Giá tăng khắp nơi
Khu vực đồng eur lần đầu tiên trong 13 năm ghi nhận lạm phát trong tháng 9 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, phần đóng góp lớn nhất là giá năng lượng khi mặt hàng này tăng đến 17,4%. Nếu bỏ lương thực-thực phẩm và năng lượng ra khỏi rổ hàng hóa, lạm phát là 1,9%.
Các phương tiện truyền thông ở châu Âu gần đây liên tục đề cập đến giá cả tăng, từ mặt hàng thiết yếu đến hàng tiêu dùng cho dịp cuối năm. Nhiều người dân ở Pháp đã tìm đủ cách để giảm chi phí xăng dầu, từ đi làm chung xe đến độ lại xe để dùng nhiên liệu rẻ hơn như gaz hay ethanol.
Giá các mặt hàng trang trí, quà tặng cuối năm đã rục rịch tăng do giá vận chuyển đường biển Á-Âu, cũng như tình hình gián đoạn các đơn hàng do dịch bệnh ở châu Á.
Trong khi đó, lạm phát tháng 9 của Mỹ tăng kỷ lục 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Một phần do giá nhiên liệu tăng đột biến, một phần do chuỗi cung ứng bị hiệu ứng cổ chai (supply chain bottlenecks).
Một bên là các gói hỗ trợ kinh tế dồi dào, lên đến 10 ngàn tỷ USD, trong đó một nửa số này từ Mỹ, một bên là sự thiếu hụt lao động hay các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Khác với châu Âu, người dân Mỹ chịu nhiều áp lực giá tăng ở các mặt hàng lương thực thực phẩm và tiền thuê nhà.
Còn tại Trung Quốc, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 9 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, mức kỷ lục kể từ khi cơ quan thống kê quốc gia nước này có số liệu năm 1996.
Nguyên nhân cũng do giá nguyên liệu tăng đột biến thời gian qua. Không những thế, áp lực tăng giá từ các nhà sản xuất do khủng hoảng năng lượng, cụ thể hơn là việc giảm lượng cung cấp điện ở Trung Quốc gây chấn động vừa qua.
“Chân thắng, chân ga”
“Chân thắng, chân ga”
Khi khủng hoảng xảy ra, hầu hết nền kinh tế lớn và các nước phát triển đều mạnh tay với chính sách tài khóa. Các gói hỗ trợ được đưa ra ào ạt, đến doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế. Cung tiền tăng, giãn cách xã hội khiến nhu cầu trong một số lĩnh vực tăng mạnh khiến giá cả tăng theo, có thể đề cập đến như lương thực thực phẩm, vận tải, thông tin liên lạc.
Giá nhà đã tăng khi bắt đầu dịch và còn tiếp tục tăng sau khi dịch đã được kiểm soát ở nhiều nơi. Sản xuất phục hồi và nhu cầu năng lượng cho mùa đông là những lý do chính khiến giá năng lượng tăng mạnh thời gian qua.
Nhưng áp lực giá tăng với các nền kinh tế lớn không giống nhau. Có thể ví von như một người tài xế chân thắng, chân ga khi đang qua cung đường nguy hiểm. Với Mỹ và châu Âu, đó là tiếp tục kiên trì hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, cùng với đó cẩn thận để lạm phát không bùng lên và kéo dài.
Theo ước tính của IMF, các nền kinh tế phát triển sẽ có lạm phát khoảng 3,6% vào cuối năm, sau đó quay về mốc 2% như mục tiêu của các NHTW vào giữa 2022. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi có thể lên đến 6,8% và quay về lại mốc 4%.
Còn vấn đề đau đầu của Trung Quốc lại là giá sản xuất tăng cao, không còn nhiều không gian để tiết giảm, trong khi nhu cầu nội địa có xu hướng yếu, cần hỗ trợ để hồi phục từ phía cầu.
Do đó, để có được chính sách tiền tệ tốt trong lúc này hài hòa cả 2 phía và không đẩy lạm phát tăng. Đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, những nút thắt cổ chai vẫn còn nên họ không thể giảm được thêm chi phí, trong khi khả năng chi trả của người tiêu dùng không thể tăng thêm.
Có điều, không nhiều người để ý rằng lạm phát thật ra là sự kỳ vọng về sự thay đổi của giá cả trong ngắn hạn một vài tháng. Hơn nữa, đây lại là kỳ vọng của nhiều nhóm người khác nhau: dân chúng, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà dự báo và NHTW. Nhưng không có nhóm riêng lẻ nào có thể dự báo được lạm phát.
Theo Jeremy B. Rudd, một thành viên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), được xem là một trong những “cây đa cây đề” về lạm phát, kỳ vọng lạm phát phụ thuộc nhiều nhất vào uy tín của NHTW, tiếp đến là trải nghiệm với lạm phát và cuối cùng nếu kỳ vọng hay lo sợ lạm phát trong một thời gian dài, nó sẽ trở thành hiện thực.
Có khó hơn cho Việt Nam?
Là nền kinh tế có độ mở lớn, lo ngại lạm phát ở các nền kinh tế lớn dĩ nhiên có ảnh hưởng đến Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và châu Âu có thể chấp nhận sự tăng giá hợp lý trong bối cảnh chung, nhưng cũng có thể vì giá tăng mà người tiêu dùng các nước này thay đổi hành vi chi tiêu của mình.
Theo đó, họ ưu tiên các mặt hàng thiết yếu và giảm chi tiêu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như thiết bị điện tử, giày dép quần áo của các thương hiệu lớn.
Trong khi đó Việt Nam có tỷ trọng nhập khẩu khá lớn từ Trung Quốc. Nếu các yếu tố đầu vào nhập từ Trung Quốc tăng giá, giá thành sản phẩm dịch vụ sẽ phải tăng, hoặc biên lợi nhuận của doanh nghiệp phải giảm xuống.
Trong trường hợp Việt Nam tiếp tục hỗ trợ mạnh nền kinh tế bằng chính sách tài khóa, tình thế khó xử (paradox) cũng sẽ lặp lại như ở nhiều nền kinh tế khác, khi khống chế được dịch và phục hồi kinh tế.
Điều này có nghĩa cung tiền nhiều, nhu cầu tăng nhưng phía cung bị hạn chế do hiện tượng nghẽn nút chai, chi phí đầu vào sản xuất đã cao và không thể giảm hơn nữa.
Cộng với tâm lý lo ngại lạm phát và những gì đang diễn ra trên thế giới, rất dễ kỳ vọng trên trở thành hiện thực. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là ở các nước, lạm phát có thể tăng nhanh trong giai đoạn ngắn, NHTW can thiệp bằng các công cụ của mình, trong đó quan trọng nhất là lãi suất để đưa lạm phát về lại mục tiêu.
Còn ở Việt Nam, mỗi khi mặt bằng giá mới được thiết lập, việc kéo xuống vô cùng khó khăn. Nguy hiểm hơn, một bộ phận dân chúng, doanh nghiệp và nhà đầu tư mỗi khi đón nhận thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước, là tự tìm giải pháp đương đầu với lạm phát theo cách hiểu và kinh nghiệm của riêng mình.
Kỳ vọng lạm phát phụ thuộc nhiều vào uy tín của NHTW, tiếp đến là trải nghiệm với lạm phát và cuối cùng nếu kỳ vọng hay lo sợ lạm phát trong một thời gian dài, nó sẽ trở thành hiện thực. |