Do đó, việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's điều chỉnh đánh giá xếp hạng tín nhiệm đối với 18 NHTM Việt Nam, trong đó nhiều nhà băng bị hạ triển vọng xuống tiêu cực sẽ tác động như thế nào đến ngành NH?
Thực ra hồi đầu tháng 10-2019, Moody's đã thông báo sẽ xem xét hạ xếp hạng của 17 NH Việt Nam, ngay sau khi tổ chức này cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam do chậm thanh toán nợ. Và rồi đến ngày 18-12, Moody's công bố hạ triển vọng tín nhiệm Việt Nam xuống Tiêu cực. Chính vì vậy, không riêng các NH mà kể cả các doanh nghiệp được Moody’s xếp hạng cũng đều bị hạ bậc triển vọng tín nhiệm. Trong thông báo điều chỉnh, Moody’s cũng cho biết, các hành động xếp hạng đối với 18 NH được điều khiển hoàn toàn bởi xếp hạng quốc gia, và không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập các nhà băng.
Quan sát trong những ngày qua, cổ phiếu của một số NH niêm yết trong danh sách bị hạ triển vọng tín nhiệm cũng không có những biến động nào đáng kể, hoạt động của các NH này cũng trong trạng thái bình thường. Cũng dễ hiểu, vì công cụ xếp hạng tín nhiệm chưa được các doanh nghiệp trong nước hay cơ quan quản lý nhà nước sử dụng nhiều. Nhà đầu tư (NĐT) trong nước hay người dân cũng không quá quan tâm đến vấn đề này, lựa chọn đầu tư hay gửi tiền vào một nhà băng lâu nay chỉ dựa trên uy tín thương hiệu, chất lượng dịch vụ hoặc lợi tức.
Tuy nhiên, đối với NĐT nước ngoài, xếp hạng tín nhiệm là cơ sở quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư. Hiện xếp hạng tín nhiệm của các nhà băng được giữ nguyên, nhưng triển vọng tín nhiệm bị hạ xuống, tức là đứng trước nguy cơ có thể bị điều chỉnh giảm trong tương lai. Điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của NĐT cũng như dòng vốn đầu tư từ nước ngoài trong thời gian tới. Bởi về nguyên tắc, NĐT nước ngoài tin tưởng xếp hạng tín nhiệm cao, đồng nghĩa với rủi ro thấp và sẽ an toàn hơn cho dòng vốn đầu tư.
Một tác động nữa khi các nhà băng đối mặt với nguy cơ bị hạ xếp hạng tín nhiệm trong tương lai, là khả năng sẽ làm tăng lãi suất vay nợ trên thị trường trái phiếu quốc tế (TPQT). Còn nhớ năm 2012, Vietinbank đã huy động thành công 250 triệu USD thông qua phát hành TPQT, với mức lãi suất cuống phiếu 8%/năm, kỳ hạn 5 năm.
Ngay sau đó, nhiều NH khác cũng lên kế hoạch phát hành TPQT, song đều không thực hiện được. Nguyên nhân vì tháng 9-2012, Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, cùng với đó 8 NH Việt Nam cũng bị hạ bậc tín nhiệm. Kèm theo đó, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, nhiều khoản nợ xấu NH bộc lộ. Các yếu tố này đẩy lãi suất và chi phí phát hành TPQT lên cao.
Khoảng 1-2 năm qua, phát hành TPQT mới bắt đầu thuận lợi trở lại. Gần đây, nhiều NH cũng đã công kế hoạch sẽ phát hành lượng TPQT hàng trăm triệu USD trong thời gian tới đây. Nhưng trong thời điểm kinh tế vĩ mô khả quan, các nhà băng đang có sức khỏe tốt lên nhiều và có kế hoạch huy động vốn quốc tế quy mô lớn, thì việc điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín nhiệm lại dẫn đến rủi ro dựng lên rào cản đối với nhu cầu huy động vốn này.
Tháo gỡ nguy cơ này bằng giải pháp nào đang là vấn đề đặt ra, khi nhiều NH đang xem việc gọi vốn từ NĐT nước ngoài hay huy động TPQT để đảm bảo năng lực tài chính theo chuẩn Basel II, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Đó là phải sớm cải thiện những vấn đề tồn tại gây ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Bộ Tài chính đã phản ứng trước việc Moody’s thông báo giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực.
Tuy nhiên, đánh giá xếp hạng của các tổ chức chức này không dựa trên các giải trình chung chung. Do đó, việc cần làm tiếp theo là phải có biện pháp hiệu quả hơn để cải thiện tích cực công tác quản lý nợ nước ngoài, đặc biệt là nợ được Chính phủ bảo lãnh. Khi cải thiện được điều này, Việt Nam mới có thể yêu cầu Moody’s điều chỉnh đánh giá xếp hạng tín nhiệm cho quốc gia nói chung và các NH nói riêng.