Khi làng lên phố

Những vùng quê miền Trung yên ả núp sau lũy tre làng nay đã bị làn sóng “đô thị hóa” làm biến dạng tất cả. Nông dân mất đất, xóm làng bị cày nát vì xe thi công công trình, những nghĩa địa một thời không ai dám nghĩ ra sống ở đó, vậy mà nay đã trở thành những khu dân cư, giá đất cũng chẳng rẻ hơn so với đất tại TPHCM. Những làng quê bên bờ sông Trà (Quảng Ngãi) là một thí dụ điển hình.

Những vùng quê miền Trung yên ả núp sau lũy tre làng nay đã bị làn sóng “đô thị hóa” làm biến dạng tất cả. Nông dân mất đất, xóm làng bị cày nát vì xe thi công công trình, những nghĩa địa một thời không ai dám nghĩ ra sống ở đó, vậy mà nay đã trở thành những khu dân cư, giá đất cũng chẳng rẻ hơn so với đất tại TPHCM. Những làng quê bên bờ sông Trà (Quảng Ngãi) là một thí dụ điển hình.

1. Con sông Trà trong ký ức của tôi, vào những ngày hè oi ả dòng sông xanh trong vắt, nước chảy uốn lượn. Hai bên bờ những hàng tre xanh mướt nghiêng mình xuống dòng sông. Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy buổi trưa thường lùa bò ra sông tắm sau một buổi cho bò gặm cỏ trên bãi.

Mùa lũ về, người dân trong làng kéo nhau ra bờ sông bắt cá, vớt củi mà chúng tôi quen gọi là “củi lụt”. Hồi ấy, phía đầu nguồn còn thưa vắng bóng người nên mọi vật sinh sống ở đầu nguồn rất thịnh. Quanh năm cá tôm sinh sống lớn lên trong các khe núi, đến mùa mưa lũ thoát được ra ngoài theo dòng xuống hạ lưu con nào con nấy mập ú, mọi người dùng lưới kéo cá cả ngày lẫn đêm. Người bắt được nhiều đến vài ba chục con, người bắt ít cũng được vài con…

Cứ lũ về cả làng đều ăn cá. Còn củi trôi thành bè. Toàn củi khô, cả năm cây khô trên rừng gãy xuống chất lại thành đống, mùa lũ mới có dịp trôi về xuôi. Mùa lũ về nhà nào cũng chất “củi lụt” thành từng đống, chụm (đốt) quanh năm. Mùa lũ qua đi để lại những bãi phù sa màu mỡ hai bên sông, dân làng bắt đầu một vụ mùa mới. Đất bồi ven sông trồng cây gì tốt cây ấy.

Ngoài ra, một diện tích đất đáng kể được người dân để cỏ mọc rồi “đấu giá” cho dân làng nuôi bò. Bên dưới dòng sông người ta dùng “đơm” để đánh bắt những chú cá thày bai (cá bống con) li ti bơi ngược dòng về thượng nguồn. Đây là đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi một thời.

 Thành phố Quảng Ngãi về đêm.

 Thành phố Quảng Ngãi về đêm.

2. Tất cả những thứ nói trên nay đã trở thành ký ức. Mọi điều đã đảo lộn từ lúc cơn lốc “đô thị hóa” len lỏi về xóm làng. Con sông Trà xanh mát ngày nào đã trở thành dòng sông chết. Những dòng chảy tự nhiên của con sông không còn nữa mà bị “buộc” chảy vào kênh thủy lợi Thạch Nham để phục vụ tưới tiêu.

Mùa hè, lòng sông lộ lên bãi cát trắng, mọi người có thể đi bộ từ bờ bên này sang bên kia. Thỉnh thoảng, những nhà máy thuộc khu công nghiệp Quảng Phú, các nhà máy đường xung quanh vô tư thải ra lòng sông làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ hơn.

Những con tôm con cá cuối cùng của dòng sông cũng không sống nổi. Trước nguy cơ dòng sông Trà biến thành “dòng sông chết”, giới chức địa phương lại lên một đề án ngăn đập về phía hạ lưu cầu Trà Khúc để giữ nước với mục đích… tạo cảnh quan. Nhưng ý tưởng này bị các chuyên gia cảnh cáo có thể làm dòng sông trở nên tồi tệ hơn khi cuối dòng, nước mặn có thể xâm nhập sâu vào bên trong.

Dọc bờ sông, con đường Sa Huỳnh - Dung Quất đang được thi công, những con đường, ngõ, xóm vốn dĩ hiền hòa nay khói bụi mịt mù, đường sá tan nát, những lũy tre xanh bị cày xới tan tát…

3. Đất chật, người đông, dự án, công trình thi nhau mọc lên… Nhà ở quê vốn dĩ rộng rãi nay bỗng trở nên chật chội, nhà nhà chen chúc, người người sống trong những “hộp diêm” chẳng khác gì ở thành phố. Có nhà, sau khi bị giải tỏa được Nhà nước cấp cho lô đất tái định cư “hình hộp” 5x20m.

Chủ nhà vốn là nông dân thứ thiệt vẫn muốn nuôi bò để kiếm phân làm ruộng. Nhà chật, chẳng biết làm chuồng bò ở đâu, cuối cùng ông đành làm tạm cái chuồng nhỏ phía sau. Hàng ngày để dắt bò đi ăn, không còn cách nào khác ông phải dắt bò từ phía sau nhà đi ngang phòng ăn, phòng khách để ra phía trước. Chuyện xưa nay hiếm ở nhà quê.

Đất chật, người đông nhu cầu đất ở ngày một tăng cao cuối cùng người sống phải “lấn sân” người chết để có chỗ ở. Hai nghĩa địa lâu đời trong làng rộng gần 100ha cũng phải giải tỏa, di dời để nhường đất cho người sống. Vậy là những nền đất hình hộp, nhà hộp vốn dĩ xa lạ với người nhà quê lần lượt ra đời. Và cũng đâu đó xuất hiện những căn nhà “siêu mỏng” diện tích chỉ vài m2.

Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể do đất dành cho công trình, dự án, một phần do bị “sa mạc hóa” nên cằn cỗi khiến người dân không thể canh tác. Trong khi đó, việc làm “hậu đô thị hóa” chẳng thấy nên trai tráng trong làng phải tứ tán xa quê.

Làng quê những ngày này chỉ toàn người già và trẻ con. Mỗi khi có việc gì cần sức trai trẻ đều khá vất vả tìm kiếm. Một cán bộ của xã Tịnh Long (Quảng Ngãi), cho biết diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người ngày càng thu hẹp. Người dân muốn bám trụ với ruộng vườn cũng không thể vì thu nhập quá ít, không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày do đó không còn cách nào khác phải ly hương.

Làng xóm chỉ chộn rộn vài ngày Tết rồi lại vắng tanh. “Nghe xóm mình được quy hoạch nằm trong phạm vi thành phố Quảng Ngãi cũng mừng vì được từ làng lên phố. Nhưng niềm vui đâu chưa thấy đâu, người dân chỉ thấy toàn những điều bất tiện: mất đất, ô nhiễm môi trường, trai trẻ không có việc làm…” - vị cán bộ này ngậm ngùi.

Các tin khác