Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình:

Kiên định, bền gan sẽ có kết quả

(ĐTTCO) - “Điều gì đã hoạch định từ đầu nhiệm kỳ, kiên trì triển khai một cách bài bản với lộ trình phù hợp đến nay đều đạt được. Những lời hứa với Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã triển khai tích cực và đạt kết quả” - đó là chia sẻ của Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH khi nhìn lại năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ của mình trên cương vị người đứng đầu ngành ngân hàng (NH). So với thời điểm tháng 8-2011, đến nay có thể thấy rõ những kết quả tích cực ở 3 lĩnh vực: thị trường tiền tệ; thị trường vàng; tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

(ĐTTCO) - “Điều gì đã hoạch định từ đầu nhiệm kỳ, kiên trì triển khai một cách bài bản với lộ trình phù hợp đến nay đều đạt được. Những lời hứa với Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã triển khai tích cực và đạt kết quả” - đó là chia sẻ của Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH khi nhìn lại năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ của mình trên cương vị người đứng đầu ngành ngân hàng (NH). So với thời điểm tháng 8-2011, đến nay có thể thấy rõ những kết quả tích cực ở 3 lĩnh vực: thị trường tiền tệ; thị trường vàng; tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Chặn đua lãi suất, ổn định thị trường vàng

Ông Nguyễn Văn Bình được phê chuẩn giữ chức Thống đốc NHNN Việt Nam đúng vào thời điểm kinh tế Việt Nam và hệ thống NH đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Năm 2011, lạm phát của Việt Nam tăng lên mức kỷ lục 18,58%. Trong khi đó, thị trường tiền tệ cũng trong tình cảnh nhiễu loạn với cuộc chạy đua lãi suất của các NH. Lãi suất cho vay lên tới 20-25%/năm, nhiều TCTD vượt trần lãi suất huy động (14%/năm).

Năm 2016, NHNN kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức mà Quốc hội đã thông qua là dưới 5%. Năm 2016 sẽ tiếp tục có áp lực lớn nhưng NHNN phấn đấu tiếp tục giữ vững sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối. Một loạt biện pháp điều hành mới đang được chúng tôi hoạch định và dần đưa vào theo đúng lộ trình, diễn biến của kinh tế vĩ mô để đảm bảo mục tiêu đó. Về tăng trưởng tín dụng, nhu cầu của năm 2016 và những năm tiếp theo là rất lớn, nếu không kiểm soát tăng trưởng tín dụng có thể sẽ lên đến mức 25% trong năm 2016. Nhưng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, cũng như chất lượng tín dụng, NHNN sẽ kiểm soát ở mức dưới 20%.

Thống đốc NHNN  NGUYỄN VĂN BÌNH

Thanh khoản của hệ thống TCTD thiếu hụt nghiêm trọng, lãi suất liên NH tăng cao, có thời điểm lên đến trên 30%/năm... Không chỉ có vậy, tỷ giá và thị trường vàng, ngoại hối cũng thường xuyên biến động tăng cao, ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa” cao, tâm lý găm giữ ngoại tệ phổ biến. Một vấn đề lớn khác là nợ xấu của hệ thống NH tăng cao. Theo đánh giá của NHNN nợ xấu toàn hệ thống vào thời điểm tháng 9-2012 lên tới 17,2%.

Trước những thách thức trên, việc làm đầu tiên được Thống đốc Nguyễn Văn Bình bắt tay vào thực hiện là “cắt cơn” của cuộc đua lãi suất. Mục tiêu cụ thể đặt ra là giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19%/năm vào cuối năm 2011. Với lãi suất huy động, không ít biện pháp mạnh tay được đưa ra để xử lý tình trạng vượt trần như: cấm mở rộng mạng lưới, thậm chí là hình sự hóa... Tại hội nghị sơ kết hoạt động ngành NH diễn ra tháng 7-2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu các NHTM cam kết đưa lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15%/năm. Ba tháng sau đó, hơn 80% dư nợ toàn hệ thống đã giảm lãi suất xuống dưới mức này.

Những giải pháp điều hành lãi suất tiếp tục được thực hiện sau đó cũng với mục tiêu kéo giảm cả mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ mức 20-25%/năm xuống còn 6-11%/năm, bằng khoảng 50% mức lãi suất vào cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là thời kỳ kinh tế phát triển ổn định, hỗ trợ tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đáng chú ý, đường cong lãi suất đã hình thành rõ nét với kỳ hạn ngắn có lãi suất thấp, kỳ hạn dài có lãi suất cao, tạo điều kiện cho việc phân bổ vốn hiệu quả trong nền kinh tế.

Trong nhiệm kỳ Thống đốc Nguyễn Văn Bình, một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng đã được thiết lập. NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng; Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với mục tiêu tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá. NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu công khai với tổng khối lượng khoảng 68 tấn vàng để bán cho các TCTD tất toán số dư huy động và bán ra thị trường, góp phần thu về cho ngân sách nhà nước 7.000 tỷ đồng. Với các biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, công tác quản lý thị trường vàng đã cơ bản đạt được mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, loại bỏ tình trạng “vàng hóa” trong hệ thống TCTD.   

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại lễ ký kết với Phó Chủ tịch WB Axel Van Trotsenburg, các Hiệp định của 4 dự án vay vốn ưu đãi của WB có tổng trị giá 507 triệu USD.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại lễ ký kết với Phó Chủ tịch WB Axel Van Trotsenburg,
các Hiệp định của 4 dự án vay vốn ưu đãi  của WB có tổng trị giá 507 triệu USD.

“Cuộc chiến” tái cơ cấu

Điểm sáng nhất mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình ghi dấu ấn chính là  “cuộc chiến” tái cơ cấu hệ thống NH chính thức diễn ra từ đầu năm 2012 sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án 254. Thực hiện đề án này, NHNN đã đổi mới công tác thanh tra, giám sát theo hướng tập trung vào thanh tra pháp nhân và kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra việc chấp hành pháp luật với đánh giá rủi ro đối với các TCTD. Nhờ đó kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ - NH được củng cố, an toàn hệ thống được giữ vững; thực trạng của các TCTD được phân tích đánh giá chính xác, từ đó kịp thời có biện pháp cơ cấu lại phù hợp và thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả đề án cơ cấu lại và đề án xử lý nợ xấu. Việc xử lý các TCTD yếu kém được triển khai quyết liệt, triệt để theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm cả việc mua lại 0 đồng đối với một số NH yếu kém không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện thành công phương án cơ cấu lại được phê duyệt.

Đến nay, toàn hệ thống đã giảm được 19 TCTD, kiểm soát và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống; không để đổ vỡ, khủng hoảng NH ; tài sản của nhà nước, Nhân dân được bảo đảm. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước: tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối NH được xử lý và kiểm soát về cơ bản. Sau hơn 4 năm triển khai xử lý nợ xấu, gần 463.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý (bằng khoảng 99,6% số nợ xấu tại thời điểm tháng 9-2012).

Tất nhiên, để đạt được những kết quả trên là không hề dễ dàng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ ông đã gặp phải rất nhiều khó khăn từ cả bên ngoài và nội tại, từ dư luận xã hội. “Nhưng nếu không kiên định, bền gan, chao đảo hay chỉ vì những cái “êm ái” trước mắt sẽ mất đi cả lộ trình lâu dài không những của ngành NH mà còn của cả nền kinh tế” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình bộc bạch. Theo Thống đốc, điều hành hệ thống NH, chính sách tiền tệ nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung không thể duy ý chí, mà cần điều hành bài bản. Nếu làm tốt và kiên định sẽ giúp hệ thống NH được củng cố, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô.

Các tin khác