Thống đốc NHNN vừa cho biết sau khi thống nhất các máy ATM trên toàn quốc sẽ tiến hành lộ trình thu phí giao dịch ATM. Theo đó, miễn phí năm đầu cho người sử dụng, năm thứ 2 áp phí 1/3, năm thứ 3 áp 2/3 và năm thứ tư thu toàn bộ. Liệu lộ trình thu phí này có hợp lý và giải quyết triệt để những “căn bệnh” của thị trường thẻ hiện nay. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông LÊ TRÍ THÔNG, Phó Tổng giám đốc DongA Bank, xoay quanh vấn đề này.
Tăng cường tuyên truyền
PHÓNG VIÊN: - Chính phủ đã phê duyệt lộ trình đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, hiện nay các máy ATM thường xuyên tắc nghẽn, quá tải, nhất là dịp tết. Điều này khiến người dân lo ngại khi nhận lương qua thẻ. Theo ông, giải pháp nào để giải bài toán này?
Ông LÊ TRÍ THÔNG: - Trong thời gian qua chúng ta tập trung chủ yếu cung cấp dịch vụ rút tiền qua ATM cho chủ thẻ. Đó là bước đầu tiên để người dân quen thuộc với việc sử dụng sản phẩm cơ bản là rút tiền từ thẻ. Tiếp theo cần định hướng chủ thẻ làm quen với sản phẩm thanh toán bằng thẻ.
Về hạ tầng, hiện nay việc kết nối 3 hệ thống chuyển mạch của các ngân hàng, kết nối các ngân hàng liên thông đã hoàn thành, đặc biệt việc kết nối liên thông sử dụng dịch vụ POS để thanh toán đã có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và hạ tầng. Cái khó hiện nay là do thói quen dùng tiền mặt nên các chủ thẻ vẫn tập trung vào các ATM để rút tiền.
Bản thân tên gọi thẻ ATM cũng làm cho mọi người nghĩ là thẻ chỉ để rút tiền trong khi bản chất thẻ debit (ghi nợ) có thể rút tiền và thanh toán. Vì vậy, các cơ quan quản lý và các NHTM cần tuyên truyền cho khách hàng hiểu rõ hơn về các chức năng thanh toán của thẻ.
Khi mọi người chuyển sang sử dụng chức năng thanh toán của thẻ, hiện tượng quá tải ATM trong những dịp cao điểm sẽ được hóa giải.
Tăng thêm ưu đãi khi thanh toán mới tạo động lực người sử dụng thẻ thanh toán, |
- Trong khi người dân chưa quen với dịch vụ thanh toán, lại thu phí giao dịch ATM liệu có gây “sốc”?
- Theo tôi, lộ trình thu phí của NHNN là hợp lý vì nhiều lý do: Thứ nhất, giúp cho chủ thẻ có thời gian làm quen với dịch vụ và có thời gian được hưởng các dịch vụ miễn phí, ưu đãi.
Thứ hai, giải quyết từng bước gánh nặng về chi phí của các ngân hàng khi vận hành hệ thống ATM, giúp các ngân hàng tiếp tục tái đầu tư mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thứ ba, dung hòa được mong đợi hợp lý của nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Hiện nay, việc từng bước thu phí ATM động tác rất tích cực và hợp lý, giúp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực tế trong thời gian qua các ngân hàng có máy ATM đã phải gánh chịu khoản chi phí vận hành rất lớn để khách hàng được miễn phí khi giao dịch trên ATM.
Trong tương lai, việc thu phí ATM sẽ giúp khách hàng nhận thấy sự khác biệt giữa thanh toán qua POS và rút tiền ATM để thanh toán. Với việc thanh toán qua POS khách hàng hoàn toàn không mất khoản phí nào cả.
Vì vậy, việc thu phí sẽ định hướng người sử dụng thẻ thanh toán thông qua POS thay vì dùng thẻ để rút tiền rồi thanh toán như hiện nay. Điều này sẽ tiết kiệm chi phí cho cả xã hội. Hơn nữa, trong 3-4 năm tới, mạng lưới POS thanh toán có đủ thời gian để phủ rộng và hoàn thiện hạ tầng.
Tăng ưu đãi thanh toán
- Là một trong những ngân hàng phát triển mạnh dịch vụ thẻ ATM, chiến lược phát triển dịch vụ thẻ của DongA Bank trong thời gian tới như thế nào?
- Chúng tôi đã chuẩn bị để đẩy mạnh các tiện ích thanh toán bằng thẻ của DongA Bank. Cụ thể, chúng tôi đang theo đuổi việc phát triển chiến lược DongA AnI-where banking để đảm bảo khách hàng có được tiện ích và khả năng tiếp cận dịch vụ ở khắp nơi, với mạng lưới địa điểm giao dịch được mở rộng, hình thức dịch vụ và kênh thanh toán đa dạng, sử dụng các hình thức tiếp cận khách hàng thông qua các công nghệ hiện đại.
Khách hàng có thể sử dụng cả dịch vụ ngân hàng khi đang ngồi trên xe, khi đang đi công tác trong và ngoài nước… DongA Bank sẽ đẩy mạnh việc làm giàu các tiện ích thanh toán cho chủ thẻ như mở rộng đối tác thanh toán, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ, hợp tác với các đối tác bán lẻ, cung cấp dịch vụ tiện ích…
Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh triển khai các tiện ích và chức năng mới cho kênh giao dịch ebanking (qua internet, qua ĐTDĐ…) để khách hàng có thể thực hiện các giao dịch ở khắp nơi một cách nhanh chóng và an toàn.
- Nhiều ý kiến cho rằng thị trường thẻ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa đem lại hiệu quả kinh doanh cho các tổ chức cung ứng dịch vụ và chưa có chính sách hỗ trợ thị trường?
- Để phát triển thị trường thẻ góp phần đẩy mạnh lộ trình không dùng tiền mặt của nền kinh tế, tất yếu phải có chính sách hỗ trợ cần thiết cho thị trường thẻ. Chẳng hạn, chính sách khuyến khích người bán lẻ chấp nhận thẻ thanh toán, như giảm thuế.
Hiện tại chưa có chính sách này nên các điểm bán lẻ không mặn mà với việc thanh toán qua thẻ. Bên cạnh chính sách truyền thông liên tục và thường xuyên về các tiện ích thẻ, tiện ích thanh toán… Đặc biệt, cần có chính sách thuế trong nhập khẩu thiết bị, giải pháp vì các ngân hàng đang đầu tư, vận hành ATM nhưng vẫn chưa có nguồn thu bù đắp những chi phí rất lớn này.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng, hệ thống chuyển mạch an tâm đầu tư vào mạng lưới, thiết bị… giúp cho ngành phát triển lâu dài theo định hướng thị trường.
- Xin cảm ơn ông.