Kiên trì mục tiêu xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình

LTS: Trong các mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, có mục tiêu gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Nhân dịp đầu Xuân Bính Thân,  ĐTTC ghi nhận ý kiến một số lãnh đạo sở, ban ngành của TP xung quanh mục tiêu này.

LTS: Trong các mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, có mục tiêu gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Nhân dịp đầu Xuân Bính Thân,  ĐTTC ghi nhận ý kiến một số lãnh đạo sở, ban ngành của TP xung quanh mục tiêu này.

Ông LÊ VĂN KHOA, Phó Chủ tịch UBND TPHCM:

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) TPHCM chủ trì, phối hợp cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế TPHCM và các nhà khoa học, đã tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, kết hợp khảo sát hiện trạng, lấy ý kiến của hơn 1.200 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để xây dựng Đề án phát triển CNHT theo đúng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Trên cơ sở đó, đã đề ra định hướng để phát triển CNHT thời gian tới như sau:

Thứ nhất, chú trọng ưu tiên thu hút DNNVV đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển trong lĩnh vực CNHT  phục vụ 4 ngành trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử - CNTT, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và 2 ngành truyền thống (dệt may, giày da). Trong giai đoạn đầu, cần tập trung ưu tiên phát triển CNHT thuộc các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất - nhựa - cao su nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp khác. Thứ hai, trong quá trình phát triển, từng bước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; định hướng DN sản xuất lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh sử dụng sản phẩm CNHT được sản xuất từ DNNVV; hình thành hệ thống DNNVV đủ mạnh, tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm CNHT cho các ngành công nghiệp trọng yếu, truyền thống của TP; thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác sản xuất giữa DN FDI với DNNVV để nhanh chóng làm chủ công nghệ; phát triển đội ngũ nhân lực quản lý, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển CNHT của TP.

Để thu hút đầu tư, đồng thời hỗ trợ DNNVV phát triển CNHT, cần thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm, như kiện toàn công tác quản lý nhà nước về CNHT. Hiện nay, một trong những nguyên nhân gây cản trở sự phát triển là sự chồng chéo, phối hợp thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các ngành, các cấp. Nhận thức được vấn đề, TP đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CNHT, đồng thời hình thành Trung tâm phát triển CNHT, là đầu mối tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN thuộc lĩnh vực CNHT trên địa bàn. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng phục vụ sản xuất để thu hút đầu tư.

Qua khảo sát, yêu cầu của DNNVV trong lĩnh vực CNHT chỉ cần thuê nhà xưởng diện tích nhỏ (200-300m2), trong khi tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) chỉ cho thuê đất với diện tích vài ngàn mét vuông trở lên. Vì thế, TP sẽ có chính sách khuyến khích, mời gọi các công ty đầu tư hạ tầng xây dựng sẵn các nhà xưởng cao tầng có quy mô phù hợp với nhu cầu sử dụng của DNNVV. Trước mắt, tiến hành xây dựng khoảng 100.000m2 sàn xây dựng phục vụ nhu cầu DNNVV trong lĩnh vực CNHT. Ngoài ra, TP sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, dành khoảng 500ha đất trong giai đoạn (2016-2020) để thành lập các KCN, trung tâm giao dịch chuyên về CNHT; rà soát việc sử dụng đất nông nghiệp tại các quận huyện có hiệu quả kinh tế thấp, đề xuất chuyển thành đất phục vụ sản xuất, nhằm tạo quỹ đất đủ lớn để thu hút, chọn lọc các DN, tập đoàn lớn có dự án phù hợp với định hướng phát triển của TP.

Giải pháp tiếp theo là xác định sản phẩm CNHT tiêu biểu của TP. Theo đó, cần thay đổi nhận thức, tư duy từ “phát triển theo chiều rộng” dàn trải như trước đây sang “phát triển theo chiều sâu”; chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hàm lượng chất xám, KH-CN vào các lĩnh vực, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Trong quá trình khảo sát thực tế xây dựng đề án, Ban Chỉ đạo phát triển CNHT đã yêu cầu nhóm nghiên cứu đề án xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm CNHT tiêu biểu của TP. Căn cứ bộ tiêu chí này, TP sẽ tổ chức bình chọn danh mục sản phẩm CNHT tiêu biểu, từ đó có các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển với mục tiêu vừa phục vụ nhu cầu của DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước, vừa hướng tới xuất khẩu.

Ông TRẦN TRỌNG TUẤN, Giám đốc Sở Xây dựng:

Nâng chất phát triển đô thị

Mục tiêu của chỉnh trang và phát triển đô thị là tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Theo đó, đến năm 2025, TP hoàn thành di dời toàn bộ 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống người dân sống trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị dọc 2 bên bờ. Riêng giai đoạn 2015-2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn. Đây được xem là một trong những bước đột phá để TPHCM phát triển.

Trong thời gian qua, TP đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ gia đình sống trên và ven kênh, rạch; hàng ngàn hộ gia đình sống tại các chung cư hư hỏng, xuống cấp; nhiều khu đô thị hiện hữu được chỉnh trang, nâng cấp hẻm, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước và nâng cấp, sửa chữa nhà ở của Nhân dân. Bộ mặt đô thị TP đã có nhiều thay đổi căn bản, không gian đô thị phát triển rộng hơn, nhiều khu đô thị mới mọc lên với nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu cư dân được tốt hơn.

Việc di dời và tổ chức lại cuộc sống người dân đang sống trên và ven kênh, rạch, các chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp còn góp phần giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và có thêm quỹ đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; tăng diện tích mảng xanh và cây xanh, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như mong muốn khi còn khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch; nhiều chung cư hư hỏng, xuống cấp cần phải tổ chức di dời và xây dựng mới; nhiều khu đô thị hiện hữu phải chỉnh trang. Tiến độ đầu tư phát triển khu đô thị mới theo quy hoạch còn chậm. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự đột phá về tư duy, mục tiêu, công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện để đem lại kết quả tốt hơn. 

Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG, Giám đốc Sở khoa học - Công nghệ:

Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, ươm tạo sản phẩm

Để thúc đẩy DN tái cơ cấu sản xuất và sản phẩm trong bối cảnh hội nhập, trước tiên Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) của TP phải hoạt động có hiệu quả; ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, hướng đến thương mại hóa sản phẩm KH-CN; đầu tư các sản phẩm hướng đến ứng dụng cho một nhóm hoặc chuỗi DN trong dây chuyền cung ứng. Có chính sách khuyến khích các định chế tài chính cho DN ưu tiên vay vốn để đầu tư đổi mới, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển gắn với ươm tạo thương mại hóa sản phẩm, công nghệ cuối cùng, cũng như các hoạt động khởi nghiệp của DN KH-CN. Mạnh dạn tháo gỡ những quy định cứng nhắc, tạo hành lang thông thoáng phù hợp với hoạt động thực tiễn trong việc sử dụng quỹ phát triển KH-CN của DN.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng vườn ươm tạo DN KH-CN cùng với các chính sách hỗ trợ ươm tạo của Nhà nước với phương châm đầu tư mạo hiểm. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầu tư ươm tạo sản phẩm và DN KH-CN. Nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển của một số tổ chức KH-CN trọng yếu của TP thông qua việc tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phòng lab, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu thông tin... Sở KH-CN sẽ đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành các mô hình liên kết hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu phát triển và nhóm DN; thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu phát triển gắn với sản xuất kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng trong sản xuất. Hoàn thiện và phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa các mô hình hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tăng cường công tác thông tin, khảo sát thị trường, kết nối cung cầu thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển. Sớm kiện toàn, thúc đẩy sàn giao dịch công nghệ của TP phát triển mạnh mẽ.

Ông TRƯƠNG VĂN LẮM, Giám đốc Sở Nội vụ:

Đô thị thông minh, chính quyền điện tử

Chính quyền điện tử nói ngắn gọn là chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cung ứng dịch vụ công tốt hơn cho Nhân dân, DN và tổ chức trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT). Việc xây dựng chính quyền điện tử từ xã, phường - thị trấn, quận, huyện đến TP luôn được lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong “Chương trình phát triển CNTT-TT giai đoạn 2011-2015” và Đề cương quy hoạch CNTT của TPHCM đến năm 2025.

Theo đó, nhằm giúp người dân sống trong môi trường hiện đại, xanh, sạch và an toàn, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính Nhà nước. Trong giai đoạn 2016-2020, theo tôi, cần thực hiện  mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, lấy chính quyền điện tử làm trung tâm. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện xây dựng chính quyền điện tử các cấp; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng quản lý văn bản, điều hành và tác nghiệp; tăng cường sử dụng văn bản điện tử tại chính quyền các cấp để hoàn thiện ứng dụng văn phòng điện tử. Lấy Nhân dân, DN và tổ chức là trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả và tiện lợi. Lấy tiêu chí sự hài lòng của người dân là thước đo để các cơ quan hành chính hoàn thiện và cải thiện hoạt động. Tập trung triển khai các ứng dụng phục vụ liên thông, kết nối và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân, DN, tổ chức khi tham gia giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

Vấn đề đặt ra là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính và chính quyền điện tử. Trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, các cấp có sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành để công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả. Mặt khác, cần tăng cường nguồn nhân lực cho công tác ứng dụng CNTT phục vụ quản lý nhà nước. Theo đó, có chính sách đào tạo và đãi ngộ cán bộ, công chức làm trong lĩnh vực này; ưu tiên tuyển dụng các vị trí chuyên trách và phụ trách CNTT tại các sở, ngành, quận, huyện.

Ông NGUYỄN PHƯỚC TRUNG, Giám đốc Sở NN-PTNT:

Hình thành chuỗi liên kết, cung ứng nông nghiệp

TPHCM hiện có 116.900ha đất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất 71.200ha. Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm theo từng năm nhưng giá trị trên 1ha đất sản xuất tăng khá (năm 2014 đạt 325 triệu đồng/ha/năm, ước tính 2015 đạt 375 triệu đồng/ha/năm). Khu vực nông thôn ngoại thành đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với nhiều loại hình tổ chức sản xuất đa dạng như DN, kinh tế hợp tác, trang trại, làng nghề, hộ cá thể. Đời sống, thu nhập của nông dân được nâng cao, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Đã xuất hiện một số chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp như rau an toàn, bò sữa, hợp tác sản xuất giống góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng nông sản, ổn định sản xuất và thị trường. Tính đến nay, trên địa bàn TP có 67 HTX, với 4.081 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn (bình quân 61 xã viên/HTX), 175 tổ hợp tác với 3.572 tổ viên (bình quân 20 người/tổ). Một số HTX tổ chức cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Giai đoạn 2011-2015, Sở NN-PTNT đã phối hợp tổ chức 165 hội nghị giao lưu, kết nối; các hội chợ - triển lãm sản phẩm nông nghiệp của Trung ương, TP và các tỉnh. Hội nghị kết nối và tiêu thụ nông sản VietGAP đến nay đã có 45/48 hợp đồng đang triển khai thực hiện; tổ chức họp giao ban định kỳ giữa các HTX và siêu thị, đã góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản tại TPHCM. Việc liên kết các khâu sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi liên kết hữu cơ đã giúp ổn định sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cho nông sản.

Để có những giải pháp đột phá nhằm hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và góp phần giúp nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, Sở NN-PTNT đề xuất: hỗ trợ HTX nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ nông sản; xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng trong nông nghiệp; các chính sách khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Ông PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch:

Xây dựng văn hóa, con người bản sắc đặc trưng

TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, KH-CN, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới đến nay.

Nhận thức về văn hóa, về vai trò của văn hóa trong đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc; về trách nhiệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân TP đã được nâng lên, thể hiện rõ nét trong nhận thức và hành động về xây dựng con người, được xem là trung tâm, có ý nghĩa chiến lược và quyết định; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, lối sống văn hóa, nếp sống văn minh.

Từ nhận thức trên để phát triển văn hóa và xây dựng con người TPHCM mang nét đặc trưng riêng, cần tập trung vào một số mục tiêu trọng tâm như sau: Thứ nhất, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Thứ hai, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp với 7 đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Thứ ba, xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó chú trọng vai trò gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đến yếu tố văn hóa và con người TP trong phát triển kinh tế. Thực hiện 3 mục tiêu trên sẽ góp phần giúp các ngành các cấp nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm trong việc cụ thể hóa chương trình ngay tại cơ quan, đơn vị và địa phương mình, nhằm chung tay góp sức thúc đẩy văn hóa phát triển và xây dựng tiêu chí con người TP trong thời kỳ mới, giao lưu, hội nhập quốc tế, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa con người TP và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Các tin khác