Kiện phòng vệ thương mại: "Vũ khí" bị lãng quên

Chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước trước hàng hóa nhập khẩu là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Song tại Việt Nam, công cụ này dường như đang bị các doanh nghiệp bỏ quên.

Chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước trước hàng hóa nhập khẩu là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Song tại Việt Nam, công cụ này dường như đang bị các doanh nghiệp bỏ quên.

Chỉ mới 2 vụ

Ngày 5-5-2009, lần đầu tiên Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương nhận được đơn yêu cầu tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm kính nổi nhập khẩu có mã HS gồm 7005 299000 và 7005 219000 của Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera), đại diện cho công ty kính nổi Viglacera và công ty kính nổi Việt Nam.

Khá nhiều ý kiến cho rằng con số 2 vụ kiện là quá ít trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để đánh giá ít hay nhiều cần phải dựa trên nhiều cơ sở. Các biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ pháp luật để bảo vệ các ngành hàng trong nước, nhưng theo tôi không nên khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội phải làm nhanh, làm nhiều các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Luật sư Nguyễn Văn Hải,
Công ty Luật Mayer - Brown

2 tháng sau, ngày 1-7, Bộ Công Thương quyết định tiến hành điều tra để áp dụng các biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm bị cho là gây ra thiệt hại. Và ngày 23-2-2010, Bộ Công Thương ra Quyết định 0890 thông báo Chính phủ Việt Nam sẽ không áp dụng các biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm kính nổi nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam có mã HS như trên.

Kết luận của Bộ Công Thương có thể đã không đáp ứng được mong muốn của các doanh nghiệp khởi kiện. Tuy nhiên, quyết định điều tra vào thời điểm đó cũng tác động phần nào đến thị trường, làm giảm hàng nhập khẩu và gián tiếp giúp doanh nghiệp trong nước tăng lượng hàng bán ra.

Dù doanh nghiệp Việt Nam thua kiện, song đây vẫn được xem như tín hiệu tốt khi các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước bắt đầu có ý thức tự bảo vệ mình.

Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương, Việt Nam đã có pháp lệnh về chống bán phá giá với hàng hóa nhập khẩu, pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa cũng như các nghị định có liên quan và cũng đã có cơ quan thực thi pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Do đó, khi doanh nghiệp phát hiện các hành vi vi phạm có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy vậy, sau vụ việc của mặt hàng kính nổi, mãi đến cuối năm 2012, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) mới gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành và dầu cọ tinh luyện nhập khẩu, do ngành sản xuất dầu ăn trong nước đang bị sản phẩm ngoại nhập đe dọa nghiêm trọng khiến thị phần sụt giảm mạnh.

Yêu cầu của Vocarimex cũng được sự hủng hộ của 3 công ty là CTCP Dầu thực vật Tường An, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân và Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè. Đến nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

Như vậy, cho đến nay Việt Nam mới có 2 trường hợp doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu dùng biện pháp tự vệ trước hàng nhập khẩu gây thiệt hại, nhưng chưa có vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp nào.

Trong thương mại quốc tế, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là 3 cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại (trade remedies) và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác.

Trong bối cảnh thị trường Việt Nam mở cửa để thực hiện các cam kết thương mại tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới, các ngành sản xuất trong nước phải biết tận dụng các công cụ hợp pháp mà mình được sử dụng nhằm bảo vệ sản xuất nội địa. Thế nhưng, dường như các công cụ này vẫn không được các doanh nghiệp quan tâm nhiều.

Doanh nghiệp thiếu liên kết

Khi được hỏi vì sao đến nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các công cụ phòng vệ thương mại để tự vệ, hầu hết các chuyên gia, luật sư đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu tính liên kết.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có ý thức bảo vệ thương hiệu và sản phẩm (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất thực phẩm của Vissan). Ảnh: L.THANH

Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có ý thức bảo vệ thương hiệu và sản phẩm
(Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất thực phẩm của Vissan). Ảnh: L.THANH

Trong một vụ kiện phòng vệ thương mại, khó có trường hợp một doanh nghiệp đơn lẻ đưa đơn khởi kiện vì những lý do sau. Thứ nhất, doanh nghiệp đó có đủ tính đại diện cho một ngành sản xuất trong nước hay không. Thí dụ, vụ kiện của Vocarimex hồi cuối năm 2012.

Theo quy định, Bộ Công Thương tiến hành điều tra khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của tổ chức đại diện cho ngành sản xuất trong nước, với điều kiện toàn bộ hàng hóa do tổ chức đó sản xuất chiếm ít nhất 25% sản lượng hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước. Vocarimex chiếm gần 29% lượng dầu ăn sản xuất trong nước.

Vì vậy, đơn của Vocarimex được chấp thuận do đáp ứng nhu cầu tỷ lệ đại diện. Tuy nhiên, biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với dầu ăn nhập khẩu nếu có sự gia tăng đột biến, gây ra (hoặc đe dọa gây ra) thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất dầu ăn trong nước.

Và ngành sản xuất trong nước được nói đến ở đây phải gồm các doanh nghiệp chiếm trên 50% sản lượng dầu ăn nội địa. Chính vì vậy, sự chung tay của các doanh nghiệp còn lại là hết sức quan trọng. Với dầu ăn là vậy, nhưng với các ngành hàng khác không phải lúc nào các doanh nghiệp cũng có sự chung tay đối phó.

Thứ hai, về lợi ích. Giả sử thắng kiện, lợi ích đem lại cho toàn ngành sản xuất chứ không phải cho riêng một doanh nghiệp nào. “Chúng tôi đã không tiến hành nộp đơn kiện vì phải trả chi phí, còn doanh nghiệp khác ngồi không và sẽ hưởng lợi nếu chúng tôi thắng kiện” - đại diện một doanh nghiệp thẳng thừng bày tỏ.

Bên cạnh đó các vụ kiện phòng vệ thương mại thường rất phức tạp, nên gần như doanh nghiệp không thể tự làm mà phải nhờ tới luật sư. Luật sư cũng không thể tự làm mà phải liên kết với các công ty tư vấn tài chính, kinh tế tạo thành một nhóm tư vấn cho ngành sản xuất trong nước để soạn đơn, thu thập tài liệu làm sao cho phù hợp với các bên liên quan, với quy định của WTO.

Bởi đến năm 2011, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gần 70% doanh nghiệp không hiểu hoặc hiểu sơ sài nội dung cơ bản của các hiệp định trong khuôn khổ WTO. Chi phí để thuê luật sư, trả cho các công ty tư vấn không nhỏ. Vì thế, để tìm được tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp về mặt tài chính luôn là điều rất khó.

Thận trọng khi áp dụng

Nhìn lại vụ kiện của mặt hàng kính nổi năm 2009, nhiều ý kiến cho rằng một phần thất bại đến từ sự chuẩn bị chưa tốt của phía nguyên đơn là doanh nghiệp Việt Nam.

Vì thế các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc tìm hiểu, thu thập dữ liệu chứng minh những thiệt hại kinh tế đối với mình. Đây là bước quan trọng và chủ yếu tác động đến thành công của một vụ kiện phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng không phải cứ thấy hàng nhập khẩu là có ý định “đánh”.

Đã đến lúc các hiệp hội ngành hàng, nhất là các ngành hàng có ý định đưa ra các vụ kiện phòng vệ thương mại cần ngồi lại với nhau, đưa ra các chương trình hành động cụ thể và trong các chương trình ấy phải có đóng góp tài chính để tăng tính chủ động.

Ông Phạm Ngọc Hưng,
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM

Cần phải cân nhắc, thận trọng thiệt hơn khi tiến hành các vụ kiện như thế này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Bộ Công Thương, cũng cần thận trọng trong quá trình điều tra để đưa ra một quyết định chính xác nhất về việc có áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hay không, đặc biệt với biện pháp tự vệ - công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự, hoặc cạnh tranh trực tiếp trong trường hợp khẩn cấp, nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu.

Như vậy, biện pháp tự vệ có thể được áp dụng kể cả khi các đối tác thương mại thực hiện kinh doanh chính đáng, không có tình trạng bán phá giá hoặc trợ cấp. Nó được coi là đi ngược lại chính sách tự do hóa thương mại của WTO, mặc dù được thừa nhận trong thương mại quốc tế.

Chính vì thế, nếu các nước được phép áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước sẽ phải trả giá cho những thiệt hại mà biện pháp này gây ra. Nếu nước này không tuân thủ, WTO cho phép các nước liên quan áp dụng biện pháp trả đũa. Cùng với những yếu tố trên, một yếu tố tác động đến các biện pháp phòng vệ thương mại chưa được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức, là bởi hệ thống luật pháp Việt Nam ra đời muộn hơn nhiều so với các nước.

Trong khi các nước như như Hoa Kỳ, EU đã hoàn thiện luật từ đầu thế kỷ 20 thì phải đến năm 2002 Việt Nam mới cho ra đời pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa. Và nhiều năm sau đó mới có các văn bản, nghị định về các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Vì vậy, doanh nghiệp chưa quen với phòng vệ thương mại.

Theo một khảo sát gần đây, Thái Lan, Indonesia, Malaysia là các nước trong khu vực Đông Nam Á áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại tích cực nhất để bảo vệ sản xuất trong nước.

Trước thực tế này, các doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc trong công tác bảo vệ nền sản xuất nội địa, đặc biệt vào năm 2015 khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực, tức thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng chỉ bằng 0% và thị trường Việt Nam sẽ tràn ngập hàng hóa ngoại nhập.

Các tin khác