Khó tránh cuộc “suy thoái corona”

(ĐTTCO)-Mức độ ảnh hưởng kinh tế sâu hay lâu dài sẽ phụ thuộc vào sự lây lan của coronavirus (Covid-19) và cách các chính phủ kiểm soát các ổ dịch. Nhưng trước mắt các thị trường chứng khoán (TTCK) ở châu Âu và châu Á cũng có một tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đáng lo hơn, dịch bệnh đang đe dọa gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm sản lượng các nhà máy, khiến du lịch rơi vào bế tắc, người tiêu dùng hoảng loạn…
Hãng Nike dự kiến sẽ có 1 quý "nghiệt ngã" bởi công ty sản xuất và sản phẩm bán ra đáng kể tại thị trường Trung Quốc.
Hãng Nike dự kiến sẽ có 1 quý "nghiệt ngã" bởi công ty sản xuất và sản phẩm bán ra đáng kể tại thị trường Trung Quốc.
Khó có thể dự đoán dịch bệnh này sẽ nghiêm trọng tới mức nào, lan rộng đến đâu hay kéo dài bao lâu. Nhưng từ cách các thị trường đang phản ứng dữ dội và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, cho thấy thế giới đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái liên quan đến coronavirus.
Đến nay, các công ty như Apple, Nike, các nhà sản xuất và công ty khác trên thế giới đã thừa nhận rằng họ cảm thấy những tác động tiêu cực của virus. Điều tương tự cũng xảy ra với các ngành công nghiệp gắn liền với đi lại và du lịch. Bởi các hãng hàng không, tàu du lịch, khách sạn… tất cả đều bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa và cảnh báo du lịch, kéo theo nỗi sợ hãi về sự lây lan.
Thị trường hoảng loạn
Nỗi sợ coronavirus sẽ tiếp tục lan rộng dường như là nguyên nhân chính khiến người ta lo lắng về kinh tế. Coronavirus có thể ngày càng nguy hiểm hơn. Tỷ lệ tử vong hiện nay khoảng 2%, nhưng điều đó có thể thay đổi. Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức gọi đây là "đại dịch". TTCK không phải nền kinh tế, nhưng nó báo hiệu rằng các nhà đầu tư đang lo lắng về triển vọng kinh tế trong năm tới vì coronavirus. Bởi khi coronavirus tiếp tục lan rộng và gây ra nhiều sự gián đoạn, làm giảm nhu cầu và có thể gây ra sự suy giảm toàn cầu.
Trong các ngành công nghiệp phục vụ đi lại và du lịch đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bùng phát, đã trở nên tồi tệ hơn khi các quốc gia và các địa phương phải hủy bỏ những sự kiện văn hóa, thể thao (thường gắn với lợi ích kinh tế). Nỗi sợ này sẽ được nhân rộng ở Mỹ và trên khắp thế giới.
Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Ả Rập Xê Út và Nga về sản xuất dầu đã làm giá "vàng đen" lao dốc mạnh kể từ đầu tuần trước (9-3), dấy lên lo ngại về sự chậm lại của kinh tế toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư không biết chắc chắn liệu suy giảm toàn cầu có xảy ra hay không, nhưng họ đã hành động như thể nó sẽ xảy ra. Một số công ty và nhà phân tích đã thay đổi dự báo thu nhập của họ trong năm nay.
Chẳng hạn, Goldman Sachs đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng thu nhập của mình thành 0 cho các công ty Mỹ. "Các công ty Mỹ sẽ không tạo ra tăng trưởng thu nhập trong năm 2020" - David Kostin, chiến lược gia trưởng tại Mỹ của Goldman Sachs, cho biết trong một lưu ý khách hàng vào tháng 2. 

Doanh nghiệp lao đao
Apple là một trong những công ty đã điều chỉnh lại dự đoán của họ trong quý này. Nike cũng vậy, khi dự kiến sẽ có một quý "nghiệt ngã". Đây là hai công ty sản xuất một lượng đáng kể các sản phẩm của họ tại Trung Quốc, nhưng họ cũng bán một lượng sản phẩm đáng kể cho Trung Quốc.
Các nhà máy ở Trung Quốc đã hoạt động với đội ngũ nhân viên ít hơn hoặc chậm trễ hơn từ Tết Nguyên đán. Ngay cả khi một số nhà máy ở các khu vực không bị ảnh hưởng của Trung Quốc dù cố gắng khởi động lại sản xuất, việc hạn chế đi lại cũng khiến mọi người khó đi làm. 
Việc phong tỏa tại một số thành phố ở Trung Quốc đã khiến mọi người không ra đường phố, và do đó các cửa hàng, nhà hàng, làm tóc, nhà hát… đều không có khách. Nhiều người chỉ đơn giản là đóng cửa.
Apple đã đóng cửa các cửa hàng và trụ sở công ty. Starbucks đã đóng cửa 2.000 cửa hàng tại Trung Quốc, khoảng một nửa tổng số địa điểm của chuỗi. Khá nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào Trung Quốc như một phần của chuỗi cung ứng hoặc có sự hiện diện bán lẻ lớn ở nước này, cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự.
Các thương hiệu thời trang xa xỉ phụ thuộc nhiều vào người mua Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Một báo cáo từ công ty quản lý đầu tư Bernstein cho biết, coronavirus có thể sẽ khiến thị trường xa xỉ mất tới 43 tỷ USD doanh thu vào năm 2020. Các nhà sản xuất nhỏ hơn cũng không tránh được cú sốc. Chẳng hạn, những người bán hàng trên Amazon, vốn dựa vào các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, đang bị áp lực do nguồn hàng đang cạn kiệt.
Tiếp đến là các hãng hàng không. Một số chuyên gia cho rằng ngành này có thể mất tới 100 tỷ USD, và tất cả các doanh nghiệp khác phụ thuộc vào du lịch như khách sạn, sòng bạc, du lịch biển, công ty du lịch… cũng tổn thất nặng. Khách du lịch Trung Quốc là những người chi tiêu lớn nhất thế giới.
Việc hạn chế đi lại, kiểm dịch và đóng biên giới đang khiến du lịch đến và đi khỏi Trung Quốc ngày càng khó khăn. Và khi virus lây lan, vấn đề này đang được nhân rộng ở nơi khác. Tất cả điều này có nghĩa là nhiều ngành công nghiệp có thể sẽ có một khởi đầu tồi tệ vào năm 2020. Và tùy thuộc vào thời gian và mức độ lây lan của dịch bệnh, kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng hoặc nhẹ. 

Sẽ suy thoái toàn cầu?
Như vậy, liệu coronavirus có gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu? Câu trả lời ngắn gọn là chắc chắn có thể. Tuy nhiên, vấn đề là tất cả phụ thuộc vào việc kiểm soát được dịch bệnh sớm hay muộn. 
Suy thoái thường được định nghĩa kinh tế tăng trưởng âm liên tiếp 2 quý. Các chuyên gia ước tính GDP của Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng khá nặng trong quý đầu tiên, vì nó chiếm khoảng 17% nền kinh tế toàn cầu, nên đó hiển nhiên là tin xấu. Trung Quốc đã ước tính tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của năm 2020 là khoảng 6%. 
Những gì xảy ra ở Trung Quốc sẽ có hiệu ứng gợn với phần còn lại của thế giới. GDP các nước Eurozone chỉ tăng 0,1% vào cuối năm ngoái, do đó bất kỳ cú sốc nào cũng có thể đẩy khu vực vào lãnh địa âm. Hiện tại, Mỹ là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới, vì vậy nó có thể vững vàng hơn một chút. GDP của Mỹ đã tăng 2,1% trong quý IV năm ngoái và các chuyên gia nói rằng nó có thể tệ hơn một chút vào đầu năm 2020, nhưng ít nhất là không tăng trưởng âm.
Neil Shear, kinh tế trưởng tại Capital Economics, dự báo "một cuộc suy thoái mạnh nhưng có lẽ ngắn" là kịch bản tồi tệ nhất hiện nay. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ có một "cú sốc khá lớn" trong nửa đầu năm 2020. Theo đó, tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống mức 2,3% hàng năm trước khi phục hồi lên 3,1% trong 6 tháng sau đó, nhờ các gói kích thích từ chính phủ và ngân hàng trung ương.
Nhưng ngân hàng cũng cảnh báo nếu dịch bệnh bùng phát ngày càng lan rộng, kéo dài quá tháng 4 và làm tổn thương các công ty nhiều hơn dự kiến trước đây, nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào suy thoái. Trong trường hợp này, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chắc chắn suy thoái. 

Các tin khác