Khơi thông các động lực 'mềm' để tạo lực tăng trưởng

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận xét bối cảnh hiện tại đặt ra nhiều thách thức trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021-2025.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Do vậy khi khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đang gặp khó khăn và có phần “hụt hơi”, đây là lúc khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần phát huy năng lực để san sẻ gánh nặng, tạo ra động lực lấy lại đà cho phục hồi và tăng trưởng.

PHÓNG VIÊN: - Như ông nói, bối cảnh hiện tại dường như đang không thuận lợi cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021-2025?

Ông PHAN ĐỨC HIẾU: - Bối cảnh hiện tại đặt nền kinh tế trước rất nhiều thách thức. Đầu tiên, nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, áp lực lạm phát và lãi suất tạo nên áp lực lớn với các nền kinh tế. Khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới, đây là sức ép rất lớn đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành chính sách trong nước.

Hiện chúng ta đang kích cầu đầu tư công ở mức tối đa, nhưng vấn đề nằm ở chỗ những “nút thắt” chính sách liên quan đất đai, bất động sản, thể chế làm cản trở tăng trưởng kinh tế... chưa được tháo gỡ hoàn toàn. Trong khi đó, lãi suất huy động dù đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn “từ từ”, khiến DN vẫn ngại vay vốn.

Với thị trường vốn, các chân kiềng chính của thị trường này, dù đã có phục hồi nhưng chưa bền vững. Cụ thể, thị trường trái phiếu DN vẫn chưa lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư. Năm 2024, gần 330.000 tỷ đồng từ trái phiếu DN đáo hạn sẽ là thách thức lớn. Với thị trường chứng khoán, sự trồi sụt lên xuống thất thường, cho thấy đây vẫn chưa phải là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho DN.

Có 2 việc cần làm ngay trong năm 2024, là hoàn tất sửa đổi khung thể chế đối với khu vực DNNN, và đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho DNTN một cách thực chất.

- Quan điểm của ông thế nào khi khu vực DNTN đang khó khăn và “hụt hơi”, khu vực DNNN cần phát huy hiệu quả để san sẻ bớt gánh nặng của quá trình phục hồi nền kinh tế?

- Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, hiện có 680 DNNN đang nắm giữ hơn 3,8 triệu tỷ đồng. Dù nắm trong tay nguồn lực khổng lồ, nhưng hoạt động của DNNN vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Về nguyên nhân, tôi cho rằng những vướng víu do thể chế, chính sách đã “bó” khu vực DNNN lại.

Nhiều năm qua, chúng ta vẫn nói đến giao quyền tự chủ cho DNNN, tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và chức năng quản trị, điều hành của DN; đồng thời cũng xác định rõ Nhà nước là nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất, kinh doanh của DN...

Tuy nhiên, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chưa có ưu tiên sửa đổi thể chế liên quan đến DNNN, nghĩa là bài toán nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN vẫn lại đợi cơ chế, chính sách.

Do đó, để khu vực DNNN phát huy được hiệu quả như mong muốn, chúng ta nên đặt ưu tiên trong năm 2024 là hoàn tất sửa đổi khung thể chế đối với khu vực DN này. Đây là việc chúng ta nên đưa vào danh mục ưu tiên và nên làm ngay.

Còn với khu vực DNTN, Chính phủ không thể tìm kiếm đơn hàng nhưng có thể hỗ trợ giảm chi phí cho họ, tạo thuận lợi trong tìm kiếm thị trường, khách hàng. Trong năm qua, chúng ta ghi nhận sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tôi đặc biệt quan tâm đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát kinh doanh và công vụ. Trong bối cảnh hiện tại, hoạt động này là cần thiết, nhưng nên đặt mục tiêu chính để phát hiện sớm những sai sót và hỗ trợ người dân, DN và hỗ trợ cả cán bộ cơ quan nhà nước thực thi đúng, không phải đặt mục tiêu xử lý và xử phạt.

Đặc biệt, các hoạt động này phải được thực hiện theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của sản xuất, kinh doanh và hoạt động công vụ. Ngoài ra, việc ban hành các quy định mới làm gia tăng chi phí cho DN vào thời điểm này cần phải cân nhắc, có thể ngừng ban hành hoặc có lộ trình thực thi phù hợp.

Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm đến các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như điện, xăng dầu, lương thực…

- Những khó khăn này không phải mới, mà đã kéo dài nhiều năm qua. Để giải quyết dứt điểm, giải pháp hiện nay là gì, thưa ông?

- Tôi khẳng định những kết quả đạt được cho đến nay là đáng trân trọng và ghi nhận. Những giải pháp Quốc hội, Chính phủ đang thực hiện là toàn diện, đầy đủ. Tuy nhiên, cần có sự ưu tiên, tập trung hơn để giải quyết dứt điểm các vấn đề đã được đặt ra.

Cụ thể, quan trọng nhất là khơi thông những nguồn lực hiện có, các nguồn lực đang nằm trong dự án đã triển khai, đang dang dở vì vướng mắc thể chế, pháp lý, vướng mắc phòng cháy, chữa cháy. Điểm chung của các dự án này là đã nhận diện được vướng mắc, có thể giải quyết dứt điểm, nhưng vẫn đang loay hoay chưa có lối ra.

Đề nghị rà soát, lên danh mục chi tiết những dự án quy mô lớn thuộc diện vướng mắc đã được nhận diện, có thể có nghị quyết đặc thù, để tháo gỡ ngay, kịp thời, dứt điểm cho từng dự án. Với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần có nghị quyết của Quốc hội để giải quyết những dự án có địa chỉ, có vướng mắc, không chỉ là các nghị quyết về cơ chế chung hay nghị quyết thí điểm.

Quan điểm của tôi là không cầu toàn, chưa thể giải quyết đồng loạt, mà chọn giải quyết dứt điểm được một số dự án quy mô lớn, sẽ khơi được đầu ra. Bởi khơi thông được dự án sẽ liên thông giải quyết được rất nhiều vấn đề của thị trường trái phiếu và thị trường vốn.

Ngoài ra, bên cạnh việc tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính là đầu tư, xuất khẩu ròng và tiêu dùng, cần chú ý đến việc khơi thông các động lực “mềm” để tạo trợ lực cho tăng trưởng.

Việc đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho DN một cách thực chất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đây không chỉ là giải pháp, mà có thể còn là liều thuốc tinh thần cho cộng đồng DN.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác