Khi thương mại toàn cầu ngày càng tự do hóa, các quốc gia trên thế giới càng tăng cường áp dụng các biện pháp chống bán phá giá (CBPG) nhằm bảo hộ các ngành sản xuất trong nước. Do không có chiến lược sản xuất, xuất khẩu tốt và luôn ở thế bị động trong kháng án khi bị kiện, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hầu như thua cuộc trong các vụ kiện này.
Xu hướng gia tăng khi kinh tế khủng hoảng
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, trong 25 năm qua, việc sử dụng CBPG luôn là trở ngại đối với thương mại quốc tế. Hầu hết biện pháp bảo hộ sản xuất các quốc gia áp dụng đều được nâng đỡ bởi quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, quy định của WTO.
Song trên thực tế, nhiều trường hợp các điều khoản bảo hộ do các quốc gia tự đặt. Báo cáo “Bảo hộ thương mại toàn cầu năm 2009” cho biết suy thoái kinh tế thế giới toàn cầu đã dẫn đến sự gia tăng số vụ kiện CBPG.
Để tránh bị kiện CBPG, DN không nên tập trung nhiều vào một thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu; cần đánh giá lại năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; chiến lược phát triển sản phẩm không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội địa mà phải mở rộng ra khu vực và thế giới; liên tục cập nhật, chủ động triển khai chiến lược sản phẩm sẽ giúp tránh được tình trạng “nước đến chân mới nhảy” như thời gian qua. Ông LƯƠNG VĂN TỰ, |
Cụ thể, hoạt động CBPG giai đoạn 1987-1989 và năm 2007 diễn ra với số lượng ít, nhưng trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế số vụ kiện tăng cao, đặc biệt từ cuối năm 2008.
Theo thống kê của WTO, giai đoạn 2002-2012 có hơn 2.100 vụ kiện CBPG, 180 vụ kiện chống trợ cấp và hàng chục vụ kiện liên quan đến tự vệ thương mại xảy ra giữa các nước thành viên. Trong đó, tỷ lệ thua kiện luôn ở mức cao.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thế giới, động cơ khiến các công ty sở tại khởi kiện CBPG xuất phát từ 2 nguyên nhân: để bảo hộ ngành sản xuất nội địa và nếu thắng kiện sẽ được nhận tiền từ việc áp thuế CBPG.
Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Đi theo xu thế đó, Việt Nam đã từng bước tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, WTO.
Theo quy luật chung, khi hội nhập càng sâu, nguy cơ bị kiện càng lớn. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính từ lần đầu tiên khi mặt hàng gạo bị Colombia khởi kiện năm 1994, đến năm 2012 Việt Nam đã đối mặt với 48 vụ kiện CBPG.
Trong số đó, điển hình là các vụ cá tra-basa và tôm do Hoa Kỳ khởi kiện năm 2002; giày da do EU khởi kiện năm 2005; điều tra chống bán phá giá đối với giày không thấm nước do Canada tiến hành năm 2009; vụ kiện xe đạp của EU… đã làm giảm đáng kể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các quốc gia này.
Riêng vụ kiện CBPG xe đạp của EU đã làm giảm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU. Cụ thể, trước khi bị kiện, kim ngạch xuất khẩu xe đạp từ Việt Nam sang EU đạt 101 triệu USD/năm, sau vụ kiện chỉ còn 1,4 triệu USD/năm.
Trong các vụ kiện khác, phần thiệt hại đối với DN Việt Nam cũng không nhỏ và một số DN nhiều năm sau không thể trở lại được những thị trường này.
Trước đây, các vụ kiện này thường nhắm tới những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ở các thị trường lớn, nhưng hiện nay xuất hiện nhiều vụ kiện nhắm vào những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu không cao và ở những thị trường thị phần hàng Việt Nam còn rất ít.
Đáng chú ý, các vụ kiện được thực hiện trên cơ sở song phương nhưng phán quyết của phía khởi kiện thường là quyết định cuối cùng, nên thiệt thòi luôn rơi vào nước bị kiện.
Trong năm 2012, Việt Nam đã đối mặt với 6 vụ kiện CBPG, trong đó Brazil khởi kiện 3 mặt hàng thép cuộn không gỉ, lốp xe máy và lốp xe đạp; Malaysia khởi kiện giấy màng mỏng BOPP; Thái Lan khởi kiện mặt hàng thép cán nguội… Trong 48 lần bị khởi kiện, Việt Nam chỉ thắng 1 vụ đối với mặt hàng giày xuất khẩu vào Brazil.
Giá bán rẻ cũng dễ bị kiện
Theo Th.S Nguyễn Chi Mai, Trưởng ban phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), các vụ kiện CBPG đang ngày càng tăng cao và diễn ra thường xuyên tại Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN…
Do nền kinh tế của các quốc gia phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu, lượng hàng hóa cao và số lượng DN tham gia vào xuất khẩu ngày càng nhiều. Do vậy, hoạt động CBPG vừa bảo hộ nền sản xuất trong nước, vừa tác động đến các quốc gia khác để giảm lượng hàng nhập khẩu từ nước bị kiện.
Hiện nay, hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với nhiều nước trên thế giới nhờ giá nhân công rẻ và điều kiện tự nhiên ưu đãi.
Vừa bị kết luận bán phá giá mặt hàng thép cuộn cán nguội vào thị trường |
Chẳng hạn, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu như dệt may, đồ gỗ, gạo, sắt thép… thấp hơn những sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế, đẩy một số ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu rơi vào thế bất lợi, khiến họ phải sử dụng biện pháp CBPG để đối phó.
Thực tế, nhiều vụ kiện chỉ xuất phát từ yếu tố chủ quan của bên khởi kiện do muốn ngăn chặn hàng nhập khẩu. Lý do này khiến DN Việt Nam ngỡ ngàng khi bị kiện bởi không hề bán dưới giá thành, không vi phạm pháp luật thương mại nước sở tại.
Ngoài ra, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng khiến các nước gia tăng khởi kiện, bởi nhiều mặt hàng xuất khẩu là hàng gia công, nguyên liệu thô, nông sản mới qua sơ chế nên giá bán rất rẻ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), điều này ngoài mặt lợi còn dẫn đến một số vấn đề đáng ngại. Thứ nhất, FDI tăng đồng nghĩa với việc lượng hàng hóa xuất khẩu thời gian tới sẽ tăng cao hơn.
Khi đó, ngoài những lợi thế, các mặt hàng xuất khẩu nước ta có nguy cơ đối mặt cao hơn đối với các vụ kiện CBPG. Thực tế, những vụ kiện gần đây diễn ra chủ yếu rơi vào những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ và các sản phẩm của các DN FDI.
Thứ hai, nhiều DN FDI đang đầu tư sản xuất ở các quốc gia khác bị đánh thuế CBPG, đã chuyển cơ sở sang Việt Nam để tránh thuế. Để đối phó với các trường hợp gian lận thương mại này, các thị trường Hoa Kỳ và EU ngày càng “để ý” hơn đến hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Việt Nam dễ bị kiện CBPG xuất phát từ chính DN Việt Nam. Đó là từ khâu chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh thực phẩm, các yếu tố phi thị trường... các DN Việt Nam đều rất yếu.
Nắm thông tin, chủ động đối phó
Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), nhược điểm của DN Việt Nam khi bị kiện CBPG là thường bị động trong điều tra ban đầu, thiếu thông tin, vướng các rào cản về ngôn ngữ, pháp lý, hệ thống kế toán khác biệt, báo cáo tài chính không rõ ràng nên rất khó thắng kiện.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU lại gia tăng xu hướng vừa kiện CBPG, vừa kiện chống trợ cấp, làm tăng rủi ro cho DN bị kiện.
Khi bị kiện, DN phải giữ vai trò chủ động mới có thể thắng kiện, giữ được thị trường xuất khẩu của mình. Trong các vụ kiện, bảng trả lời là cơ sở để xác định mức thuế suất. Do vậy, khi bị khởi kiện, DN nên phối hợp với hiệp hội thuê luật sư để được tư vấn đầy đủ ngay từ đầu về cách thức trả lời các bảng câu hỏi, nộp bảng câu hỏi đúng hạn và đảm bảo chất lượng thông tin. LS. ĐINH ÁNH TUYẾT, |
Khi vướng vào các vụ kiện, DN phải mất rất nhiều thời gian và chi phí để thuê luật sư, chuẩn bị tài liệu, gửi câu hỏi, nhưng đa số các kết luận cuối cùng đều áp thuế CBPG lên hàng hóa Việt Nam.
Do vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để thông tin những nguy cơ bị kiện tại các thị trường trọng điểm, đồng thời cung cấp dữ liệu, quy định pháp lý của nước nhập khẩu, hỗ trợ DN dự báo thị trường, chủ động chiến lược kinh doanh và đối phó vụ kiện.
Phạm vi cảnh báo sớm đang được triển khai đối với 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, chất dẻo, giấy, nội thất, máy móc, thiết bị, linh kiện điện ở thị trường Hoa kỳ, EU, Canada, Brazil, Australia và sắp tới sẽ là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Các DN có thể tham khảo các thông tin này để giảm thiểu nguy cơ bị kiện.
Thật ra, việc các nước tăng cường các chính sách và biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước bằng việc xây dựng hàng rào phi thuế, các vụ kiện CBPG, đã được WTO cảnh báo từ trước.
Hiện nay các quốc gia xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản đều xây dựng một lực lượng tiên phong để vận động hành lang chống các biện pháp bảo hộ rất hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều quốc gia đang đối phó với các vụ kiện CBPG bằng cách nghiên cứu những sản phẩm nào chưa bị kiện để phát triển thành sản phẩm mẫu bán vào thị trường đó, hoặc phát triển sản phẩm đó sang các thị trường khác. Đây là những kinh nghiệm DN Việt Nam nên nghiên cứu để có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc đối phó với các vụ kiện CBPG.