Sau 2 tháng đầu năm âm, tín dụng tháng 3 đã tăng 1,35% so với tháng 2, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ việc phát hành trái phiếu, không phải từ kênh cho vay.
Tín dụng không tăng từ cho vay chứng tỏ doanh nghiệp (DN) chưa mặn mà với nguồn vốn ngân hàng và giảm lãi suất chưa phải là điều kiện đủ để DN tìm đến ngân hàng.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tháng 1-2014 tín dụng của các tổ chức tín dụng giảm 0,55%, tháng 2 giảm 0,65%, nhưng tháng 3 đã tăng với mức tăng 1,35% so với tháng trước và tăng 11,59% so với cùng kỳ năm 2013. Con số tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng cũng khả quan, như LienVietPostBank tăng 4%, BIDV tăng khoảng 2%, Sacombank tăng hơn 1%...
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, có nhiều yếu tố khiến tín dụng tăng trưởng như GDP quý I tăng 4,96%, mức cao nhất trong vòng 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, lãi suất huy động tiếp tục giảm, nhiều gói cho vay với mô hình mới được đưa ra, góp phần khơi thông nguồn vốn, trong đó có gói tín dụng hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vay bất động sản và gói tín dụng dành cho "tam nông".
Tuy nhiên, con số tăng trưởng tín dụng chủ yếu nhờ hoạt động mua trái phiếu chính phủ, không phải tăng từ việc cho vay của hệ thống ngân hàng. Đại diện của nhiều ngân hàng thừa nhận, các ngân hàng vẫn đang dư thừa nguồn vốn do tiền tiết kiệm từ dân cư, cũng như tổ chức tăng đều, trong khi "đầu ra" không có.
Đại diện hầu hết các DN cho biết, DN chưa thực sự thoát khỏi khó khăn vì sức cầu trên thị trường quá yếu. Nhiều DN chỉ cố gắng tồn tại chứ không dám vay vốn, vì sợ nợ lại chồng nợ. Bởi vậy, lãi suất không phải là vấn đề trở ngại đối với DN trong việc tiếp cận ngân hàng hiện nay, mà vấn đề là làm thế nào để kích cầu tiêu dùng, từ đó giải phóng nguồn hàng tồn kho của DN.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng có vẻ quá chậm chạp này, nhiều chuyên gia lo ngại cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đặt ra cho năm 2014 là 12-14%. Ông Nguyễn Viết Mạnh cho rằng, theo quy luật, tín dụng tăng trưởng thấp trong quý I, nhưng sẽ dần tăng tốc và đạt mức cao nhất vào quý cuối cùng của năm, vì vậy tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong quý I chưa đến mức phải lo ngại. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% cho năm 2014 mà NHNN đặt ra vẫn khả thi.
Đại diện của hầu hết các ngân hàng cũng có nhận định, tình hình sẽ không tiếp tục u ám trong những tháng tới vì nền kinh tế đã thoát đáy và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng mặc dù mức tăng còn chậm. Những quý tiếp theo, tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn nhờ hiệu ứng các giải pháp hỗ trợ tổng cầu cũng như hệ quả từ chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã phát huy tác dụng.
Hệ thống ngân hàng chuyển biến khá, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, nợ xấu cơ bản đã được kiểm soát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt, lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm và huy động tiền gửi dân cư tiếp tục tăng khá. Cùng với đó, tình hình DN được cải thiện khi các chỉ tiêu về khả năng trả nợ, đòn bẩy tài chính và hiệu quả sản xuất, kinh doanh đều có chuyển biến…
Do đó, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi các ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn của các khoản vay cũ và giảm lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Kể từ khi NHNN ban hành quyết định hạ trần lãi suất ngày 18-3 đến nay, cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 8%/năm, giảm khoảng 1% so với mặt bằng lãi suất trước đó.
Một số tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất cho vay 6-7%/năm cho các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả (giảm khoảng 0,5%/năm). Đối với ngoại tệ, các ngân hàng cũng giảm lãi suất huy động tiền gửi USD của dân cư và tổ chức lần lượt về mức trần 1%/năm, 0,25%/năm, nhưng lãi suất cho vay USD ổn định ở mức 4-7%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến là 4-6%/năm; trung, dài hạn: 5,5-7%/năm.