Kinh tế phục hồi chưa bền vững

Báo ĐTTC số 663 ra ngày 26-9-2013 trên mục Chủ điểm-Sự kiện có bài: “Kinh tế 9 tháng năm 2013 – Đã phục hồi nhưng vẫn lo”. Trong đó phân tích việc phục hồi này từ các số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) với nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đã được cải thiện và tăng dần, nhưng kèm theo đó là những lo ngại kinh tế chưa thể thoát đáy. Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 diễn ra cuối tuần qua ở TP Huế, nhiều chuyên gia cũng có cùng quan điểm này. Tòa soạn xin trích đăng ý kiến của TS. Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xung quanh vấn đề này.

Báo ĐTTC số 663 ra ngày 26-9-2013 trên mục Chủ điểm-Sự kiện có bài: “Kinh tế 9 tháng năm 2013 – Đã phục hồi nhưng vẫn lo”. Trong đó phân tích việc phục hồi này từ các số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) với nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đã được cải thiện và tăng dần, nhưng kèm theo đó là những lo ngại kinh tế chưa thể thoát đáy. Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 diễn ra cuối tuần qua ở TP Huế, nhiều chuyên gia cũng có cùng quan điểm này. Tòa soạn xin trích đăng ý kiến của TS. Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xung quanh vấn đề này.

2013 - Hệ quả từ 2008

Những khó khăn của kinh tế đặt ra từ đầu năm 2013 là hệ quả của giai đoạn từ năm 2008. Thực ra bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi có ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế nước ta, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là từ nội tại của nền kinh tế; sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng; nhận thức không đúng mức “căn bệnh” của nền kinh tế; thực thi các giải pháp ngắn hạn nhằm đối phó với tình hình đã làm cho thị trường mất phương hướng…

Nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô”, kết quả của năm 2013 là tích cực. Nhưng những chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau; thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch. Do vậy bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 và 2015 phải được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cuối năm nay.

Có thể nhìn rõ nhất khi bước vào năm 2012, với hệ quả của các biện pháp giảm tổng cầu (chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt theo Nghị quyết 11 của Chính phủ), đã tác động kìm hãm sức mua của thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản, giải thể có xu hướng tăng nhanh từ đầu năm. Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) từ quý IV-2011 lâm vào nguy cơ đổ vỡ dây chuyền do mất thanh khoản của một nhóm NHTM yếu kém; nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt các khoản tín dụng về bất động sản và cung cấp tín dụng tập trung thái quá vào một nhóm tập đoàn kinh tế, kể cả khu vực tư nhân làm tăng tính rủi ro của tín dụng và sự kém hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực tài chính.

Do vậy, từ quý II-2012 nền kinh tế nước ta thể hiện rõ nét đặc điểm “cơ thể vừa thiếu máu, vừa không tiếp nhận được máu”. Doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động nhưng NHTM không tăng được tín dụng, “sức khỏe” của nền kinh tế suy giảm nặng, niềm tin thị trường giảm sút, doanh nghiệp thiếu phương hướng hoạt động.

Từ quý II-2012, Chính phủ triển khai Nghị quyết 13 nhằm kích thích tăng tổng cầu và hỗ trợ thị trường. Chính sách tiền tệ tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, 6 lần giảm lãi suất huy động tiền gửi, hạ lãi suất cho vay xuống dưới 15%/năm, đồng thời tập trung xử lý thanh khoản của NHTM thông qua việc “bơm” thêm tiền cho hệ thống bằng các công cụ của NHNN…

Nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn rơi vào tình trạng “thừa tiền nhưng thiếu vốn”. Chính sách tài khóa phần nào nới lỏng đầu tư công theo mức bội chi ngân sách, thực hiện giải ngân theo kế hoạch và phát hành trái phiếu trong kế hoạch được Quốc hội cho phép; tăng lương cơ bản vào ngày 1-5-2012; thực hiện biện pháp hoãn thuế…

Những nỗ lực nêu trên đã mang lại những kết quả nhất định, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã dừng lại trong quý I-2012 và đã tăng trở lại từ quý II, dù mức tăng khá chậm: GDP quý I tăng 4%; quý II tăng 4,66%; quý III tăng 5,6% và cả năm 2012 tăng 5,03%.

CPI theo chiều hướng giảm, thậm chí trong 2 tháng 6 và 7-2012 tăng trưởng âm; CPI cả năm chỉ tăng 6,81% so với cuối năm 2011... Tuy nhiên, những khó khăn của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể, mà tất cả dồn sang năm 2013 do hệ quả để lại sau 6 năm bất ổn kinh tế vĩ mô.

Chưa thoát khỏi trì trệ

Bước vào năm 2013, về cơ bản nền kinh tế đang đối diện với 4 thách thức ngắn hạn. Thứ nhất, nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường. CPI  9 tháng năm 2013 đã tăng 4,63% so với tháng 12-2012, nên nguy cơ lạm phát vẫn “rình rập” khi mà nguyên nhân bên trong của nền kinh tế chưa được giải quyết.

Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, khó đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống NHTM, nên sẽ không kích thích được các doanh nghiệp đang có thị trường mở rộng đầu tư, dễ phát sinh nguy cơ làm tăng nợ xấu.

Thứ tư, những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện, việc xử lý nợ xấu của NHTM cũng sẽ khó khăn.

Lễ thông xe đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài.

Lễ thông xe đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài.

Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (8-11-2012) đã đề ra các chỉ tiêu kinh tế: GDP tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; tổng vốn đầu tư  phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tạo việc việc làm cho khoảng 1,6 trịêu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Tuy nhiên, diễn biến tình hình kinh tế đến nay cho thấy mục tiêu chung nhất là tốc độ tăng GDP cả năm chỉ có thể đạt được ở mức 5,2% (6 tháng đấu năm tăng 4,9%, 6 tháng cuối năm có thể đạt mức 5,5%). Kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt được mức tăng hơn 10% (khoảng 127 tỷ USD), nhưng mức tăng của kim ngạch xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI, còn khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được cải thiện so với năm 2012.

Tỷ lệ nhập siêu ước khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng việc giảm nhập siêu chưa phải là sự cải thiện tích cực cán cân thương mại quốc tế, mà chủ yếu do nhập khẩu tăng chậm (khi nền kinh tế khởi sắc, tín dụng tăng, đầu tư tăng, sức mua thị trường nội địa tăng lại, nhập siêu sẽ tăng mạnh). CPI ước khoảng 7%, thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra (8%), song nếu không phối hợp tốt giữa 3 nhóm chính sách tiền tệ, công chi và điều chỉnh giá những hàng hóa dịch vụ công sẽ khó kiềm chế được CPI theo mục tiêu.

Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội khó đạt được mức 30% GDP, do nền kinh tế đang bị “nghẽn” hấp thụ tín dụng, trong khi đầu tư của mọi thành phần kinh tế đều dựa chủ yếu vào tín dụng. Các chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ  lệ thất nghiệp rất khó đánh giá vì tính khả tín của số liệu công bố, bởi với mức tăng GDP khoảng 5% không thể tạo ra đến 1,6 triệu việc làm và mức thất nghiệp ở đô thị chỉ có 4%.         

Triển vọng từ năm 2014?

Những khó khăn đặt ra trong năm 2013 (như đã nêu trên) vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2014. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm; khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn; khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng, nhưng không có sự đột biến trong năm 2014; nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi vể cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013; khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013, nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế.

Bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 sẽ sáng hơn 2 năm 2012-2013. Do đó có thể dự báo trong năm 2014 tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%. Nhiệm vụ chính trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Do vậy về ngắn hạn, nhiệm vụ hàng đầu vẫn là giải quyết nợ xấu của NHTM để xử lý điểm nghẽn tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn, trong đó phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản ngân sách đang nợ doanh nghiệp.

Điều chỉnh lại Nghị quyết 02 của Chính phủ phần liên quan đến gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản theo hướng kích thích phân khúc thị trường nhà ở “phổ thông”. Hỗ trợ trực tiếp người mua, chứ không hỗ trợ người bán.

Về trung hạn, thứ nhất, chính sách chủ đạo là thực hiện “lạm phát mục tiêu”, với mức tăng CPI khoảng 7% mỗi năm trong 3 năm 2013-2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. Có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và thị trường hóa giá cả một số loại dịch vụ công Nhà nước đang còn quy định giá và chính sách ngoại thương. Chấm dứt tình trạng ban hành các giải pháp theo kiểu “ăn đong” như vừa qua. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động.

Thứ hai, từ chính sách “lạm phát mục tiêu”, chính sách tiền tệ và tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội từ 30-32% GDP trong 3 năm sắp đến. Ở đây đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, huy động các nguồn lực bổ sung cho nhau.

Thứ ba, trước mắt trong 2 năm 2013 và 2014 cần mạnh dạn tăng công chi dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Cụ thể, tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay; phát hành trái phiếu Chính phủ ngoài định mức 45.000 tỷ đồng/năm như Quốc hội đã cho phép nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở, nhưng ý thức việc phải bảo đảm an toàn của nợ công.

Trong tình thế hiện nay, chính đầu tư công là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Một khi nền kinh tế hấp thụ được vốn tốt hơn, có điều kiện để tăng tín dụng sẽ giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, cân bằng mức nợ công như Quốc hội đã cho phép.

Thư tư, đột phá tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vì đây là nhân tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Lực lượng DNNN không làm thay thị trường, nhưng là một lực lượng rất quan trọng để bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Trên quan điểm đó, không thể thành công nếu tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng rẽ, mà phải thực hiện trên tổng thể lực lượng DNNN hiện hữu.

Các tin khác