Khơi dậy tinh thần doanh nhân Việt

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nhân đã buộc phải lựa chọn giải pháp “án binh bất động”, bởi càng đầu tư doanh nghiệp càng thua lỗ, càng có nguy cơ phá sản… Song, chính môi trường đó đã góp phần tích cực khơi dậy tinh thần kinh doanh, khuyến khích doanh nhân nỗ lực khẳng định mình, đóng góp cho đất nước.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nhân đã buộc phải lựa chọn giải pháp “án binh bất động”, bởi càng đầu tư doanh nghiệp càng thua lỗ, càng có nguy cơ phá sản… Song, chính môi trường đó đã góp phần tích cực khơi dậy tinh thần kinh doanh, khuyến khích doanh nhân nỗ lực khẳng định mình, đóng góp cho đất nước.

Bức tranh ảm đạm

Khơi dậy tinh thần doanh nhân Việt ảnh 1

Bối cảnh kinh tế và môi trường kinh doanh có nhiều bất ổn như hiện nay đã tác động tiêu cực đến doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Tâm lý co cụm, thu hẹp quy mô sản xuất, hạn chế việc mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề; không dám vay vốn đầu tư phát triển sản xuất để đảm bảo sự an toàn cho đồng vốn… đã làm hạn chế sức tăng trưởng nền kinh tế.

Điều này thể hiện qua việc tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cao. Trong năm 2013, cả nước có 76.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 398.681 tỷ đồng, tăng 10,1% về số doanh nghiệp và giảm 14,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong năm này, cả nước có 60.737 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động (trong đó số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể 9.818, số doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động 50.919), tăng 11,9 % so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng dần theo các tháng trong năm 2013, tổng số 14.402 doanh nghiệp.

Riêng trong 9 tháng năm 2014, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết cả nước có 53.192 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 320.349 tỷ đồng, giảm 8,7% về số doanh nghiệp, song tăng 13,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp của cả nước 48.330 doanh nghiệp, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành đang tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động tăng số lượng doanh nghiệp gia nhập cũng như số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với cùng kỳ năm trước, như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (thành lập mới tăng 26,2%; dừng hoạt động tăng 6,8%); kinh doanh bất động sản (thành lập mới tăng 23,4%, dừng hoạt động tăng 9,3%)...

Một số ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với cùng kỳ năm trước, như bán buôn, bán lẻ; dịch vụ, việc làm; xây dựng...

Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến hết năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ (xét theo quy mô lao động) tiếp tục có xu hướng tăng, từ 94% lên 95,8%. Điều này cho thấy việc tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập và mở rộng quy mô chưa đi kèm với việc tăng số lượng việc làm mới.

Số liệu do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, lao động dự kiến được tạo việc làm tại các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2014 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 795.200 lao động. Ngay cả những doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cũng gặp phải một số vấn đề. Một khảo sát của VCCI phỏng vấn khoảng 500 doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay cho thấy điều này.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch doanh thu trong nửa đầu năm 2014, chỉ gần 22% doanh nghiệp cho biết họ hoàn thành kế hoạch, 28% doanh nghiệp đạt trên 90% kế hoạch, hơn 16% doanh nghiệp đạt trên 70% kế hoạch và có hơn 34% doanh nghiệp đạt dưới 70% kế hoạch.

Điều đáng nói, trong lúc các doanh nghiệp trong nước co cụm, thu hẹp quy mô sản xuất, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, nhờ nguồn vốn ổn định từ các công ty mẹ đã phát triển, duy trì được hiệu quả kinh doanh, tăng doanh số và thị phần.

Những kinh nghiệm quý

Có rất nhiều yêu cầu cần thiết để tạo ra một nền kinh tế thành công với sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ, nhưng chắc chắn yêu cầu quan trọng là phải có những doanh nhân dám khởi sự doanh nghiệp mới. Để thực hiện điều đó, người dân phải có khả năng và được học kỹ năng kinh doanh. Về việc này Chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều giải pháp hay, phù hợp ta có thể tham khảo, áp dụng.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 hàng năm là thời điểm quan trọng đánh dấu sự thừa nhận của xã hội đối với bộ phận doanh nhân trong nước, nhất là với đội ngũ những người mới gia nhập thương trường, những người trẻ tuổi. Việc thừa nhận những đóng góp của giới doanh nhân và tôn vinh họ rất cần thiết, góp phần kích thích sự phát triển lớn mạnh của lực lượng doanh nhân nước ta.

Đó là việc xây dựng "vườn ươm doanh nghiệp" - nơi giúp doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh có cơ sở phát triển. Thông thường, những vườn ươm doanh nghiệp này gắn liền với các trường đại học. Tại đây, các giáo sư, chuyên gia dành thời gian và chuyên môn của họ để dạy doanh nhân mới mọi thứ, từ bán hàng, tiếp thị cho tới luật pháp và thuế.

Khi những ông chủ doanh nghiệp nhỏ tương lai này kết thúc khóa học kinh doanh đó, họ sẽ khởi sự doanh nghiệp của mình và những doanh nhân khác lại đến thế chỗ của họ. Chính phủ Hoa Kỳ có thể tạo động lực tài chính dành cho các trường đại học để xây dựng những vườn ươm doanh nghiệp ngay trong khuôn viên của trường.

Giải pháp nữa là Hoa Kỳ thiết lập Cơ quan Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ (SBA), mở các khóa đào tạo trực tuyến, giảng dạy kỹ năng và ý tưởng kinh doanh cho bất kỳ ai có thể truy cập internet qua địa chỉ http://sba.gov/training/coursestake.html. Ngoài ra, không giống như ở nhiều quốc gia khác, thất bại trong kinh doanh ở Hoa Kỳ không bị coi là xấu.

Trên thực tế, Luật Phá sản của Hoa Kỳ được xây dựng để sao cho những người thất bại trong kinh doanh được khuyến khích tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh của mình. Rất nhiều doanh nhân Hoa Kỳ hiện nay thành đạt đã bị phá sản khi họ mới bắt đầu kinh doanh, trong đó bao gồm cả các ông trùm tư bản, như John Henry Heizn, Henry Ford của Công ty Ford; Phineas Barnum, người thành lập rạp xiếc ở Hoa Kỳ. Tất cả những người này sau đó đã trở nên rất giàu có, một phần do có cơ hội thử thách kinh doanh, thất bại, sau đó họ bắt đầu kinh doanh lại từ đầu.

Hệ thống tín dụng và các đối tác tham gia hệ thống này đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và kích thích tinh thần kinh doanh của họ. Ở Hoa Kỳ có sẵn một nguồn tín dụng không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế để nhiều người dân trung lưu có thể vay 50.000USD hoặc hơn mà không phải thế chấp. Nhiều doanh nhân đã bắt đầu khởi nghiệp từ những nguồn vốn này.

Nhờ có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, Hoa Kỳ đã có mức tăng trưởng cao và thu lợi nhiều hơn từ các đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Tổng thống Obama cũng đã thừa nhận tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với nền kinh tế toàn cầu và thông qua sáng kiến Hoa Kỳ khởi nghiệp vào ngày 31-10-2010. Chính cuộc cách mạng khởi nghiệp đã giúp Hoa Kỳ vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2010.

Hỗ trợ khởi nghiệp

Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, việc khơi dậy tinh thần kinh doanh, thực hiện cuộc cách mạng khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Việt Nam có thể sử dụng một số kinh nghiệm từ Hoa Kỳ để khơi dậy lại tinh thần này. Cụ thể, cần tiếp tục kiên trì thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp bỏ vốn vào kinh doanh.

Phải kiên quyết xóa bỏ độc quyền, thực hiện bình đẳng (không có chính sách ưu tiên cho các đơn vị nhà nước, tập đoàn và tổng công ty), giúp mọi thành phần doanh nghiệp dễ dàng và thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh doanh, như đất đai, vốn, cạnh tranh bình đẳng cơ chế theo kinh tế thị trường. Cần thiết thực hiện một cuộc cách mạng khởi nghiệp kinh doanh tại Việt Nam từ nay đến năm 2020 với quy mô 2 triệu doanh nghiệp tham gia.

Theo đó, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, như xây dựng nhiều vườn ươm doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ tài chính dành cho các trường đại học để xây dựng những vườn ươm doanh nghiệp ngay trong khuôn viên của trường; xây dựng các khóa học trực tuyến miễn phí về kinh doanh; tạo cơ chế hỗ trợ tín dụng khởi nghiệp…

Lễ tôn vinh 100 doanh nhân tiêu biểu TPHCM năm 2014.Ảnh: CAO THĂNG

Lễ tôn vinh 100 doanh nhân tiêu biểu TPHCM năm 2014.Ảnh: CAO THĂNG

Cụ thể hóa vấn đề này, theo tôi nên xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, như: (i) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 20%; có chính sách miễn giảm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu thành lập công ty.

Đơn cử, năm đầu không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc khoán nộp trong năm đầu, tỷ lệ thấp. (ii) Nhà nước tạo điều kiện cơ chế thông thoáng hình thành hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm; hình thành cơ chế bảo lãnh giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có đề án kinh doanh hiệu quả được vay tín chấp (có thể theo tỷ lệ doanh nghiệp có vốn 50%, Nhà nước cho vay tín chấp 50%); có giới hạn quy mô vay vốn tín chấp, (tối đa không vay quá 10 tỷ đồng) chủ yếu giúp doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh.

Đã đến lúc Nhà nước hình thành một hệ thống luật pháp bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cần học tập tinh thần của người Hoa Kỳ trong việc thực hiện Luật Phá sản năm 2014 vừa ban hành vào tháng 6-2014, để những người thất bại trong kinh doanh được khuyến khích tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh của mình.

Các tin khác