Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa chia sẻ về 'thiền'

(ĐTTCO) - Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa nổi tiếng với nhiều công trình và giải thưởng trong và ngoài nước theo chủ đề “Xanh”. Những năm gần đây, ông còn được nhắc đến với vấn đề “Thiền”. 

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa chia sẻ về 'thiền'

Phóng viên: - Được biết ông đã có hàng trăm giải thưởng về chủ đề kiến trúc theo xu hướng thân thiện với thiên nhiên môi trường, như nước, gió, xanh… Ông có thể chia sẻ “cơ duyên” đến với ý tưởng “kiến trúc xanh” trong sự nghiệp của mình?

KTS. Võ Trọng Nghĩa: - Các công trình kiến trúc xanh là xu hướng hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, con người tàn phá môi trường, sử dụng tài nguyên bừa bãi, tiêu thụ năng lượng lớn, dẫn đến các hiện tượng cực đoan của khí hậu như bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng… Đây cũng là trách nhiệm của kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, cơ quan chức năng… đối với loài người và trái đất, cho thế hệ hiện tại và thế hệ tiếp theo.

Ngoài ra, sự đô thị hóa quá nhanh, phương tiện giao thông quá nhiều, đường phố chật hẹp, diện tích cây xanh ít, càng làm cuộc sống con người ngột ngạt, xa rời với thiên nhiên, dẫn đến các bệnh về tâm lý ngày càng nhiều và trầm trọng. Không gian xanh trong đô thị ít, cấu trúc xã hội phức tạp, cùng với việc sử dụng tivi, radio, điện thoại, ipad, wifi, mạng xã hội… cũng tác động nhiều đến sức khỏe tâm lý người dân.

Kiến trúc xanh sẽ mang lại thiên nhiên cho các thành phố, góp phần giảm tác động lên môi trường, cũng như kết nối con người gần gũi hơn với thiên nhiên, giúp giảm căng thẳng cũng như các loại bệnh tâm lý.

vtn-7525.jpg

Tôi đến với những công trình kiến trúc gần gũi với thiên nhiên, xanh hóa các công trình… cũng nhằm góp phần “hóa giải” một phần căn bệnh đô thị, chứ chẳng có cơ duyên nào.

- Là KTS nổi tiếng, thành đạt, điều gì đã khiến ông quan tâm đến thiền và dành nhiều thời gian cho thiền?

- Đã có thời gian dù trong tay có rất nhiều giải thưởng, sự nghiệp thành công, công ty phát triển, nhưng tôi luôn thấy bất an, dễ mất bình tĩnh và nóng giận. Sự nóng giận của tôi ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh từ nhân viên công ty đến gia đình. Sau này tôi mới biết đó là trạng thái “trầm cảm ẩn”, nếu không tu tập thiền có thể tôi đã chìm trong đó và đau khổ triền miên.

Từ năm 2012, tôi bắt đầu tìm đến thiền để cân bằng, kiểm soát cảm xúc ít nóng giận hơn. Và từ năm 2017, tôi xác định nghiêm túc giữ giới trọn đời và hành thiền là điều quan trọng nhất với mình. Tại công ty của tôi toàn bộ nhân viên đều ngồi thiền ít nhất 2 giờ/ngày. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đạo đức, tránh xa rượu chè, thuốc lá và dối trá.

Thiền giúp con người tập trung hơn do đó an vui hơn, thông minh hơn và đương nhiên là hiệu quả công việc tốt hơn. Đức Phật dạy thiền là để giác ngộ, tuy nhiên một trong những ứng dụng của thiền là để giúp chữa bệnh về tâm lý rất tốt. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định điều này.

Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, việc tu tập thiền định và chánh niệm có những tác dụng như sau: Hạch hạnh nhân nhỏ lại dẫn đến giảm lo âu, sợ hãi. Trung tâm thông minh tức là não trước (Prefrontal Cortex) cũng phát triển. Kết nối giữa phần não trước và khu vực vùng hạch hạnh nhân (Amygdala) cũng tốt hơn, làm cho người bệnh nhận thức rõ việc gì nên lo lắng, việc gì không. Vì thế quá trình thiền làm giảm triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm.

- Liệu một người với bộn bề lo toan, cơm áo gạo tiền hàng ngày hay lớn lao hơn là lo công ăn việc làm cho nhân viên, sự sống còn của doanh nghiệp, ham muốn quyền hạn chức tước… liệu có đến với thiền được không?

- Càng bận rộn thì càng cần thiền, vì thiền mang lại sự tập trung và an lạc, cũng chính vì thế mục tiêu sẽ càng dễ dàng đạt được hơn. Nhiều người thành công trên thế giới bắt đầu buổi sáng bằng thiền hoặc trước khi đi ngủ sẽ hành thiền.

Trước đây tôi là một người có tính cách nóng nảy, tới mức độ lúc nào cũng thấy như thiêu đốt trong lòng và đau khổ tột cùng không rõ nguyên nhân. Giao tiếp với những người xung quanh là một khó khăn lớn đối với tôi, khiến tôi càng đau khổ thêm. Dù đã dùng đủ mọi cách như đọc sách hay nghe các bài giảng để kiềm chế và giải quyết sự đau khổ nóng giận nhưng vẫn không có kết quả.

Khoảng thời gian 3 năm sau đó, từ 2017-2020, tôi thiền liên tục và gần như không ra khỏi thiền viện để tập trung cho việc thiền. Việc thiền trong 3 năm này giúp tôi giảm các triệu chứng về đau khổ và nóng tính rất nhanh chóng. Thấy được sự kỳ diệu của phương pháp thiền này đối với các loại bệnh tâm lý, tôi đã bắt đầu thử dùng phương pháp này để chữa cho một số người thân bị rối loạn lo âu và trầm cảm thì mới thấy là có kết quả vô cùng nhanh chóng và kỳ diệu.

Thời gian gần đây, tôi đã cùng vợ giúp đỡ những người bị lo âu, căng thẳng vượt qua bệnh tật nhờ vào thiền. Chủ yếu những người giúp trong nhóm là những người đã chứng đắc các tầng thiền định rất thâm sâu rồi, nên việc giúp đỡ cũng tốt hơn.

Đức Phật dạy thiền là để giúp cho loài người thoát khỏi khổ đau, một trong các tác dụng của thiền là hỗ trợ và giúp chữa khỏi các loại tâm bệnh. Nếu tu tập thiền đúng, kết hợp các loại thiền một cách thiện xảo, thì chúng ta hoàn toàn có thể thoát ra khỏi các bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm và các loại bệnh tâm lý khác một cách rất dễ dàng.

- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác