Những diễn biến sôi động của TTCK thời gian gần đây đã khiến nhà đầu tư đưa ra những phỏng đoán sự phục hồi này bình thường hay bất thường? Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), nhìn nhận:
TTCK Việt Nam đã có gần 20 phiên tăng điểm giao dịch vào cuối năm 2012, đầu năm 2013. Điều này không bất thường, bởi lẽ có khá nhiều thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách hỗ trợ thị trường từ cơ quan quản lý.
Thứ nhất, những thông tin hỗ trợ về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2012 với mức tăng trưởng chấp nhận được (5,03%), lạm phát được kiểm soát dưới 7% và tín hiệu từ Chính phủ về các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2013.
Trong đó, tháo gỡ khó khăn xử lý nợ xấu ngân hàng, giải quyết hàng tồn kho và phá băng bất động sản với nhiều chính sách quyết liệt, đã tạo hiệu ứng tốt cho thị trường.
Thứ hai, NHNN phát đi thông điệp đầu năm cho thấy dòng tiền vào bất động sản và chứng khoán sẽ được nới lỏng, thông qua chủ trương không kiểm soát tỷ trọng cho vay lĩnh vực không khuyến khích năm 2013, đồng thời đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2013 khoảng 12%.
Thứ ba, Bộ Tài chính và UBCKNN đã đưa ra nhóm 8 giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và TTCK. Trong đó có những có giải pháp có hiệu lực ngay, như giảm phí lưu ký, tăng tỷ lệ giao dịch ký quỹ (margin) và mở rộng biên độ.
PHÓNG VIÊN: - Một số ý kiến cho rằng việc thị trường hồi phục thời gian qua và nhiều cổ phiếu (CP) tăng giá mạnh chủ yếu do tâm lý. Ông nhìn nhận ra sao về những ý kiến này?
Ông NGUYỄN SƠN: - Theo đánh giá chung, khối doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, ít nhất là nửa đầu năm 2013, vì các chính sách hỗ trợ thị trường cần có thời gian áp dụng và độ trễ của việc hấp thụ.
Thực tế cho thấy gần 80% CP giao dịch dưới mệnh giá và mức lỗ lũy kế của doanh nghiệp cũng khá nhiều, đặc biệt là CP các công ty nhỏ và vừa niêm yết trên HNX. Do đó, có thể dễ dàng thấy nhóm CP blue chip trong rổ VN30 trên sàn HSX tăng điểm khá ấn tượng, kéo theo chỉ số VN Index tăng mạnh, trong khi chỉ số HNX Index ngược lại không tăng, thậm chí giảm nhiều phiên liên tục.
Như vậy, thị trường đã có sự phân hóa rõ rệt trong danh mục đầu tư CP công ty có quy mô lớn, ngành hàng kinh doanh ổn định và hiệu quả, có hệ thống quản trị rủi ro và công bố thông tin tốt, minh bạch. Có thể thấy dù còn tác động bởi yếu tố tâm lý, nhưng tính chuyên nghiệp, bản lĩnh nhà đầu tư đã tốt hơn nhiều.
- Trong các phiên gần đây, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia khá mạnh, liệu có phải do những đề xuất của UBCKNN về việc nới room khối ngoại?
- Việc gia tăng mạnh đầu tư của NĐTNN xuất phát từ một số yếu tố sau: TTCK Việt Nam đã xuống khá thấp, đặc biệt là nhóm CP những ngành hàng tốt được NĐTNN quan tâm (sữa, dược phẩm, nhựa…); dòng tiền đầu tư gián tiếp vào Việt Nam tăng mạnh những tháng cuối năm, đặc biệt thông qua các thương vụ M&A lớn của nhóm ngành ngân hàng (ước tính khoảng 1,6 tỷ USD cả năm 2012); những động thái của Chính phủ quyết tâm IPO những doanh nghiệp lớn trong năm 2013, chính sách thoái vốn khỏi những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng kích thích dòng vốn đầu tư ngoại chảy vào.
Bên cạnh đó, những động thái của cơ quan quản lý nhà nước về nới lỏng sở hữu nước ngoài đối với các công ty niêm yết, cũng như cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài sở hữu 100% CTCK trong nước theo cam kết hội nhập, đã thu hút được cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Trong đó, phải kể đến khả năng cho phép NĐTNN sở hữu trên 49% đối với công ty đại chúng với loại CP không tham gia biểu quyết, dự kiến cho phép NĐTNN sở hữu trên 49% đến 60% CP có quyền biểu quyết một số loại hình công ty niêm yết không thuộc lĩnh vực nhạy cảm đã hết room nước ngoài, cũng tạo sự quan tâm của NĐTNN.
- Việc UBCKNN kiến nghị không xếp chứng khoán vào nhóm phi sản xuất có ý nghĩa gì với thị trường và tiến trình xử lý nợ xấu?
- Quy định tín dụng chứng khoán thuộc vào diện phi sản xuất trong thời gian dài đã tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường nhiều hơn ở khía cạnh dòng tiền. Bản chất phát triển của TTCK với tư cách là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế.
Và việc cung ứng vốn cho TTCK cũng nhằm cung ứng vốn cho doanh nghiệp, tạo động lực đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa. Vì thế cho rằng tín dụng bơm ra TTCK bị sử dụng để đầu cơ CP là chưa thỏa đáng, bởi phần lớn tín dụng chảy vào các doanh nghiệp, đặc biệt thông qua các đợt phát hành tăng vốn.
Cùng với việc mở rộng tín dụng trong năm 2013, với thông điệp của NHNN không kiểm soát tỷ trọng cho vay với lĩnh vực không khuyến khích, việc khuyến nghị gỡ bỏ tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán khỏi tín dụng phi sản xuất là giải pháp hợp lý nhằm tạo ra sức cầu cho phát triển thị trường tiền tệ và TTCK.
Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế kiểm soát tín dụng dựa trên quản trị rủi ro và kiểm soát hiệu quả dòng tiền sẽ tối ưu hơn cho cả ngân hàng lẫn TTCK. Về ngắn hạn, quyết định này có tác động chủ yếu lên tâm lý người đầu tư, thị trường sẽ được quan tâm và nhìn nhận đúng bản chất hơn.
Về dài hạn, khi kinh tế vĩ mô dần ổn định, thị trường có dấu hiệu hồi phục, việc đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi khu vực phi sản xuất có thể hỗ trợ thị trường khá lớn, từ đó TTCK hỗ trợ trở lại cho doanh nghiệp và nền kinh tế, ngay cả xử lý nợ xấu, hoặc tăng vốn cho ngân hàng cũng sẽ được hỗ trợ tích cực.
- Xin cảm ơn ông.