Manh nha từ 2015
Theo WA Wijewardena, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) Sri Lanka (CBSL), thực ra đất nước này đã rơi vào khủng hoảng kinh tế năm 2015. Thủ tướng khi đó là Ranil Wickremesinghe, đã đưa ra chính sách kinh tế mạnh mẽ để giải quyết tình hình, nhưng không được Quốc hội thông qua do có nhiều phe phái. Tệ hơn, chính phủ liên minh chẳng những không triệt tiêu được các nguy cơ, còn đưa ra những chính sách sai lầm. Một số phương pháp được sử dụng đã bị phản đối.
Trước đó, trong Báo cáo tình hình kinh tế năm 2014 của Sri Lanka, Viện Nghiên cứu chính sách đã nêu bật nguồn tiền nóng, các hoạt động vay mượn đáng lo ngại, các biện pháp khắc phục tạm bợ và hời hợt, cùng sự độc quyền của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn.
Những bất ổn chính trị trong năm 2018 tiếp tục làm xấu đi triển vọng kinh tế Sri Lanka. Vào thời điểm đó, chính phủ đã thực hiện một số cải cách theo một chương trình được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ nhằm củng cố tài khóa tiền tệ và đã kiểm soát thành công lạm phát. Những cải cách này bao gồm công thức định giá nhiên liệu tự động, giúp giảm đáng kể rủi ro tài chính do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gây ra, tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 11% lên 15%, và mở rộng cơ sở thuế VAT bằng cách loại bỏ các khoản miễn trừ. Tuy nhiên, nhiều cải cách đã bị chính phủ mới đảo ngược sau cuộc bầu cử năm 2019.
Chính quyền tiền nhiệm đã soạn thảo Dự luật NHTW 2019 nhằm giúp CBSL độc lập khỏi ảnh hưởng chính trị, bằng cách cấm Bộ trưởng Tài chính và bất kỳ thành viên nào của chính phủ trở thành thành viên của Ban Tiền tệ. Việc in tiền cũng bị cấm, nêu rõ "CBSL sẽ không mua chứng khoán do chính phủ phát hành, bởi bất kỳ tổ chức thuộc sở hữu của chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức công nào khác trên thị trường sơ cấp". Tuy nhiên, đảng Podujana Peramuna của Sri Lanka phản đối CBSL độc lập và loại bỏ dự luật ngay khi họ lên nắm quyền.
Vì đâu nên nỗi?
Chính phủ Sri Lanka dưới thời Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, đã thực hiện các đợt cắt giảm thuế lớn ảnh hưởng đến doanh thu và chính sách tài khóa của chính phủ, khiến thâm hụt ngân sách tăng cao. Những cắt giảm này bao gồm tăng ngưỡng miễn thuế dẫn đến giảm 33,5% số người nộp thuế đã đăng ký, giảm thuế VAT xuống 8%, giảm thuế doanh nghiệp từ 28% xuống 24%, bãi bỏ thuế thu nhập PAYE và 2% thuế xây dựng quốc gia tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Việc thất thu thuế lớn khiến các cơ quan xếp hạng hạ cấp xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đã làm việc vay nợ trở nên khó khăn hơn. Để trang trải chi tiêu của chính phủ, CBSL bắt đầu in tiền với số lượng kỷ lục, phớt lờ lời khuyên của IMF về việc ngừng in tiền để thay bằng tăng lãi suất, tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.
Nợ nước ngoài của Sri Lanka đã tăng đáng kể từ 11,3 tỷ USD năm 2005 lên 56,3 tỷ USD năm 2020. Nợ nước ngoài vào năm 2019 khoảng 42% GDP, nhưng đã tăng hơn gấp đôi lên 119% GDP năm 2021. Theo Bloomberg, trong năm nay Sri Lanka có tới 8,6 tỷ USD nợ đến hạn. Nhưng tính đến tháng 4, dự trữ của chính phủ chỉ còn 2,3 tỷ USD, đến nay chỉ còn khoảng 250 triệu USD. Vào ngày 12-4, Sri Lanka đã chính thức thông báo họ sẽ không trả được khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD.
CBSL dưới thời Cabraal đã cố gắng duy trì tỷ giá đồng rupee Sri Lanka (LKR), nhưng lại tiếp tục in tiền nhiều và kiểm soát hối đoái nghiêm ngặt, đã đẩy giá trị thị trường của đồng LKR xuống. Đến tháng 2, trong khi chính phủ cố gắng giữ tiền tệ được neo ở mức 200 LKR với USD, giá trị thị trường không chính thức của LKR đã vượt quá 248 LKR so với USD. Điều này dẫn đến việc người lao động nước ngoài chuyển tiền qua các kênh không chính thức, khiến các ngân hàng Sri Lanka cạn kiệt ngoại tệ và lượng kiều hối đổ về sụt giảm nghiêm trọng 61% vào tháng 1-2022.
Cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn khi nông nghiệp bị mất năng lực tự cung tự cấp. Tháng 4-2021, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố chỉ cho phép canh tác hữu cơ, cấm phân bón vô cơ và phân bón dựa trên hóa chất nông nghiệp. Điều này dẫn đến sụt giảm sản lượng, ngành chè sụt 50% sản lượng, mất khoảng 425 triệu USD và sản lượng gạo giảm 20% trong vòng 6 tháng đầu năm, khiến nước này phải chi 450 triệu USD để nhập khẩu gạo. Cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm xấu thêm kinh tế của đất nước, vì Nga là thị trường lớn thứ 2 của Sri Lanka về xuất khẩu chè và lĩnh vực du lịch của Sri Lanka phụ thuộc rất nhiều vào 2 quốc gia này.
Hậu quả “ngoại giao bằng nợ”
Nhiều người nói các khoản vay cho Sri Lanka của Ngân hàng Exim Trung Quốc để xây dựng Cảng Quốc tế Hambantota và Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa, chính là thí dụ của “ngoại giao bẫy nợ”. Năm 2007, các công ty của Trung Quốc là China Harbour Engineering Company và Sinohydro Corporation đã được thuê để xây dựng cảng với giá 361 triệu USD. Exim tài trợ 85% dự án với lãi suất hàng năm 6,3%. Sau khi dự án thua lỗ và gánh nặng trả nợ của Sri Lanka tăng, chính phủ đã quyết định cho China Merchants Port thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc thuê lại với thời hạn 99 năm để thu tiền mặt. Hợp đồng thuê 1,12 tỷ USD đã được Sri Lanka sử dụng để giải quyết các vấn đề về cán cân thanh toán.
Tuy nhiên, những người chỉ trích lý thuyết “ngoại giao bẫy nợ” lưu ý dự án cảng Hambantota được đề xuất bởi Tổng thống Sri Lanka, không phải là Bắc Kinh. Việc cho thuê không phải là cuộc hoán đổi nợ lấy tài sản và Sri Lanka vẫn phải trả nợ. Hợp đồng cho thuê trị giá 1,1 tỷ USD được Sri Lanka sử dụng để trả các khoản nợ cho các chủ nợ khác và tăng dự trữ ngoại hối. Cũng có ý kiến cho rằng tình trạng khó khăn về nợ của Sri Lanka không liên quan đến hoạt động cho vay của Trung Quốc, mà do các chính sách trong nước được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ và cho vay của phương Tây.
Viện Lowy Australia cho rằng, Sri Lanka "không bị chìm trong bẫy nợ của Trung Quốc ", vì 47% nợ nước ngoài của Sri Lanka là nợ thị trường vốn quốc tế, trong khi 22% do các ngân hàng phát triển đa phương nắm giữ, tiếp theo là Nhật Bản có 10%. Nhưng những người ủng hộ lý thuyết bẫy nợ lưu ý rằng "việc tính toán khối lượng các khoản vay do các quốc gia nước ngoài khác cung cấp và trái phiếu có chủ quyền/các khoản vay thương mại tư nhân đối với Trung Quốc, là lập luận được trích dẫn để bác bỏ lý thuyết về nợ - bẫy ngoại giao”.