'Khoác áo' thương hiệu cho nông đặc sản Cần Giờ

(ĐTTCO)-Câu chuyện 'hữu xạ tự nhiên hương' không còn hiệu nghiệm nếu nông đặc sản Cần Giờ (TP.HCM) không được truyền thông, quảng bá rộng rãi. Vì sản phẩm của huyện Cần Giờ có thì nhiều địa phương khác cũng có, như: Yến sào, muối, khô cá Dứa, xoài Cát…
Đặc sản xoài Cát của huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Đặc sản xoài Cát của huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Với thổ nhưỡng đặc trưng, Cần Giờ là địa phương phù hợp nhất và duy nhất để phát triển thương hiệu nông sản đặc sản cho TP.HCM.

Sản phẩm ngon nhưng “kín tiếng”

Giới thiệu về nông đặc sản của huyện Cần Giờ, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ TP.HCM, cho biết huyện có diện tích tự nhiên bằng 1/3 diện tích toàn TP.HCM, với 43.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 10.000 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng 30.000 tấn, đánh bắt hải sản tự nhiên khoảng 20.000 tấn.

Huyện có 200 ha xoài Cát ở thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa. Đây là giống xoài Hòa Lộc trồng ở Cần Giờ, được nông dân bón bằng đạm cá nên chất lượng cao, mùi vị rất đặc biệt.

Ngoài ra, trong 10 năm trở lại đây, Cần Giờ còn phát triển sản phẩm yến, mang lại giá trị cao, với khoảng 530 nhà yến, chiếm 70% toàn TP.HCM, sản lượng ước đạt 14,96 tấn, trị giá khoảng 250 tỷ đồng/năm. Trên địa bàn huyện có 44 cơ sở chuyên sản xuất yến, trong đó có 5 cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm chuyên sâu về yến.

Ông Triển cho biết thêm năm 2019, một số đặc sản như: Xoài, yến, cá dứa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Sắp tới, 2 sản phẩm là hàu, mật dừa nước cũng sẽ được cấp chứng nhận này.

Tuy nhiên, một điều băn khoăn, dù huyện Cần Giờ có những nông đặc sản ngon, được đánh giá là có chất lượng ngon, khác biệt với những nơi khác, nhưng theo ông Triển dường như sản phẩm của Cần Giờ bị bỏ quên.

Phản hồi từ phía doanh nghiệp Cần Giờ, đại diện doanh nghiệp nuôi yến địa phương cho biết, dù tiềm năng lớn nhưng việc vướng thủ tục trong cấp mã vùng nguyên liệu đã khiến yến sào Cần Giờ khó vươn xa.

Theo ông Dương Lam Điền, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Lam Điền, vì sản xuất bài bản nên chi phí của doanh nghiệp cao hơn, khó cạnh tranh hơn.

“Hữu xạ” cần được khếch trương

Trong thời buổi công nghệ và thông tin bùng nổ, câu chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” không còn hiệu nghiệm nếu không được truyền thông, quảng bá. Vì sản phẩm của huyện Cần Giờ có thì nhiều địa phương khác cũng có, như: Yến sào, muối, khô cá Dứa, xoài Cát…

Điều đặc biệt ở đây là huyện Cần Giờ với thổ nhưỡng đặc trưng sẽ cho ra những nông, đặc sản đặc biệt. Chẳng hạn, xoài Cát Cần Giờ sẽ có vị đậm đà hơn so với xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)…

Phát biểu tại hội thảo “Đặc sản Cần Giờ và giải pháp xây dựng thương hiệu nông đặc sản TP.HCM”, do UBND huyện Cần Giờ và Sở Công Thương TP.HCM phối hợp tổ chức vào chiều 23/9/2023, ông Võ Tường Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị công nghệ cơ khí Bách khoa (Trường Đại học Bách khoa TP.HCM), cho rằng cần phải đầu tư dây chuyền công nghệ, sử dụng máy móc, thiết bị hỗ trợ nuôi trồng, sản xuất để đưa sản phẩm đi xa hơn.

Đặc biệt, những nông đặc sản của Cần Giờ cũng phải có chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thương mại, theo TS Nguyễn Trần Chân, chuyên gia nghiên cứu phát triển kinh tế tri thức và sở hữu trí tuệ Trường Đại học Văn Lang, Viện trưởng Viện Công nghệ Icome.

Về hệ thống phân phối, quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… nhiều doanh nghiệp có kênh phân phối siêu thị hiện đại, như: SATRA, Central Retail, AEON, MM Mega Market… cho rằng sự hiện diện của đặc sản Cần Giờ tại các siêu thị chưa nhiều.

Các hệ thống cam kết sẵn sàng tham gia từ đầu với nhà sản xuất và nông dân ở đây để hỗ trợ quản lý các khâu sản xuất, quản lý chất lượng để ra thị trường… vì sản phẩm Cần Giờ không những có chất lượng tốt, mà còn có lợi thế trong vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ.

Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Bộ phận hàng nhãn riêng, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nên có doanh nghiệp đứng ra liên kết tổ chức sản xuất và giữ ổn định chất lượng để xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng Tiki, cho rằng TP.HCM và Cần Giờ đang đứng trước cơ hội khuếch trương, phát triển thương hiệu tổ yến vì được đánh giá có chất lượng vượt trội. Yến sào Cần Giờ đã được TP.HCM cho phép thí điểm xây dựng thương hiệu đặc sản của thành phố. Nhiều nhà sản xuất yến sào lớn đã đăng ký mã vùng sản xuất tại Cần Giờ.

Thời gian qua, ngành công thương TP.HCM cũng đã có những chuyến khảo sát sản phẩm đặc sản Cần Giờ, thực tế cho thấy các sản phẩm của Cần Giờ phong phú, đa dạng và có chất lượng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết điểm yếu phổ biến hiện nay là sản lượng và các sản phẩm phần lớn đều do một chủ cá thể tâm huyết sản xuất, chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối các quy trình. Để tăng hiệu quả kinh doanh, phải hình thành và nâng cao thương hiệu và cần thêm nhiều giải pháp để nâng được giá trị khác biệt các sản phẩm.

“Chương trình xây dựng thương hiệu đặc sản Cần Giờ sẽ xây dựng cơ chế phối hợp các sở, ngành, doanh nghiệp sản xuất - thương mại, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử để tăng quảng bá và tiếp cận cho yến sào Cần Giờ, lấy kinh nghiệm tiếp tục triển khai với xoài, mật dừa nước, khô cá dứa...”, ông Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sản phẩm trọng tâm, chủ lực của huyện Cần Giờ sẽ được thực hiện nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng về mức độ hiểu biết về sản phẩm, các nhu cầu, thị hiếu, các rào cản hiện tại của khách hàng khi tìm, mua sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Các tin khác