Để đánh giá khách quan, 2 nhà nghiên cứu đã sử dụng các nguồn dữ liệu từ người tiêu dùng, kiểm tra kênh chéo, phát hành từ các đối tác thương mại quốc tế của Nga… để công bố những phân tích về nền kinh tế hiện tại của Nga trong 5 tháng sau cuộc tấn công Ukraine.
Không thể “chuyển hướng” sang châu Á
Hiện nay, nhiều người tin rằng Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu khí đốt của mình và bán sang châu Á thay cho châu Âu. Nhưng khí đốt tự nhiên không phải là mặt hàng xuất khẩu có thể dễ dàng thay đổi thị trường đối với Nga. Chưa tới 10% công suất khí đốt của Nga là khí đốt tự nhiên hóa lỏng, do đó hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga vẫn phụ thuộc vào hệ thống đường ống cố định để truyền tải.
Phần lớn đường ống của Nga chảy về phía châu Âu. Những đường ống này bắt nguồn từ miền Tây nước Nga, không thể kết nối với mạng lưới đường ống mới ra đời riêng biệt nối Đông Siberia với châu Á, vốn chỉ đạt 10% công suất của mạng lưới đường ống châu Âu. Thực tế, 16,5 tỷ m3 khí đốt Nga xuất khẩu sang Trung Quốc năm ngoái chỉ chiếm chưa đến 10% trong tổng số 170 tỷ m3 khí đốt tự nhiên Nga xuất sang châu Âu. Các dự án đường ống châu Á được lên kế hoạch từ lâu, hiện vẫn đang được xây dựng và khó đi vào hoạt động sớm. Việc cấp vốn cho các dự án đường ống dẫn khí đốt tốn kém này cũng khiến Nga rơi vào tình thế bất lợi đáng kể.
Nhìn chung, Nga cần thị trường thế giới hơn nhiều so với nhu cầu của thế giới về nguồn cung cấp của Nga. Khí đốt xuất khẩu sang châu Âu chiếm 83% lượng xuất khẩu của Nga, nhưng chỉ chiếm 46% nhu cầu của châu Âu vào năm 2021. Với việc kết nối đường ống hạn chế đến châu Á, nhiều khí đốt của Nga vẫn nằm trong lòng đất. Dữ liệu từ công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom cho thấy, doanh số trong tháng 7 đã giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm trước. Nếu ngưng bán khí đốt cho châu Âu, kho bạc của Nga sẽ thất thu đáng kể.
Trung Quốc, Ấn Độ cũng không thể giúp
Xuất khẩu dầu của Nga cũng phản ánh ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị của ông Putin đang giảm sút. Nga hiện có rất ít khách hàng, nên Trung Quốc và Ấn Độ đang ép giá với mức chiết khấu khoảng 35USD khi mua dầu Urals của Nga. Trong lịch sử, giá dầu này với các loại dầu khác chênh lệch chưa bao giờ vượt quá 5USD. Thậm chí, đôi khi dầu Nga còn được bán với giá cao hơn dầu Brent và dầu WTI. Hơn nữa, các tàu chở dầu của Nga phải mất 35 ngày để đến Đông Á, trong khi chỉ cần 2-7 ngày để đến châu Âu. Đó là lý do trong lịch sử chỉ có 39% lượng dầu của Nga đến châu Á so với 53% đến châu Âu.
Áp lực biên lợi nhuận này là vấn đề lớn với Nga, vì nước này vẫn là nhà sản xuất có chi phí tương đối cao so với các nhà sản xuất dầu lớn khác. Lĩnh vực thượng nguồn (thăm dò, khoan và hút) trong công nghiệp dầu khí của Nga từ lâu phụ thuộc vào công nghệ phương Tây. Điều này kết hợp với việc mất thị trường sơ cấp ban đầu và ảnh hưởng kinh tế giảm sút, đã khiến Bộ Năng lượng Nga phải điều chỉnh lại các dự báo về sản lượng dầu dài hạn của mình. Có nghĩa Nga đang đánh mất vị thế siêu cường năng lượng, cũng như không còn là nhà cung cấp hàng hóa đáng tin cậy hàng đầu.
Nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nội địa của Nga, chiếm khoảng 20% GDP. Dù Tổng thống Putin đặt mục tiêu tự cung tự cấp hoàn toàn, Nga vẫn cần các đầu vào, bộ phận và công nghệ quan trọng từ các đối tác thương mại. Do các lệnh cấm vận, hàng hóa nhập khẩu của Nga đã giảm hơn 50% trong những tháng gần đây, ngay cả từ Trung Quốc.
Theo công bố hàng tháng gần đây nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này sang Nga đã giảm mạnh hơn 50% từ đầu năm đến tháng 4, giảm từ hơn 8,1 tỷ USD hàng tháng xuống còn 3,8 tỷ USD. Vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn gấp 7 lần Nga, nên có vẻ như các công ty Trung Quốc cũng không muốn đi ngược lại ý chí của Washington.
Tiêu dùng yếu, tháo vốn mạnh, dự trữ cạn kiệt
Một số lĩnh vực phụ thuộc nhiều nhất vào chuỗi cung ứng quốc tế đã chứng kiến giá cả tăng 40-60%, với khối lượng bán hàng cực kỳ thấp. Thí dụ, doanh số bán ô tô nước ngoài ở Nga giảm trung bình 95% tại các công ty lớn. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, giá cả tăng vọt và tâm lý người tiêu dùng chán nản, các chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Nga giảm mạnh, đặc biệt đối với các đơn đặt hàng mới, cùng với sự sụt giảm trong chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán lẻ khoảng 20% so với năm ngoái.
Dữ liệu về doanh số thương mại điện tử trong Yandex và lưu lượng truy cập tại các trang web bán lẻ trên khắp nước Nga cũng cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong chi tiêu tiêu dùng. Các doanh nghiệp toàn cầu đại diện cho khoảng 12% lực lượng lao động của Nga (5 triệu công nhân), và hơn 1.000 công ty (chiếm khoảng 40% GDP) đã cắt giảm hoạt động ở nước này. Việc doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Nga sẽ làm mất nhiều việc làm, đặc biệt đối với những công nhân có trình độ kỹ thuật cao.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga, Nga sắp chạm mức thâm hụt ngân sách tương đương 2% GDP, bất chấp giá năng lượng cao. Đây là hậu quả của sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu quân sự, cùng với đó là những biện pháp can thiệp tài chính và tiền tệ không bền vững, thiếu sáng tạo, bao gồm hàng loạt dự án ngốn tiền của Điện Kremlin, tất cả đều góp phần làm cho nguồn cung tiền ở Nga tăng gần gấp đôi kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Thách thức rõ ràng nhất đối với quỹ dự trữ của Nga là 300 tỷ USD đã bị đóng băng ở Mỹ và các nước đồng minh, tương đương 50% quỹ dự trữ Moscow phải tích lũy qua nhiều năm. Dự trữ ngoại hối còn lại của ông Putin đang giảm ở mức báo động, đã mất khoảng 75 tỷ USD kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Về mặt kỹ thuật, các tổ chức tài chính như Gazprombank vẫn có thể tích trữ lượng dự trữ đó thay cho ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, Gazprombank cũng đang trong tình trạng “ốc chưa mang nổi mình ốc”.
Hiện phương Tây vẫn chưa có ý định chấm dứt việc tung ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, càng làm khó cho nền kinh tế nước này. |