Kinh tế quý I-2024, lạc quan có chừng mực

(ĐTTCO) - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy những tín hiệu lạc quan, nhưng theo các chuyên gia của chính cơ quan này, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những yếu tố “mong manh”, dễ bị tổn thương.

Kinh tế quý I-2024, lạc quan có chừng mực

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm từ 2020-2023. Theo kịch bản nêu tại Nghị quyết 01/2024 của Chính phủ (mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6-6,5%; trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%), có thể nói quý I đã “hoàn thành nhiệm vụ”.

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại cũng diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao…

Song vẫn còn rất nhiều yếu tố cần theo dõi sát sao, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng. Trong nước, tăng trưởng quý I cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây so với cùng kỳ, nhưng là trên nền tăng trưởng thấp của quý I-2023.

Tính ra, tốc độ tăng trưởng quý I năm nay chỉ tương đương với tốc độ tăng của quý I các năm 2020, 2021 (là 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19) và vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của các năm trước dịch.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, cho thấy sản xuất công nghiệp tuy có tăng, nhưng mức độ chuyển biến còn chậm.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, một thước đo quan trọng khác về “sức khỏe” của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân, cũng chưa đạt được như thời điểm trước dịch Covid-19. Mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I vẫn giảm 3,3 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 11,5%/năm giai đoạn 2015-2019.

Trong rất nhiều việc cần làm để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại, điểm sáng xuất nhập khẩu cần nhân rộng thông qua việc tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Cùng với đó là xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu… Đặc biệt, để tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cần sớm có những giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện ngay trước những tháng cao điểm mùa khô trong quý II và III.

Ở góc độ sử dụng, Chính phủ cũng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; tiếp tục phát huy nội lực của thị trường dân số hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng.

Các giải pháp đồng bộ từ cả 2 phía sản xuất và sử dụng sẽ là cơ sở để nền kinh tế có thể hoàn toàn hồi phục trước cuối năm 2024, chuẩn bị cho năm 2025 “tăng tốc”.

Các tin khác