Tuy vậy, điểm xuất phát và nỗ lực tăng tốc của các nước ASEAN-6 có sự khác biệt đáng kể. Ngay trong từng quốc gia, cơ hội không như nhau cho các nhóm doanh nghiệp và người dân. Ai có nguy cơ sẽ bị bỏ rơi trong cuộc chuyển đổi mạnh mẽ này?
Trong các nước ASEAN-6, những năm gần đây đã chứng kiến sự phát triển kinh tế số ngoạn mục của Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Singapore. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các nước này đều có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động trên 100% dân số như Việt Nam, Singapore và Indonesia lên đến 150%. Tỷ lệ người dân sử dụng internet và mạng xã hội cũng tăng nhanh, chẳng hạn như Singapore 84%, ở Malaysia 79% và Việt Nam là 67%.
Tuy vậy, cấu trúc kinh tế của các nước ASEAN vẫn dựa trên một trụ cột rất quan trọng là kinh tế cá thể, hộ gia đình dưới dạng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Xét về quy mô, các doanh nghiệp này ước tính chiếm từ 88,8% đến 99,9% tổng số doanh nghiệp, thu hút khoảng 51,7-97,2% lao động, đóng góp 30-53% GDP và 10-29,9% tổng giá trị xuất khẩu.
Kinh tế số ở các nước ASEAN hiện nay phát triển rất mạnh trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, các phương thức thanh toán điện tử, ứng dụng đặt xe và giao nhận hàng hóa, ứng dụng của công nghệ trong dịch vụ tài chính (fintech). Song cơ hội tham gia không được chia đều giữa các doanh nghiệp hay người dân.
Yếu tố thứ nhất là hạ tầng. Mặc dù tỷ lệ sử dụng điện thoại đi động ở các nước ASEAN cao, nhưng chất lượng hạ tầng có sự chênh lệch đáng kể giữa thành thị và nông thôn. Độ phủ sóng mạng điện thoại di động, công nghệ sử dụng 3G hay 4G, chất lượng đường truyền chưa có sự đồng nhất giữa các vùng miền.
Hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng miền, hệ thống logistics cũng là một rào cản tham gia vào thương mại điện tử của các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.
Yếu tố thứ hai là khả năng tiếp cận dịch vụ công nghệ thông tin để tham gia vào kinh tế số hóa. Mặc dù giá cả các thiết bị điện công nghệ tử có xu hướng ngày giảm, nhưng vẫn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong thu nhập của người dân hay doanh nghiệp. Lấy ví dụ như một tài xế xe ôm công nghệ, đầu tư một điện thoại thông minh có chất lượng tương đối để phục vụ công việc cũng là một khoản đầu tư đáng kể.
Yếu tố thứ ba là sự chủ động tham gia vào kinh tế số của doanh nghiệp và người dân. Nhiều nghiên cứu và khảo sát đã cho thấy sự sẵn sàng về kiến thức và kỹ năng còn rất hạn chế ở các nước ASEAN, nhất là ở những quốc gia có quy mô dân số lớn. Sự hạn chế này một phần là do các rào cản khách quan trong việc tiếp cận, nhưng cũng một phần do chủ quan không muốn thay đổi thói quen, lối sống, phương thức kinh doanh trước đây.
Yếu tố thứ tư nhưng lại rất quan trọng là các chính sách của chính phủ. Các chính sách như một lực đẩy chủ đạo trong việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào kinh tế số với vai trò cung cấp hạ tầng, không gian giao dịch, giải pháp số. Các chính sách cũng khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng về kinh tế số và thấy được lợi ích khi tham gia.
Như vậy hạ tầng, cơ hội tiếp cận và các chính sách của chính phủ có vai trò rất lớn trong việc quyết định sự tham gia vào cuộc chuyển đổi sang kinh tế số của rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, người dân. Trong hành trình này, có những người lên trước hoặc lên kịp chuyến tàu, nhưng cũng sẽ có người bị lỡ và không biết có còn cơ hội khác cho họ không.