Một nhà máy sản xuất ô tô tại Đức
Tác động nặng nề
Dự báo này đồng nghĩa cho thấy đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Báo cáo của WB cũng dự báo hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) dự kiến giảm 2,5% trong năm nay, sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua.
Thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm 3,6% và điều này sẽ khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trong năm nay. Các quốc gia có đại dịch xảy ra nghiêm trọng nhất và những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, du lịch, xuất khẩu hàng hóa và tài chính bên ngoài sẽ bị tác động nặng nề nhất. Mặc dù mức độ gián đoạn sẽ khác nhau theo từng khu vực, tuy nhiên tất cả EMDE đều bị tổn thương và tổn thương này sẽ còn nghiêm trọng hơn do các cú sốc từ bên ngoài.
Theo dự báo, khi đại dịch bị đẩy lùi và các biện pháp hạn chế trong nước được dỡ bỏ ở các nền kinh tế phát triển và sau đó ở toàn bộ EMDE, tác động tiêu cực toàn cầu sẽ giảm và sự hỗn loạn trong thị trường tài chính không kéo dài, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ tăng trở lại mức 4,2% vào năm 2021 khi các nền kinh tế phát triển tăng 3,9% và EMDE tăng trở lại 4,6%. Tuy nhiên, triển vọng trên rất không chắc chắn bởi có nhiều rủi ro, trong đó có khả năng đại dịch kéo dài hơn, biến động tài chính và sự tê liệt các mối liên kết thương mại và cung ứng toàn cầu. Kịch bản ngược lại này có thể dẫn tới nền kinh tế toàn cầu giảm tới 8% trong năm nay cùng với sản lượng của EMDE giảm gần 5%, sau đó là sự phục hồi chậm chạp 1% vào năm 2021.
Điểm sáng châu Á
Báo cáo của WB là một bằng chứng cho thấy, kinh tế thế giới vẫn đang đứng trước những thách thức lớn ngay cả khi các nước bắt đầu nối lại một phần hoạt động kinh tế sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch bệnh. Tại Mỹ, tâm dịch Covid-19 của thế giới, nền kinh tế được dự báo suy giảm 6,1% trong năm nay. Theo Văn phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), những chỉ dấu tiêu cực của nền kinh tế Mỹ đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước này kể từ năm 1854. Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) dự báo giảm 9,1%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, châu Á có thể đóng vai trò đầu tàu trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các nền kinh tế châu Á phải đối mặt với dịch bệnh sớm hơn Mỹ và châu Âu, bởi vậy về lý thuyết có thể sớm vượt qua khủng hoảng do thành công của các biện pháp phong tỏa và kiểm dịch. Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm nội khối (GDP) của các nước ASEAN có thể đạt 8% vào năm 2021 sau khi rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ tăng trưởng âm 3,2% trong tài khóa hiện tại, mức thấp nhất kể từ năm 1979.
Giới chuyên gia cho rằng, trong những tháng tới, nhiều nước có thể sẽ áp dụng các biện pháp kích thích bổ sung để giúp vực dậy nền kinh tế đang oằn mình trước tác động của dịch bệnh. Tăng trợ cấp cho người lao động và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp là những đề xuất trong ngắn hạn có thể được xem xét thực hiện. Trong dài hạn, triển vọng tăng trưởng u ám nhiều khả năng sẽ buộc các chính phủ phải thực hiện các chương trình cải cách toàn diện để giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch.