Từ nhiều năm qua, dịp tết đã trở thành mùa kinh doanh quan trọng nhất của các hãng phim, các nhà sản xuất. Những con số vài chục tỷ đồng doanh thu và năm sau cao hơn năm trước khiến thị trường phim tết thêm nóng. Nhưng trên thực tế, sự lỗ - lãi ấy đôi khi rất mong manh.
Chạy theo thị hiếu thị trường
Tính đến thời điểm này, mùa tết 2013 sẽ có sự tham gia của 5 bộ phim: “Nhà có 5 nàng tiên” (đạo diễn Trần Ngọc Giàu, nhà sản xuất Sóng Vàng, Century Star, Midi); “Mỹ nhân kế” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà sản xuất và phát hành Galaxy); “Bay vào cõi mộng” (đạo diễn Phương Điền, nhà sản xuất HK film, VT Pro và Rạng Đông); “Lọ lem Sài Gòn” (đạo diễn Kim Guk Jin-Đỗ Mai Nhất Tuấn, nhà sản xuất Meganex Media và Hoàng Thần Tài); “Iêu anh, em zám hôk?” (đạo diễn Nguyễn Quang Minh, nhà sản xuất Phước Sang).
Trong cuộc chiến thỊ phần diễn ra giữa những bộ phim của các nhà sản xuất, phần thắng ít khi phụ thuộc vào chất lượng của bộ phim. Nếu nó có mặt ở những phòng vé đông đúc vào dịp tết, có nghĩa nhà sản xuất đã có nhiều hành động khôn ngoan và kinh nghiệm, sử dụng được thế lực và tiềm lực sẵn có, cũng như các mối quan hệ làm ăn ràng buộc với nhà phát hành và rạp chiếu. Đạo diễn NGÔ QUANG HẢI |
Ngoài ra, còn có một bộ phim gây sốc là “Hit Hoàng tử và Lọ lem” (đạo diễn Ngô Quang Hải, nhà sản xuất Vimax, phát hành Megastar), được khẳng định sẽ ra rạp đúng ngày mùng 1 âm lịch, tức ngày 10-2-2013.
Yếu tố gây sốc không phải nằm trong kịch bản, diễn viên… mà là thời gian hoàn thiện. Theo đoàn làm phim, bộ phim chính thức bấm máy vào ngày 5-1-2013, như vậy tính đến khởi chiếu chỉ khoảng gần 40 ngày. Một mốc thời gian kỷ lục.
Trước đó còn có một số tên “dọa” trình chiếu vào dịp tết như: “Biết chết liền” (đạo diễn Lê Bảo Trung), “Hiệp sĩ guốc vuông” (đạo diễn Chánh Tín) và phim 3D “Thạch Sanh” (đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu).
Song đến phút chót những phim này phải thay đổi lịch phát hành vì nhiều lý do. Như vậy, lượng phim tết năm nay cũng tương đương năm ngoái, chỉ có điểm khác là sự tham gia của một vài nhà sản xuất mới như Rạng Đông, Sóng Vàng… và vắng bóng vài cái tên cũ như BHD.
Tuy nhiên, giới truyền thông quan tâm nhiều nhất trong những bộ phim tết là nội dung. Điểm lại những bộ phim trình chiếu những mùa tết trước, có lẽ Phước Sang là cái tên được gắn liền với biệt danh “hài nhảm”.
Và năm nay, nhà sản xuất này lại phát huy thế mạnh của mình khi cho ra mắt bộ phim ngay tựa đề gây nhiều tranh cãi “Iêu anh, em zám hôk?”. Những bộ phim khác cũng loanh quanh mô típ hài + sao, như “Mỹ nhân kế”. Biện minh về nội dung phim tết, đại diện một nhà sản xuất chia sẻ là những nhà kinh doanh phải theo xu hướng thị trường.
Có không ít bộ phim tự tin là tác phẩm nghệ thuật nhưng lại chưa được công chúng đón nhận. “Có thực mới vực được đạo”, vị này khẳng định và cho biết thêm tác phẩm nào cũng phải có nội dung nhưng quan trọng là có phù hợp với thị hiếu công chúng hay không.
Rủi ro lớn, lợi nhuận cao
Trở lại mùa phim tết năm 2012, mức doanh thu hơn 80 tỷ đồng đang là miếng bánh đầy tính hấp dẫn. Trong đó, riêng phim “Hello cô Ba” của Phước Sang thu về 35 tỷ đồng và “Thiên mệnh anh hùng” 25 tỷ đồng, còn lại 20 tỷ đồng được chia cho 3 phim còn lại.
Riêng 2 bộ phim chủ lực với mức doanh thu khủng cũng thấy sự lỗ, lãi như một lằn ranh. Với “Hello cô Ba” thu về 35 tỷ đồng, theo tính toán những người trong ngành, sau khi trừ chi phí phát hành, đầu tư làm phim, chia phần trăm rạp chiếu, Phước Sang ẵm về khoảng 10 tỷ đồng tiền lãi.
Ngược lại với sự hoan hỉ này, nhà sản xuất phim “Thiên mệnh anh hùng” có mùa phim tết thất bại. Chỉ riêng chi phí đầu tư làm phim đã gần 25 tỷ đồng. Nếu tính các chi phí phát hành khác, bộ phim này có thu về 40 tỷ đồng cũng chưa lời. Rút kinh nghiệm, năm nay các nhà làm phim không dám bỏ ra số tiền khủng như “Thiên mệnh anh hùng”, hầu hết các phim đều có mức đầu tư 7-8 tỷ đồng.
Riêng “Mỹ nhân kế” có mức đầu tư lớn, khoảng 17 tỷ đồng, được dự báo là “bom tấn” mùa phim tết năm nay, bởi sở hữu những mỹ nhân đắt giá của showbiz như Tăng Thanh Hà, Thanh Hằng, Ngọc Quyên… cùng với công nghệ làm phim 3D hiện đại.
Dự báo về doanh thu để có thể thu hồi vốn và tính lời lãi, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Doanh thu 30 tỷ đồng có lẽ vẫn chưa đủ lời. Tuy nhiên, tôi tự tin “Mỹ nhân kế” sẽ thắng vì chúng tôi có dàn diễn viên ngôi sao, có sự hỗ trợ của một công ty truyền thông lớn. Tất nhiên, rủi ro trong kinh doanh vẫn có thể xảy ra”.
Liệu “Mỹ nhân kế” có thể cán đích với doanh thu trên 30 tỷ đồng? Ngoài “Hello cô Ba” đạt doanh thu 35 tỷ đồng năm ngoái, phim Việt cũng chứng kiến một sự soán ngôi đáng kinh ngạc của “Long ruồi” với doanh thu 42 tỷ đồng, dù thời điểm chiếu không phải mùa cao điểm tết.
Vậy có thể hy vọng “Mỹ nhân kế” sẽ làm nên một kỷ lục cho mùa tết năm nay, bởi chỉ cần tiếng tăm của Nguyễn Quang Dũng cũng đã minh chứng cho sự tự tin này.
Xu hướng giới trẻ đến rạp chiếu phim ngày càng nhiều. Ảnh: CAO THĂNG |
Thí dụ phim “Nụ hôn thần chết” đầu tư 5 tỷ đồng, Nguyễn Quang Dũng thu về 16 tỷ đồng, hay “Giải cứu thần chết” có doanh thu hơn 20 tỷ đồng… Việc sở hữu những ngôi sao đình đám trong làng hài, ca nhạc, diễn viên, hotboy, hotgirl… cũng là những yếu tố đẩy kinh phí làm phim lên cao.
Đây có thể xem là cuộc đua nếu ai đứng ngoài sẽ bị bỏ lại. Hoài Linh vốn được xem như “ngôi sao may mắn” của Phước Sang khi những bộ phim có anh tham gia đều mang về doanh thu khủng cho nhà sản xuất này, dù nội dung bị đả kích như “Hello cô Ba”.
Năm nay, Hoài Linh ký độc quyền với nhà sản xuất phim “Nhà có 5 nàng tiên”. Có Hoài Linh, Việt Hương, cùng dàn sao Bảo Anh, Miu Lê… bộ phim này được dự báo sẽ cùng “Mỹ nhân kế” trở thành 2 bộ phim ăn khách, có doanh thu cao mùa tết này.
Tổng chi phí một bộ phim khi ra tới công chúng được tính gồm đầu tư sản xuất phim, phát hành, ăn chia với rạp chiếu. Đó là lý do phim chiếu tết năm nay chỉ dừng ở mức đầu tư 7-8 tỷ đồng. Giả sử phim đầu tư 8 tỷ đồng doanh thu phải 20 tỷ đồng mới hòa vốn, trên số đó bắt đầu có lời.
Trong khi đó, câu chuyện phát hành cũng lắm gian nan. Tại Việt Nam, các nhà phát hành thường không có cụm rạp chiếu được biết đến nhiều như Megastar, Galaxy, Lotte, BHD…
Trong đó mùa tết này ngoài những bộ phim được “chống lưng” bởi các nhà phát hành đồng thời là chủ rạp như “Mỹ nhân kế” với Galaxy, “Hit Hoàng tử và Lọ lem” với Megastar, việc tìm nhà phát hành đưa phim vào rạp không mấy dễ dàng.
Tất nhiên, dù được nhà phát hành là các cụm rạp làm điểm tựa, nhưng nếu nội dung không phù hợp thị hiếu khán giả cũng có thể bị đánh bật khỏi cuộc chơi. Đây là những lo lắng đang được dành cho phim “Hit Hoàng tử và Lọ lem”.
Muốn thắng phải liều
Theo đánh giá chung, phim tết năm nay sẽ lặp lại người lãi lớn, người thua đậm. Ai thắng, ai thua còn phải chờ sau mùa tết này mới biết. Nhưng vì sao biết có thắng có thua nhưng người mới vẫn cứ “nhảy vào”? Nguyên nhân đầu tiên vì sự lời to của một số người đi trước như Phước Sang khiến không ít nhà sản xuất cảm thấy bị “chạm tự ái”. Người ta làm được sao mình không làm được, người ta thắng mình cũng có thể.
Ngay từ ban đầu khi nhận kịch bản bộ phim tôi đã thấy sự độc đáo của nó. Không dám gọi đây là một phim điện ảnh hay nghệ thuật gì lớn lao, nhưng đến thời điểm hiện tại sau khi xem lại bản thô, bản thân tôi tự tin khẳng định: “Nhà có 5 nàng tiên” là bộ phim giải trí có nội dung. Đây không phải là bộ phim hài rẻ tiền nhảm nhí. Đạo diễn, NSND TRẦN NGỌC GIÀU |
Ngoài ra còn một lý do nữa được một số nhà sản xuất lý giải do cũng có người không biết đến chuyện lỗ lãi. Vì thực sự doanh thu ra sao, lỗ lãi như thế nào chỉ có nhà phát hành và nhà sản xuất là biết chính xác. Nhưng có lẽ cái tâm lý muốn thắng phải liều đang ăn dần vào không ít đạo diễn, nhà sản xuất.
Không ít Việt kiều về nước cũng bắt tay vào làm phim, nhưng thành công đến nay mới chỉ gõ cửa 2 cái tên Victor Vũ và Charlie Nguyễn. Dù Victor Vũ dính nhiều nghi án đạo kịch bản nhưng khoản doanh thu khủng mang về cho những bộ phim vẫn đáng nói đến. Còn thất bại của vài đạo diễn Việt kiều giới trong nghề đều biết đến.
Câu chuyện kinh doanh phim tết có lẽ còn nóng trong nhiều năm tới. Rất có thể sang năm thị trường lại chào đón thêm vài cái tên mới nữa. Và người ta lại ngồi bàn về câu chuyện nội dung, câu chuyện lời lỗ trong mỗi bộ phim tết.
Nhưng tranh cãi, chê trách nhau mãi liệu có kết quả? Khán giả cần có sự bắt tay giữa những người làm phim chính thống và người làm phim thị trường để có bộ phim được chào đón. Vì những bộ phim tết dù là hài hay không cũng nên có tính định hướng cho người xem chứ không thể chỉ cười rồi quên, xem đó rồi không biết mình đang xem cái gì.