Kích cầu tiêu dùng: Nông thôn-lối thoát hiểm

Nền kinh tế suy giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp vật lộn với khó khăn để tồn tại, trong khi đầu ra sản phẩm tắc nghẽn do sức tiêu thụ của thị trường thành thị gần như rơi vào trạng thái tê liệt. Làm gì để kích cầu tiêu dùng nội địa đang là vấn đề cấp thiết đặt ra. Trong bối cảnh này, thị trường nông thôn với hơn 70%  dân số đang trở thành ngách thoát hiểm cho doanh nghiệp.

Nền kinh tế suy giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp vật lộn với khó khăn để tồn tại, trong khi đầu ra sản phẩm tắc nghẽn do sức tiêu thụ của thị trường thành thị gần như rơi vào trạng thái tê liệt. Làm gì để kích cầu tiêu dùng nội địa đang là vấn đề cấp thiết đặt ra. Trong bối cảnh này, thị trường nông thôn với hơn 70%  dân số đang trở thành ngách thoát hiểm cho doanh nghiệp.

Thị trường tiềm năng

Nhiều năm qua, thị trường nông thôn với hơn 70% dân số hầu như ít được các doanh nghiệp trong nước quan tâm. Nhưng 3 năm trở lại đây, cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai, đã kéo các doanh nghiệp đến gần hơn với thị trường tiềm năng này.

Phiên chợ đầu tiên chỉ có 10 doanh nghiệp tham gia nhưng đến nay mỗi phiên chợ có khoảng 40 doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng cùng đưa hàng về nông thôn. Tương tự, những phiên chợ đầu tiên không nhiều người dân đến tham quan, mua sắm. Song gần đây đã thu hút được sự quan tâm của rất đông bà con, kể cả khu vực biên giới, nơi hàng ngoại tràn ngập. Doanh số của mỗi phiên chợ cũng lên tới cả tỷ đồng.

VŨ KIM HẠNH,
Giám đốc BSA

Thống kê cho thấy, người dân nông thôn có nhu cầu mua sắm cao gấp 3 lần so với người dân thành thị. Đặc biệt, khi nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay, sức tiêu thụ khu vực thành thị giảm mạnh, nông thôn trở thành địa bàn kích cầu quan trọng.

Bởi lẽ, theo nhiều chuyên gia kinh tế, khủng hoảng, suy giảm kinh tế tác động rất mạnh ở thành thị nhưng nông thôn ít chịu ảnh hưởng hơn. Một nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS cho thấy những con số rất ấn tượng: Ngoài nhu cầu về những sản phẩm thiết yếu như may mặc, lương thực, thực phẩm… 95% gia đình nông thôn cho biết sẵn sàng mua tivi, 92% mua bếp điện hoặc gas, 33% mua máy nghe nhạc, 30% muốn mua tủ lạnh, máy giặt và 9% muốn mua máy vi tính…

Cũng nghiên cứu về thị trường nông thôn, Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam cho hay chỉ tính những hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người trên mức sống tối thiểu (trên 400.000 đồng/tháng), thị trường nông thôn có tới hơn 8,74 triệu hộ gia đình.

Nếu xem các hộ này là khách hàng tiềm năng thì con số này gấp 6 lần so với các hộ sống ở 4 thành phố chính là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, các chiêu thức khuyến mại, giảm giá của doanh nghiệp đã bị bão hòa ở thành thị nhưng lại có khả năng tạo ra mãi lực lớn ở nông thôn. Và để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có cơ hội quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng kênh phân phối tại thị trường nông thôn, từ ngày 8-3-2009 Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức phiên chợ đầu tiên đưa hàng Việt về nông thôn. Đến nay gần cả trăm phiên chợ đã được tổ chức để đưa hàng Việt đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Nhiều doanh nghiệp “ruột” của BSA đã “thắng lớn” khi đưa hàng về nông thôn. Doanh thu của Nutifood trong năm 2011 tăng 30%. Vissan, một doanh nghiệp gắn bó với các chương trình đưa hàng về nông thôn đã tham gia hơn 79 chuyến bán hàng lưu động, đạt doanh số hơn 1,8 tỷ đồng trong năm 2010. Năm 2011, Vissan tiếp tục tăng số chuyến bán hàng lưu động, với gần 125 chuyến, cho doanh số hơn 2,1 tỷ đồng.

Bám rễ nông thôn

Một trong những cách để doanh nghiệp bám rễ sâu thị trường nông thôn là xây dựng hệ thống phân phối và đưa hàng về chiếm lĩnh lại thị trường.

Đây cũng là 1 trong 3 mảng chính trong các phiên chợ đưa hàng về nông thôn do BSA tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nhà phân phối và người bán lẻ tại những khu vực nơi phiên chợ đến, thiết lập kênh phân phối cho hàng Việt. Không nên chỉ mong chờ vào doanh thu đến từ các phiên chợ, bởi chi phí cho những chuyến hàng về nông thôn không nhỏ.

Công nhân KCN Tân Tạo mua hàng lưu động do Satra đưa xe bán hàng lưu động phục vụ. Ảnh: CAO THĂNG

Công nhân KCN Tân Tạo mua hàng lưu động do Satra
đưa xe bán hàng lưu động phục vụ. Ảnh: CAO THĂNG

Thời điểm này, những doanh nghiệp “lính mới” có thể nhờ các doanh nghiệp đi trước “dắt mối”. Thí dụ, trong phiên chợ tại Bình Phước mới đây, nhà phân phối Phạm Nguyễn (nhà phân phối của Mỹ Hảo, Cholimex và Bích Chi) đã liên hệ để làm nhà phân phối chính thức cho Công ty TNHH SX-TM Tiến Nga thông qua giới thiệu của đại diện Cholimex. Cũng có một cách để xây dựng hệ thống phân phối đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng đó là dựa vào bản đồ phân phối.

Bản đồ phân phối hàng Việt phản ánh từ tổng quan đến chi tiết thực trạng và quy mô thị trường hàng tiêu dùng tại từng địa phương.

Trong đó bao gồm khảo sát thực trạng mạng lưới phân phối trên toàn địa bàn trong tỉnh, quy luật vận hành-dòng chảy hàng hóa, hệ thống hậu cần, các đầu mối (nhà phân phối lớn) và hệ thống đại lý, cửa hàng, các điểm bán lẻ tận vùng sâu vùng xa, hệ thống kho bãi, hệ thống vận chuyển hàng hóa, hoạt động phân phối hàng hóa thực tế tại địa phương…

Bất kỳ doanh nghiệp nào đã xây dựng được đội ngũ bán hàng trực tiếp đến các điểm bán lẻ đều có thể sử dụng bản đồ này.

Kênh phân phối hoàn thiện không chỉ giúp hàng Việt có cơ hội trải rộng tại các vùng, miền mà còn giúp doanh nghiệp kiểm soát phần nào nạn hàng nhái, hàng giả đang tràn ngập thị trường nông thôn.

Hiện tượng nhà phân phối sẵn sàng bán những sản phẩm kém chất lượng mà không tư vấn cho khách hàng đã phổ biến trong một thời gian dài. Cùng với việc xây dựng hệ thống phân phối, doanh nghiệp phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng nông thôn vào chất lượng sản phẩm của mình. Theo đó, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và giá thành phù hợp với thu nhập ở nông thôn.

Theo kinh nghiệm của Công ty TNHH Tân Quang Minh - doanh nghiệp có mặt khá lâu tại thị trường nông thôn, trong bối cảnh hàng giá rẻ nhập khẩu và những mặt hàng không rõ nhãn mác tràn ngập tại thị trường này, doanh nghiệp phải có mức giá bán mềm và linh hoạt. Đặc biệt cần lưu ý thói quen khó thay đổi của người người tiêu dùng nông thôn trong mua sắm.

Cần sự chung tay

Những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình giành lại “sân nhà” do chính mình đã bỏ qua trong nhiều năm rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp không đơn độc trên chặng đường này cần sự chung tay hỗ trợ từ phía Nhà nước. Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA).

Vì thế để cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài tràn vào trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước phải tận dụng tốt lợi thế sân nhà bằng chính hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa vững chắc trên mọi thị trường, nhất là thị trường nông thôn.

Sử dụng bản đồ phân phối có thể giúp doanh nghiệp trong việc rà soát thị trường và xây dựng một hệ thống phân phối vững chắc. Vì không phải là công cụ quản lý bán hàng nên bản đồ phân phối không thể theo dõi doanh số bán của từng nhân viên. Song nó sẽ giúp doanh nghiệp hoạch định chính sách bán hàng và giúp cấp quản lý theo sát được hoạt động của đội ngũ bán hàng.

Ông LƯƠNG VẠN VINH,
Tổng giám đốc Công ty Mỹ Hảo

Để làm được điều này cần sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan chức năng, giúp các doanh nghiệp hào hứng thâm nhập thị trường, biến nông thôn trở thành căn cứ địa vững chắc cho hàng Việt.

Cho đến nay, đã có nhiều chính sách hỗ trợ được Nhà nước ban hành thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, giúp hàng Việt có thêm điều kiện phủ sóng khi nguồn kinh phí của doanh nghiệp đang ngày một hạn hẹp.

Tuy nhiên số doanh nghiệp biết và tiếp cận được những chính sách này còn hạn chế, một phần do chính doanh nghiệp ít quan tâm và e ngại khâu xét duyệt hồ sơ. Thiếu thông tin nên doanh nghiệp chọn giải pháp “tự thân vận động”, dẫn đến một số chính sách không phát huy được hiệu quả. Không ít phiên chợ kinh phí hầu hết do doanh nghiệp tham gia đóng góp.

Vì vậy, theo bà Vũ Kim Hạnh, điều quan trọng là cơ quan nhà nước cần minh bạch, phổ biến thông tin trước và sau khi phân bổ các chương trình như cấp cho ai, kinh phí thực hiện bao nhiêu... để doanh nghiệp có thể cập nhật và lựa chọn chương trình phù hợp với hoạt động của mình.

Theo nhiều doanh nghiệp, một trong những khó khăn khi đưa hàng về nông thôn là hạ tầng thương mại còn yếu, thậm chí tại nhiều địa phương đang bị bỏ trống.

Vì thế, ngoài việc hỗ trợ đầu tư xây dựng địa điểm bán hàng, doanh nghiệp cũng cần các cơ quan chức năng địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, biên giới, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền trước, trong và sau mỗi chuyến đưa hàng về nông thôn để người dân có nhận thức đúng đắn hơn về hàng Việt Nam, từ đó đến với các phiên chợ nhiều hơn, tính hiệu quả của chương trình sẽ được phát huy cao hơn.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, giảm thuế sẽ thực sự có ý nghĩa nếu giá thành hạ và như thế sẽ tạo được sức mua cho người dân.

“Để kích tiêu dùng nên tác động vào giá. Nếu không, từ nay đến cuối năm giá cả hàng hóa vẫn tăng cao thì việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp cũng không có tác dụng” - ông Ánh nói.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có sự hướng dẫn về tiêu dùng, mở rộng thị trường về nông thôn, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu thay vì chỉ gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý II-2012, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2011.

Các tin khác