Kinh tế thế giới 2011 - một năm đầy biến động

Kể từ khi Khởi phát cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, có thể 2011 là năm nhiều biến động nhất. Hãy cùng ĐTTC nhìn lại những sự kiện kinh tế-tài chính của năm qua theo trình tự thời gian và hy vọng năm mới sẽ có nhiều hơn những tin vui, bớt đi những sự kiện khiến mọi người lo lắng.

Kể từ khi Khởi phát cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, có thể 2011 là năm nhiều biến động nhất. Hãy cùng ĐTTC nhìn lại những sự kiện kinh tế-tài chính của năm qua theo trình tự thời gian và hy vọng năm mới sẽ có nhiều hơn những tin vui, bớt đi những sự kiện khiến mọi người lo lắng.

Đảng Dân chủ mất kiểm soát Hạ viện

Thế giới mở đầu năm 2011 với tin tức về chiến thắng của đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ, một tin thoạt nghe tưởng chừng không liên quan gì đến kinh tế-tài chính.

Tuy nhiên, việc đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện, trong khi đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện và trong Nhà Trắng, đã đẩy Hoa Kỳ vào tình thế không có lực lượng chính trị nào chiếm ưu thế tuyệt đối, dẫn đến sự nhùng nhằng trong tất cả quyết sách về kinh tế-tài chính ở nền kinh tế quan trọng nhất hành tinh.

 Manh nha cuộc chiến ngân sách

Một dấu hiệu mở đầu cho những bất đồng trong các quyết sách kinh tế-chính trị Hoa Kỳ, ngày 14-2 Tổng thống Barack Obama dưới áp lực của đảng Cộng hòa đã đưa ra đề xuất ngân sách theo đó sẽ cắt giảm 4.000 tỷ USD trong 12 năm, với nhiều khoản cắt giảm trong các lĩnh vực công đi ngược lại những tiêu chí của đảng Dân chủ xưa nay.

Tuy nhiên, đề xuất này không được Hạ viện thông qua, mở màn cho một “cuộc chiến ngân sách” gay cấn chưa từng có trên chính trường Hoa Kỳ.

 Thảm họa kép ở Nhật Bản

Cơn động đất 9 độ richter kèm theo sóng thần ngày 11-3 cướp đi sinh mạng ít nhất 16.000 người, hơn 12.000 người mất tích, gây thiệt hại ước tính lên đến 309 tỷ USD và đẩy kinh tế Nhật Bản vào suy thoái kép từ tháng 5.

Động đất và sóng thần cũng khiến xứ Phù Tang lâm vào thảm họa hạt nhân ở mức cao nhất (mức 7) khi nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima hư hại. Hàng chục nghìn người phải sơ tán vì lo ngại nhiễm phóng xạ.

Các công ty toàn cầu có trụ sở ở Nhật Bản phải đóng cửa các nhà máy do hư hại, dẫn đến tình trạng thiếu linh kiện trầm trọng.

Ngành công nghiệp điện hạt nhân cũng rơi vào khủng hoảng khi quốc hội nhiều nước đòi xét lại chính sách điện hạt nhân, nổi bật là việc Đức quyết định sẽ đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân trong nước.

 Hạ viện “sửa lưng” Nhà Trắng

Cuộc chiến ngân sách ở Đồi Capitol trở nên nóng bỏng. Ngày 15-4, Hạ viện thông qua dự luật ngân sách năm 2012, nhưng tất cả đại biểu Dân chủ đều bỏ phiếu chống.

Dự luật do Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan  đưa ra khác với đề xuất của Tổng thống Obama trước đó khi đặt mục tiêu cắt giảm 6.200 tỷ USD chi tiêu liên bang trong vòng 10 năm.

Dự luật ngay lập tức bị Thượng viện bỏ phiếu hủy. Cuộc chiến ngân sách bắt đầu chuyển sang cuộc khủng hoảng trần nợ công, khi chính phủ Hoa Kỳ có nguy cơ đóng cửa nếu không có được một đạo luật ngân sách mới, bao gồm việc nâng trần nợ công đúng thời hạn.

 Giám đốc IMF dính bê bối tình dục

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominic Strauss-Kahn bị bắt với cáo buộc tấn công tình dục một cô hầu phòng khách sạn.

Nhiều người đồn đoán có thể ông Strauss-Kahn bị gài bẫy vì là một ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế Tổng thống Pháp.

Cũng có người tin rằng ông bị gài bẫy để mất quyền điều hành nơi IMF, do đã có nhiều động thái bênh vực quyền lợi của các nước mới nổi ở định chế này.

Hy Lạp lộ nguy cơ vỡ nợ

Sau gần 1 năm được ứng cứu, Hy Lạp lại manh nha những nguy cơ vỡ nợ, khiến các nhà cho vay quốc tế phải gia tăng sức ép để Hy Lạp đưa ra một kế hoạch khắc khổ mới.

Việc này làm bùng phát làn sóng biểu tình của người dân Hy Lạp phản đối những chính sách khắc khổ do chính phủ đưa ra. Gai góc thực sự của cuộc khủng hoảng nợ công ở lục địa già dần phơi bày và nguy hiểm hơn những gì người ta vẫn tưởng.

 Công bố nạn đói ở Sừng châu Phi

Ngày 12-7, thế giới đau đớn khi Liên hiệp quốc công bố nạn đói ở các vùng thuộc Somalia. Cuộc chiến chống đói nghèo của nhân loại dường như đã thất bại, hàng chục ngàn người Somalia chết đói, trong khi hàng trăm ngàn người khác phải tỵ nạn sang Kenya và các nước lân cận.

Tháng 7 thế giới cũng phát nóng với bê bối nghe lén điện thoại của News of the World, tờ báo của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch.

 Hoa Kỳ mất tín nhiệm đỉnh

Sau nhiều tháng đấu đá, 2 đảng ở Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ đã kịp đưa ra Đạo luật Kiểm soát ngân sách ngay trước hạn chót 0 giờ ngày 3-8.

Tuy nhiên, nỗ lực đó vẫn không giải quyết được núi nợ trên 14.000 tỷ của Hoa Kỳ. Ngày 5-8, hãng đánh giá tín nhiệm S&P lần đầu tiên trong lịch sử hạ mức tín nhiệm của Hoa Kỳ từ mức đỉnh AAA xuống AA+.

Chỉ trong vòng 1 ngày, chỉ số S&P 500 bị thổi bay 1.000 tỷ USD. Sự hoảng loạn còn được nhìn thấy trên các thị trường hàng hóa. Từ mức trên 100USD/thùng, giá dầu lao xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011, 79USD/thùng vào ngày 9-8.

Ngược lại, sự hoảng loạn khiến giá vàng liên tiếp lập đỉnh, đạt mức 1.911USD/ounce vào ngày 23-8 và 1.921,15USD/ounce vào ngày 6-9.

 “Chiếm Phố Wall” lan rộng toàn cầu

Thất bại của Nhà trắng trong việc kiềm chế nợ công và sự điên đảo của thị trường tài chính là những giọt nước tràn ly cho làn sóng “Chiếm Phố Wall” bùng phát.

Bắt đầu ngày 17-9 từ công viên Zucotti ở Hạ Manhattan, Hoa Kỳ, phong trào “Chiếm Phố Wall” đã lan ra khắp nước và nhiều quốc gia, đang đe dọa sự ổn định chính trị-xã hội tại nhiều nước.

Phong trào này phản đối sự hung hãn và tham lam của giới tài chính, ảnh hưởng của giới tài chính lên nền chính trị, ảnh hưởng của tiền và các tập đoàn đối với thể chế dân chủ.

 MF Global sụp đổ

Ngày 26-10, cuộc họp thượng đỉnh của EU đã đưa ra một kế hoạch được đánh giá khả thi nhất trong số các lần họp thượng đỉnh để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro như liệu việc hủy 50% nợ được các chủ nợ chấp nhận trên tinh thần tự nguyện hay không.

Tháng 10 cũng chứng kiến trận lũ lụt tồi tệ nhất 70 năm ở Thái Lan, làm hơn 600 người chết, nền kinh tế hầu như đóng băng, nhiều nhà máy của các công ty nước ngoài phải đóng cửa, đầu tư nước ngoài vào Thái Lan cũng bị sụt giảm theo.

Ngày 31-10, công ty môi giới tài chính tầm cỡ toàn cầu MF Global, nộp đơn phá sản vì các khoản đầu tư nhiều rủi ro vào thị trường trái phiếu các nước nặng nợ ở châu Âu. Vụ phá sản được ví như vụ sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008, có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền một làn sóng khủng hoảng mới.

 Nhiều nguyên thủ mất chức vì khủng hoảng

Đây là giai đoạn cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu bắt đầu nhe nanh múa vuốt một cách dữ tợn. Sự thất bại trong việc kiềm chế cuộc khủng hoảng này đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục lao dốc.

Cuộc khủng hoảng nợ là nguyên nhân chính khiến Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou phải từ chức vào ngày 6-11, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi (ảnh) phải cuốn gói ra đi sau đó 2 ngày.

Tính đến nay, cuộc khủng hoảng nợ công đã khiến 6 vị thủ tướng ở Eurozone phải ra đi.

 Khả năng rời bỏ EU của Anh

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu diễn biến ngày một xấu. Nó không chỉ gây chia rẽ giữa người dân với các chính phủ do việc triển khai những chính sách khắc khổ, mà còn gây chia rẽ ở những người thuộc hàng lãnh đạo cao nhất.

Không chỉ Eurozone có nguy cơ sụp đổ, mà EU cũng có rủi ro này khi Anh đơn phương phủ quyết hiệp ước của liên minh tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 9-12. Đáng lo hơn, các cuộc khảo sát cho thấy hơn 50% cử tri Anh muốn đất nước tách khỏi EU.

Rủi ro tăng cao khiến các công ty đánh giá tín dụng (CRA) đua nhau hạ bậc các ngân hàng châu Âu và Hoa Kỳ, làm dấy lên nghi ngại thế giới sắp bước vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới.

Tháng 12 cũng ghi nhận những phiên lao dốc không phanh của giá vàng. Từ đỉnh cao trên 1.800USD/ounce, giá vàng có lúc rơi xuống mức dưới 1.600USD/ounce.

Các tin khác