TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ:
Vốn FDI vào Việt Nam không rõ ràng
Trong số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2.913 triệu USD, chiếm 19,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Trung Quốc 2.281 triệu USD, chiếm 15,5%; Singapore 1.951 triệu USD, chiếm 13,3%; đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 1.928 triệu USD, chiếm 13,1%; Nhật Bản 1.656 triệu USD, chiếm 11,3%; Đài Loan 726,6 triệu USD, chiếm 4,9%; Thái Lan 557,5 triệu USD, chiếm 3,8%...
Vốn FDI tăng 26% về số dự án, nhưng lại giảm 14,6% về số vốn đăng ký mới. Vốn giảm, quy mô dự án giảm, đủ cơ sở để nghi ngờ về chất lượng dự án và cách thức đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thêm vào đó, vốn FDI bổ sung cũng giảm 16,4% so với cùng kỳ, vốn thực hiện chỉ tăng 7,4%, trong khi vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp lại tăng đột biến lên 70,5%.
Câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư nước ngoài ở đây cụ thể là ai, họ mua cái gì, ở đâu, khả năng tiến triển dự án sẽ như thế nào... Bên cạnh quy mô và cơ cấu bất thường, vấn đề chất lượng dự án FDI là điều đáng lo ngại hơn cả.
Đáng chú ý, không thấy nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ, trong khi có vẻ như vốn đầu tư của Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp (có yếu tố Trung Quốc) chiếm đến gần 50%. Liệu xu hướng này có được đảo ngược nhờ vào Nghị quyết 50 mới đây của Bộ Chính trị khi yêu cầu phải sàng lọc vốn FDI tại Việt Nam?
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
Lợi ích từ FDI vẫn còn xa
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong việc nói không với các dự án FDI kém chất lượng. Nhờ vậy, chất lượng dòng vốn FDI trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể.
Song nhìn nhận một cách thẳng thắn, chặng đường để Việt Nam tối ưu hóa được lợi ích của FDI vẫn còn xa.
Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nhất là cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ chưa có hồi kết, việc thu hút FDI xuất hiện thêm nỗi lo về sự chuyển dịch các dự án từ Trung Quốc về Việt Nam để lẩn tránh thuế của Mỹ, cũng như lợi dụng các cơ chế chính sách ưu đãi trong thu hút FDI của Việt Nam.
Nhìn vào cơ cấu dòng vốn FDI vào Việt Nam hiện nay, có thể thấy chất lượng vẫn chưa được như kỳ vọng.
TS. BÙI TRINH, Viện Kinh tế Việt Nam:
TS. BÙI TRINH, Viện Kinh tế Việt Nam:
Cẩn trọng vốn FDI Trung Quốc
Kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế để thu hút vốn FDI, Trung Quốc hầu như không có tên trong tốp 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Nhưng kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn.
Nghiên cứu về cấu trúc kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc cho thấy, dù 2 nước có cấu trúc kinh tế tương đối giống nhau, nhưng mức độ lan tỏa từ các yếu tố của cầu cuối cùng đến sản lượng và giá trị gia tăng của Trung Quốc cao hơn Việt Nam khá nhiều.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gây ra bởi cầu cuối cùng nội địa của Trung Quốc thấp hơn so với Việt Nam. Điều này có nghĩa mức độ tự sản xuất các sản phẩm phụ trợ làm đầu vào cho sản xuất của Trung Quốc cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Nói cách khác, Trung Quốc và Việt Nam đều sản xuất gia công, nhưng Trung Quốc đang ở cấp độ cao hơn, sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn. 1 đồng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam lan tỏa đến thu nhập của Trung Quốc 0,79 đồng, trong khi đó 1 đồng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ lan tỏa đến thu nhập của Việt Nam 0,47 đồng.
Như vậy, có thể thấy trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, phía Việt Nam không được hưởng lợi bằng. Việc doanh nghiệp FDI Trung Quốc nhập khẩu thiết bị và công nghệ của nước này, không chỉ khiến thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc tăng cao, còn gia tăng sự ô nhiễm, lượng phát thải (CO2) do hầu hết các ngành ở Trung Quốc đều thải CO2 cao hơn Việt Nam.
Vì vậy, dù FDI từ Trung Quốc đang ào ạt đổ vào Việt Nam trên mọi lĩnh vực và là cơ hội để Việt Nam bổ sung thêm nguồn vốn cho phát triển kinh tế, nhưng cần hết sức cẩn trọng bởi uy tín của những nhà đầu tư này thường không được đánh giá cao.
TS. LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
TS. LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Vốn đầu tư Hàn Quốc thiếu bền vững
Hàn Quốc hiện đang đứng đầu trong danh sách vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc không bền vững. Hiện nay, nếu nhìn vào sẽ thấy vốn đầu tư của Hàn Quốc tập trung nhiều vào lĩnh vực dịch vụ (bất động sản, thương mại, ngân hàng…) và gia công (sản xuất điện thoại, giày dép, may mặc…).
Ngoài ra, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tham gia lĩnh vực mua bán sáp nhập (M&A) ở Việt Nam nhiều nhất. Nếu tính riêng theo lượt góp vốn, mua cổ phần, Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 quốc gia có số lượt góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2019 nhiều nhất, lần lượt 1.973 lượt và 1.267 lượt góp vốn, mua cổ phần.
Nhìn chung, vốn FDI của Hàn Quốc khó có thể được xem là đi kèm với công nghệ cao, để từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho cải cách doanh nghiệp hay chuyển đổi kinh tế theo chiều sâu được.