đức” xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội. Đây có thể là lý do chính làm hạn chế số lượng đại biểu là doanh nhân tham gia Quốc hội.
Tuy nhiên, cần có niềm tin sau 3 vòng hiệp thương và qua lá phiếu của cử tri, hoàn toàn có thể thanh lọc được những phần tử cơ hội. Mặt khác khi doanh nghiệp có người đứng đầu là đại biểu Quốc hội, nếu không làm tròn nghĩa vụ thuế hay vi phạm pháp luật, họ sẽ gây tổn hại không nhỏ đến vị thế của doanh nghiệp cũng như uy tín của chính mình.
Doanh nhân và chính trị
Theo quy định của luật pháp, trong tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, hoàn toàn không hạn chế về người tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp dân doanh). Luật Phòng chống tham nhũng cũng chỉ tập trung vào các đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, không điều chỉnh hay ràng buộc đối với các chủ doanh nghiệp.
Doanh nhân cũng là công dân Việt Nam - những chủ thể hàng ngày va chạm với thực tế đời sống kinh tế. Hơn thế, nếu là những doanh nhân thành đạt, chân chính, ít nhất họ cũng có "một cái đầu làm chính trị trong vương quốc của họ rồi". Khi làm chính trị, chủ thể đã đại diện cho một hay nhiều nhóm người, tức họ phải nói tiếng nói của người đại diện, chứ không phải chính mình. |
Khi quyết định ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội, các doanh nhân đã phải tự xác định năng lực bản thân, khả năng tài chính và thời gian để có thể đảm nhiệm tốt vai trò người đại biểu nhân dân, vừa làm tròn vai trò người quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Dù với vai trò gì, doanh nhân cũng vẫn có điều kiện đóng góp công sức, tâm huyết của mình cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh. Như vậy, lợi ích công hay tư, giữa vai trò đại biểu Quốc hội và chủ doanh nghiệp của doanh nhân không hề mâu thuẫn, trái lại, gắn kết trong thể thống nhất biện chứng, cùng hướng đến mục tiêu chung.
Tham gia vào Quốc hội có thể xem là một bước chuyển tiếp quan trọng đối với nhiều doanh nhân một khi muốn chuyển sang hoạt động chính trị. Không ít doanh nhân khi chuyển sang hoạt động trong bộ máy chính quyền các địa phương đã phát huy rất tốt kinh nghiệm thực tiễn của mình trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.
Vừa tham gia làm luật, vừa trực tiếp quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh cũng không hẳn là vừa đá bóng, vừa thổi còi. Vì doanh nhân cũng chỉ là một trong những chủ thể tham gia làm luật; ý tưởng của họ chỉ có thể trở thành luật khi được đa số thành viên Quốc hội thông qua.
Cầu nối cơ quan nhà nước - cộng đồng doanh nghiệp
Vậy động cơ chính của những doanh nhân khi tham gia vào nghị trường là gì? Mong ước chung của giới doanh nhân là được tạo môi trường thuận lợi, hợp lý nhất để làm giàu một cách chính đáng và bền vững, cho doanh nghiệp của mình và cho đất nước. Chúng ta cũng cần xác định rõ tính chất nghề nghiệp của 2 lĩnh vực chính trị và kinh doanh:
Nếu được tin tưởng và cổ vũ đúng đắn, cùng với ý thức và tinh thần tự tôn dân tộc, doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng thực hiện tốt hơn sứ mệnh mà toàn dân tộc giao phó trong việc chủ động hoạch định chính sách pháp luật nhằm góp phần chấn hưng nền kinh tế đất nước. |
- Với sự phân công lao động hiện đại, theo tinh thần của Nhà nước, có một nguyên tắc quốc gia phát triển nào cũng đang tuân theo, đó là các cơ quan cũng như quan chức nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật xác định rõ ràng bằng văn bản; còn nhân dân, trong đó có doanh nghiệp và doanh nhân, được làm tất cả những gì luật pháp không cấm.
Nếu doanh nhân cần thiết có phẩm chất mạo hiểm, sẵn sàng gánh chịu mọi rủi ro trong công việc kinh doanh, thì đối với nhân viên của bộ máy hành chính, gánh chịu mọi rủi ro, mạo hiểm không phải là phẩm chất cần có. Điều đó có nghĩa làm kinh tế giỏi không đồng nghĩa với làm chính trị giỏi.
- Ở góc độ chuyên môn, trong thời điểm cần nhiều quyết sách kinh tế, những doanh nhân, nhà quản trị kinh tế sẽ đưa ra những ý kiến đóng góp hiệu quả hơn. Như vậy, có thể coi những nghị sĩ - doanh nhân là cầu nối giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp…
Doanh nhân Việt Nam - một trong những lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế - đang tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò chính trị của mình. Xã hội không những đã tôn vinh, coi trọng các doanh nhân mà còn đang đòi hỏi họ phải có những đóng góp ngày càng rõ nét trong hoạt động lập pháp và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô.
Chỉ như thế, Quốc hội mới có thêm những yếu tố có tính đột phá trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.