Theo Tổng cục Thống kê, dù tháng 1 là tháng áp Tết Nguyên đán nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp lại giảm 3,2% so với tháng trước và giảm ở tất cả các ngành công nghiệp cấp 1. Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3%; sản xuất và phân phối điện giảm 1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%.
Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp cho dịp Tết Nguyên đán năm nay thấp.
Vì vậy, chỉ số tồn kho tại thời điểm tháng 1 tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt tỷ lệ giá trị hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng khoảng 7% so với giá trị hàng hóa được sản xuất trong năm 2012.
Trên thực tế, suy giảm sản xuất công nghiệp trong năm 2012 đã được xác định là thách thức lớn trong phát triển kinh tế năm 2013. Mặc dù có sự cải thiện tốc độ tăng quý sau cao hơn quý trước, tăng trưởng GDP năm 2012 vẫn ở mức thấp, chỉ tăng 5,03% so với năm 2011, thấp hơn mức tăng của năm 2009.
Điều đáng lưu ý, dù đã có nhiều biện pháp như hỗ trợ tín dụng, nhưng tăng trưởng của ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản vẫn có dấu hiệu giảm dần, với mức đóng góp rất khiêm tốn 0,44% vào mức tăng trưởng chung.
Trong khi đó, ngành xây dựng và sản xuất công nghiệp với mức đóng góp giảm sút (đóng góp 1,89% vào mức tăng trưởng chung) và tốc độ tăng trưởng thấp (tăng 4,52% so với cùng kỳ năm 2011), là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế năm 2012 thấp.
Tình trạng giảm sút trong sản xuất biểu hiện rõ nhất trong ngành xây dựng và sản xuất công nghiệp. Thị trường bất động sản đóng băng cùng với việc cắt giảm đầu tư công đã kéo theo sự giảm tốc của ngành xây dựng.
Nếu các năm trước, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt trên 10%, thì trong 6 tháng đầu năm 2012 giảm 5,4% và chỉ có được sự cải thiện nhờ vào tăng đầu tư xây dựng cơ bản trong 6 tháng cuối năm. Sự sụt giảm của khu vực sản xuất công nghiệp cũng là mối quan ngại lớn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2012 ở quanh mức 4,8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,5% của năm 2011.
Năm nay, Chính phủ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012. Chính vì thế, kích hoạt sản xuất công nghiệp ngay từ đầu năm là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm.
Tại Nghị quyết 02/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là các biện pháp về vốn tín dụng, lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực có sản phẩm tồn kho lớn như công nghiệp, xây dựng… tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế.
Bên cạnh đó là một loạt giải pháp về miễn, giảm thuế để “sưởi ấm” tổng cầu, giúp các ngành sản xuất vượt qua khó khăn. Trong những chính sách đó, dư luận đang rất quan tâm tới giải pháp tín dụng đối với nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Tin vui là ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 02, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng đưa ra dự thảo thông tư hướng dẫn về chương trình cho vay mua nhà ở xã hội. Dự kiến, chính sách quan trọng này sẽ được ban hành trước Tết Nguyên đán với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay đủ dài để người thu nhập thấp có thể mua nhà và trả được nợ vay.
Khi chương trình được triển khai, phối hợp với các giải pháp đồng bộ khác, chắc chắn sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực với thị trường bất động sản, giải phóng hàng tồn kho, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ. Qua đó, sẽ kích thích ngành công nghiệp vật liệu, ngành xây dựng phát triển.
Các giải pháp, chính sách hỗ trợ thị trường đã được đề ra. Điều quan trọng là phải sớm có hành động cụ thể để đưa các chính sách, giải pháp đó vào cuộc sống.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, ngay trong quý I-2013, các bộ, ngành liên quan cần tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế tạo...
Các giải pháp cần bám sát vào nguyên nhân, yếu tố làm công nghiệp tăng trưởng chậm, từ đó có biện pháp tháo gỡ cơ bản và lâu dài theo hướng cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm tính gia công, nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu hoặc cạnh tranh với hàng ngoại nhập.