Kinh tế Trung Quốc có phục hồi tốt như số liệu chính thức?

(ĐTTCO) - Khi nhiệt độ giảm mạnh và sương mù dày đặc quay trở lại Bắc Kinh vào đêm cuối cùng của kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng” gần đây, hầu hết các nhà hàng và cửa hàng ở trung tâm thành phố đều đóng cửa sớm. 
Ảnh: CGTN
Ảnh: CGTN

'Anh em giao hàng' ngày càng đông đúc

Nhưng Chai Fengning vẫn đi qua các con phố trên chiếc xe đạp điện màu đen, nổi bật trong bộ đồng phục màu vàng rực rỡ và đội mũ bảo hiểm xác định anh là nhân viên của Meituan - dịch vụ giao hàng theo yêu cầu lớn nhất ở Trung Quốc.

Chàng trai 23 tuổi này đã trở thành tài xế giao đồ ăn toàn thời gian vào tháng trước sau khi đại dịch covid-19 ảnh hưởng đến ngành khách sạn và khiến anh mất công việc lễ tân khách sạn.

Anh Chai nằm trong đội quân giao hàng ngày càng tăng của Trung Quốc - được gọi thông tục là “anh em giao hàng” - thường xuyên được nhìn thấy len lỏi khắp các con phố trên những chiếc xe tay ga của họ.

Kể từ khi lệnh phong toả áp dụng lần đầu tiên vào đầu năm nay, lĩnh vực chuyển phát bùng nổ đã giúp thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò là nguồn lực quan trọng trong việc giữ cho 1,4 tỷ người của đất nước tiếp cận thức ăn và cung cấp các mặt hàng thiết yếu, cũng như một nơi trú ẩn an toàn để hấp thụ lao động bị sa thải từ các ngành khác.

Nhưng hàng triệu tài xế giao hàng, bao gồm cả anh Chai, vẫn thiếu sự bảo vệ về lao động và tài chính, nhấn mạnh những thách thức cơ cấu mới trong nền kinh tế ngày càng hướng về dịch vụ của Trung Quốc.

Theo một báo cáo gần đây của China Post và Express News, hơn 75% trong số 65.000 nhân viên chuyển hàng được khảo sát gần đây có thu nhập dưới 5.000 nhân dân tệ (tương đương 747 USD) một tháng và hầu hết không được tiếp cận với bảo hiểm xã hội. Hơn một nửa số người được hỏi cũng cho biết họ làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và khoảng 60% cho biết họ được nghỉ hai ngày hoặc ít hơn mỗi tháng.

Một báo cáo khác trong tháng này, của China Labour Bulletin, đã nêu chi tiết các trường hợp tài xế không được trả lương trong thời kỳ đại dịch. Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông, tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của người lao động, đã ghi nhận 25 cuộc biểu tình do những người lái xe không nhận lương tổ chức.

Huang Lihui, người làm việc cho Yunda Express ở Thượng Hải, cho biết anh chưa bao giờ mong đợi công ty cung cấp các khoản đóng góp cho người sử dụng lao động vào các chương trình bảo hiểm của chính phủ và anh thậm chí không chắc về tình trạng pháp lý của công việc của mình.

Phục hồi kinh tế nào?

Nhìn bề ngoài, Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng vọt về chi tiêu cho du lịch và tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày vào đầu tháng này và đây được coi là bằng chứng về sự phục hồi kinh tế trên diện rộng trong nửa cuối năm.

Nhưng các nhân viên giao hàng, những người chủ yếu đến từ các khu vực nghèo hơn, kém phát triển hơn của Trung Quốc, vẫn đang phải đối mặt với những thiệt hại kéo dài từ đại dịch - từ mất việc làm cho đến chi tiêu tiêu dùng yếu hơn - trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Từ tháng 1 đến tháng 9, hơn 56 triệu bưu kiện đã được chuyển đi - tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, Cục Bưu điện Nhà nước công bố hai tuần trước. Và hàng triệu đơn khác đã được giao chỉ trong tháng này.

Các con số được đưa ra khi Trung Quốc đang chuẩn bị cho lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất của mình, diễn ra vào 11-11, được gọi là Ngày Độc thân hay Ngày nhân đôi 11. Thị trường một ngày thường chứng kiến doanh số bán hàng trực tuyến trị giá hàng tỷ USD.

Giống như nhiều người khác, Zhao Yinzhou, đến từ thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, đã tìm cách tận dụng nhu cầu tăng cao đối với các tài xế trong năm nay để kiếm sống trong thời điểm khó khăn.

Anh có bằng Cử nhân về nguồn nhân lực và nhận được công việc tuyển dụng và đào tạo tại trụ sở của một công ty hậu cần lớn ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Nhưng do gia đình có việc khẩn cấp nên anh phải nghỉ việc đầu năm nay. Anh đến Bắc Kinh để tìm cơ hội mới ngay trước khi đợt bùng phát covid-19.

Những con số biết nói

Một kỷ lục 8,74 triệu người Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước trong năm nay. Nhưng triển vọng việc làm của họ rất mờ mịt, do tác động của Covid-19.

Trong nửa đầu năm 2020, ít nhất 60.000 sinh viên tốt nghiệp có bằng thạc sĩ và hơn 170.000 người có bằng đại học đã trở thành nhân viên giao hàng, đây là những công việc có trình độ sơ cấp, kỹ năng thấp, theo báo cáo của Meituan vào tháng 7. Và tổng cộng 24,7% trong số 2,95 triệu người đi giao hàng có ít nhất bằng cử nhân vào cuối tháng 7, cao hơn 6,7 điểm phần trăm so với một năm trước đó.

Những thách thức kiểu này trong thị trường việc làm của Trung Quốc, mặc dù hiện đã được phóng đại, nhưng đã xuất hiện từ rất lâu trước đại dịch Covid-19

Một tài xế giao hàng 44 tuổi họ Cai cho biết anh ta từng điều hành một quán cà phê ở trung tâm Bắc Kinh. Nhưng 4 năm trước, anh đã phải đóng cửa công việc kinh doanh vì một chiến dịch do chính quyền địa phương lãnh đạo nhằm phá bỏ các mặt tiền cửa hàng trái phép mà họ gọi là “lỗ trên tường”.

Anh Cai cho biết: “Sau đó, tôi trở thành một nhân viên giao hàng và đã tiếp tục làm công việc này trong bốn năm.”

Anh Cai, người đã sống ở Bắc Kinh hơn một thập kỷ cho biết: “Có cảm giác như có ít người hơn ở Bắc Kinh trong tuần lễ vàng này. Số lượng đơn đặt hàng ít hơn nhiều so với bình thường và giá của mỗi đơn đặt hàng cũng giảm rất nhiều.”

Nhận định này được lặp lại bởi anh Chai, người cho biết anh chỉ nhận được hai đơn đặt hàng và kiếm được 35 nhân dân tệ (5,25 USD) trong giờ ăn trưa vào 01-10, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ.

Những nhận xét như vậy vẽ nên một bức tranh kém tươi sáng hơn so với những gì được trình bày bởi số liệu thống kê chính thức của chính phủ, cho thấy sự phục hồi 4,9% trong doanh số bán lẻ hàng ngày và nhà hàng của đất nước trong kỳ nghỉ lễ, so với một năm trước.

Có thể phục hồi bền vững?

Vào tháng 5, Bắc Kinh đã áp dụng cái gọi là chiến lược lưu thông kép, tập trung nhiều hơn vào nhu cầu nội địa để tăng trưởng hơn trước. Điều này gây thêm áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng để tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của quốc gia sau tác động của đại dịch,

Tuy nhiên, sự phục hồi của doanh số bán lẻ và tiêu dùng hộ gia đình ở Trung Quốc tiếp tục tụt hậu so với đầu tư, sản xuất và xuất khẩu, làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế bền vững nếu việc làm và thu nhập không trở lại mức trước đại dịch.

Trong dự báo mới nhất của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ tăng 1,9% trong năm nay nhờ chi tiêu của nhà nước. Nước này dự kiến sẽ là nền kinh tế duy nhất trong G20 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia vào tuần trước, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng 4,9% trong quý thứ ba so với một năm trước đó, tăng từ mức tăng trưởng 3,2% trong quý II và giảm 6,8% trong I.

Các tin khác