QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀNG

Kìm cương bất ổn giá vàng?

LTS: Báo ĐTTC ngày 22-9 đã đăng bài “Quản lý thị trường vàng - Không thể chần chừ” (trang 8-9), ghi nhận ý kiến nhiều chuyên gia hiến kế về việc ổn định thị trường vàng. Đây là vấn đề rất nóng đang phát sinh trong nền kinh tế và thực tế những ngày gần đây giá vàng trong nước trở nên hỗn loạn. Điều bất bình thường là giá trong nước luôn cao hơn giá thế giới với mức kỷ lục có lúc gần 5 triệu đồng/lượng (vào chiều 26-9). Sự không liên thông giữa 2 thị trường trong và ngoài nước cho thấy cơ quan quản lý đang lúng túng và bị động trong điều hành, ứng phó với tình thế biến động.

LTS: Báo ĐTTC ngày 22-9 đã đăng bài “Quản lý thị trường vàng - Không thể chần chừ” (trang 8-9), ghi nhận ý kiến nhiều chuyên gia hiến kế về việc ổn định thị trường vàng. Đây là vấn đề rất nóng đang phát sinh trong nền kinh tế và thực tế những ngày gần đây giá vàng trong nước trở nên hỗn loạn. Điều bất bình thường là giá trong nước luôn cao hơn giá thế giới với mức kỷ lục có lúc gần 5 triệu đồng/lượng (vào chiều 26-9). Sự không liên thông giữa 2 thị trường trong và ngoài nước cho thấy cơ quan quản lý đang lúng túng và bị động trong điều hành, ứng phó với tình thế biến động.

Lúng túng điều hành

Cho đến nay chưa có cơ quan quản lý nào công bố số liệu thống kê chính thức, nhưng nhiều năm qua Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã đưa ra số liệu ước tính vàng dự trữ của dân Việt Nam ít nhất là khoảng 500 tấn (27 tỷ USD). Kiểm chứng kim ngạch xuất nhập khẩu vàng trong gần 3 năm vừa qua, cho thấy Việt Nam đã xuất 171 tấn vàng; gồm 75 tấn vàng vào năm 2009, 66 tấn năm 2010 và khoảng 30 tấn trong 7 tháng đầu năm 2011, thu về tổng cộng 7,1 tỷ USD. Và ngược lại trong hàng chục năm qua một khối lượng vàng lớn vào nước ta bằng con đường phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.

Nếu giữ vàng không cho xuất khẩu mà chưa có phương thức sử dụng hiệu quả sẽ gây lãng phí cho cả nền kinh tế chứ không riêng gì đối với doanh nghiệp. Trong bối cảnh lạm phát, nhiều doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn tín dụng, nếu có cũng phải chịu đựng mức lãi suất cao, thì một lượng vốn lớn bằng vàng còn nằm yên trong két sắt là điều bất hợp lý. Trước đây có ý kiến cho rằng dân giữ nhiều vàng dẫn tới nền kinh tế bị “vàng hóa”, gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Vậy hạn chế xuất khẩu vàng thì làm thế nào giảm “vàng hóa”? Cần giải quyết mâu thuẫn này để tình trạng “vàng hóa” có thể sớm được “hóa vàng”.

Thị trường vàng có biển hiện lệch pha khi giá thế giới tăng mạnh nhưng giá trong nước tăng không kịp, hoặc giá thế giới giảm nhẹ nhưng giá trong nước giảm mạnh hơn. Sự lệnh pha này buộc người dân, nhà đầu tư đã mua vàng ở mức thấp, nay thấy giá lên đến một mức kỳ vọng nào đó sẽ bán ra chốt lời.

Khi thị trường có nhiều người bán hơn mua, giá trong nước thấp hơn giá thế giới là điều hiển nhiên và các doanh nghiệp kinh doanh vàng sau khi mua của dân phải khẩn trương tìm cách “đẩy hàng” thông qua con đường xuất khẩu. Xuất khẩu vàng trở thành một xu hướng tất yếu khi giá trong nước thấp hơn giá thế giới và thị trường trong nước không thể tự giải quyết, tiêu thụ hết lượng cung vàng áp đảo.

Để hạn chế xuất khẩu vàng, ngày 15-11-2010 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 184/2010/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2011. Theo đó, để hưởng thuế suất 0% sản phẩm vàng xuất khẩu phải có hàm lượng nhỏ hơn hoặc bằng 99% và trọng lượng nhỏ hơn hoặc bằng 1 ounce (oz), nếu không thuế suất sẽ là 10%.

Trong điều kiện thị trường bình thường, mức chênh lệch giá mua-bán vàng niêm yết của doanh nghiệp tối đa vào khoảng 100.000-200.000 đồng/lượng. Với mức giá vàng 40 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 7-2011, doanh nghiệp chỉ lãi 0,25-0,5% cho 1 lượng vàng. Giả sử doanh nghiệp sẵn sàng chịu thuế 10%, họ buộc phải thu lại của khách hàng bằng cách khấu trừ 10% vào giá mua, tương đương tới 4 triệu đồng, đó là điều không tưởng. Có lẽ, Thông tư 184 nhắm đến mục tiêu hạn chế xuất khẩu vàng hơn là thu thuế cho ngân sách.

Thế nhưng, ngày 29-4-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư 11/2011/TT-NHNN quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng có hiệu lực kể từ ngày 1-5-2011. Hai văn bản pháp lý của Bộ Tài chính và NHNN cho thấy cơ quan quản lý vẫn chưa xác định được mục tiêu sẽ làm gì với số vàng dự trữ vài trăm tấn trong dân.

Phải chăng  cơ quan quản lý muốn gửi thông điệp rằng ai đã bỏ tiền ra mua vàng thì hãy tự cất giữ tại nhà? Điều này đồng nghĩa người dân mua vàng phải chịu rủi ro giá vàng giảm sẽ gây lỗ (vì không ai đảm bảo giá vàng sẽ tăng mãi); rủi ro giá bất đối xứng (giá không liên thông) khi bán vàng với giá thấp hơn so với giá thực tế trên thế giới.

Cơ chế xuất - nhập vàng

Có ý kiến cho rằng, bán vàng hay xuất khẩu vàng trong giai đoạn trước tháng 8 là “bán lúa non/bán hớ”. Bởi xuất khẩu vàng với giá 1.600USD/oz, rồi nhập khẩu vàng với giá 1.700USD/oz gây lỗ. Như vậy không xác đáng, vì sự suy diễn chủ quan lấy “hai mảnh” được cắt khúc rời rạc này gán ghép vào nhau. Ngược lại, nếu sau này lại có cơ hội tái xuất với giá 1.900USD/oz từ lô hàng nhập khẩu với giá 1.700USD/oz vừa qua thì sao?

Trên thị trường vàng thế giới, bất cứ lúc nào ta muốn mua/bán, đối tác nước ngoài - nhất là các nhà tạo lập thị trường, luôn sẵn sàng chào giá hai chiều. Chính quy luật cung cầu này làm cho thị trường vàng trở nên hấp dẫn, có tính thanh khoản cao, không bị gián đoạn, không nghiêng lệch một chiều.

Cũng có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý lo ngại nguồn vàng cạn kiệt do xuất khẩu. Tuy nhiên giá cả là yếu tố quyết định thúc đẩy sự vận động của các dòng chảy vàng theo nguyên tắc “bình thông nhau”, dẫn tới xu hướng xuất hoặc nhập khẩu để đưa thị trường tái xác lập vị thế cân bằng. Hơn nữa, nước ta không phải là nước sản xuất vàng chủ lực, nên vàng xuất khẩu phần lớn đều có nguồn gốc từ nhập khẩu trước đó (bằng con đường chính thức hoặc phi chính thức).

Nhu cầu tiêu thụ vàng của đất nước ước tính khoảng 50 tấn/năm, trong khi các mỏ vàng trong nước chạy hết công suất cũng chỉ đạt 2 tấn/năm. Tại một thời điểm nào đó, doanh nghiệp xuất đi mặt hàng đã mua hoặc đã nhập là điều bình thường, các dòng chảy vàng vẫn tiếp tục lưu thông hai chiều ra vào theo quy luật cung cầu, không chỉ hướng tới Việt Nam, mà còn nhắm đến các nước khác. Đến đây câu chuyện hé mở về một thực tế hiển nhiên là việc dự trữ dài hạn đối với vàng không phải là trách nhiệm của người dân hoặc những nhà đầu tư đơn lẻ.

Với quyền năng và công cụ sẵn có, NHNN có đầy đủ nguồn lực để thực hiện việc “giữ vàng dài hạn” tốt hơn nhiều so với người dân. Thay vì dùng biện pháp hành chính quản lý xuất khẩu vàng nêu trên, NHNN có thể tổ chức việc thu mua vàng trong nước (hoặc thông qua một số đơn vị đầu mối) theo giá thế giới quy đổi.

Giải pháp này sẽ đạt ít nhất 4 mục tiêu: Bổ sung vàng trong dự trữ quốc gia để tăng vị thế và sức mạnh can thiệp của NHNN; duy trì được số vàng dự trữ trong nước; tạo niềm tin cho dân khi NHNN sẵn sàng điều tiết hỗ trợ thị trường; thúc đẩy sự cạnh tranh bình đẳng về giá để bảo vệ quyền lợi người dân. Bởi các doanh nghiệp muốn mua được vàng của dân, buộc phải nâng giá lên theo sát giá thế giới hoặc bằng giá chào mua của NHNN. 

Giải pháp “bình thông nhau”

Vấn đề đặt ra với cơ chế mua vàng sát giá thế giới, NHNN sẽ xử lý trạng thái dương vàng ra sao? Với tư cách là chủ thể tham gia thị trường, NHNN cũng sẽ xem xét tìm đầu ra để bảo hiểm rủi ro giá cho lô hàng đã mua.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố cần cân nhắc: Thứ nhất, toàn bộ số vàng vật chất trong kho dự trữ quốc gia đều không sinh lợi. Thứ hai, có vàng chủ động bán can thiệp thị trường khi cần thiết, nhất là khi giá trong nước cao hơn giá thế giới dẫn tới động cơ nhập khẩu vàng.

Thứ ba, bán vàng tài khoản ở nước ngoài để bảo hiểm số vàng vật chất đã mua trong nước. Về mặt kỹ thuật, bán vàng tài khoản cũng xem như “xuất khẩu tại chỗ” hay “xuất khẩu không giao hàng”. Lúc này, NHNN đang nợ nước ngoài vàng tài khoản và phải trả lãi vay vàng tài khoản cho đến khi xuất khẩu vàng vật chất trả nợ hoặc mua vàng tài khoản tất toán trạng thái với nước ngoài.

Thứ tư, nếu vàng rớt giá, NHNN sẽ tiếp tục mua thêm vàng để bình quân giá hoặc tìm hướng xử lý khác. Đây sẽ là tâm điểm gây nhiều tranh luận nhất, vì liên quan đến trách nhiệm xử lý nếu không chuẩn bị kỹ nhiều kịch bản ứng phó.

Vẫn biết giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô mua vàng. Ảnh: LÃ ANH
Vẫn biết giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới
nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô mua vàng. Ảnh: LÃ ANH

Trong lúc các cơ quan quản lý chưa chuẩn bị bài toán căn cơ để sử dụng số vàng dự trữ trong dân một cách hiệu quả, tái xuất khẩu vàng là một giải pháp hợp lý nhất, giúp hài hòa mọi lợi ích của Nhà nước và người dân, ít nhất cũng giảm bớt gánh nặng rủi ro về phía người dân,doanh nghiệp sau khi đã thấy rõ động lực thúc đẩy việc xuất khẩu vàng là để chuyển giao rủi ro cho nước ngoài. Về bản chất, xuất khẩu vàng là sự chuyển hóa từ việc giữ vàng thành giữ VNĐ trong dân, đây chính là yếu tố tích cực khi người dân từ bỏ giữ vàng chuyển sang giữ VNĐ.

Để đạt mục tiêu bình ổn giá vàng trong tình huống giá trong nước cao hơn giá thế giới, NHNN có thể xem xét đưa dự trữ vàng ra bán (nếu có) rồi nhập khẩu lại để cân đối hoặc cấp quota nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung, tức phải có một hành động can thiệp kịp thời để “hạ hỏa những cái đầu nóng”.

Và khi NHNN cấp quota nhập vàng, những ai đang có ý định mua vàng với giá cao sẽ suy nghĩ lại, còn người đang giữ vàng để kỳ vọng giá cao hơn buộc phải bán ra trước khi số lượng vàng nhập khẩu giá thấp sẽ tung ra thị trường. Khi quota nhập khẩu chính thức bị hạn chế, giá trong nước vọt cao hơn giá thế giới là điều tất yếu, có thể dẫn tới hoạt động nhập khẩu vàng phi chính thức. Hoạt động này sẽ thu hút một lượng ngoại tệ mặt trên thị trường, gây áp lực lên tỷ giá.

Khi nhập khẩu vàng với mục đích bình ổn giá, buộc phải sử dụng USD, tức phải chấp nhận sự đánh đổi tiêu tốn USD để có vàng. Ngoại tệ chi ra, nhưng đổi lại có vàng thu vào. Với chức năng bảo toàn giá trị của vàng, nên xem việc nhập khẩu vàng chỉ là sự chuyển hóa hình thái tạm thời từ giữ ngoại tệ thành giữ vàng, để khi cần thiết sẽ tái xuất vàng chuyển hóa, thu hồi lại ngoại tệ.

Để tăng cường nguồn cung ngoại tệ, một số giải pháp chống USD hóa cần phải xem xét thực hiện một cách đồng bộ và triệt để, như chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép trên thị trường, hạn chế tối đa tình trạng găm giữ ngoại tệ của các tập đoàn kinh tế, điều chỉnh linh hoạt giới hạn trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng…

Tóm lại sự liên thông giá vàng không phải là miễn phí. Nói cách khác, trong hoạt động kinh tế muốn đạt được một kết quả nào đó, phải tiêu tốn nguồn lực và chấp nhận sự có đánh đổi, một sự đánh đổi hợp lý và logic trên cơ sở tư duy thị trường.

Các tin khác