Kinh tế Việt Nam: Đáy của năm 2022, có thể là đỉnh 2023

(ĐTTCO) - Đó là nhận định của một chuyên gia kinh tế về dự báo năm 2023. Cuối năm 2021, chúng ta đã từng nghĩ về năm 2022 với tâm thế hết sức lạc quan, kỳ vọng toàn cầu sẽ ra khỏi phong tỏa, chuỗi cung ứng được tái kết nối. Nhưng 2022 lại là bắt đầu của chuỗi chông gai, và con số tăng trưởng GDP 8% của Việt Nam có thể mừng đó nhưng cũng lo đó.
 Trong năm 2023 buộc phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công ở các dự án trọng điểm để lan tỏa tổng cung và cầu. (Trong ảnh: Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trong giai đoạn nước rút để kịp đưa vào vận hành vào 30-4-2023).
Trong năm 2023 buộc phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công ở các dự án trọng điểm để lan tỏa tổng cung và cầu. (Trong ảnh: Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trong giai đoạn nước rút để kịp đưa vào vận hành vào 30-4-2023).

Thách thức bên ngoài chưa nguôi ngoai

Cuối năm 2022, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đưa ra dự đoán gây sốc rằng, kinh tế toàn cầu chỉ tăng khoảng 1,2% trong 2023, còn Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng con số này dưới 2%. Kể từ năm 2000, nền kinh tế thế giới 2 lần có mức tăng trưởng dưới 2% vào năm 2009 với -1,3% khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, và -3,3% trong năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch Covid-19.

Mối lo ngại chung của năm 2023 là hiện tượng đình lạm. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm tốc tăng lãi suất do nhận thấy lạm phát dần hạ nhiệt, nên độ trễ của các chính sách thắt chặt trong năm 2022 sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu trong năm 2023. Tờ Economist bình luận về tình trạng này: “Nỗi lo về lạm phát có thể phải nhường chỗ cho nỗi lo về thất nghiệp trong năm 2023”.

Bên cạnh đó, diễn biến khó đoán của cuộc xung đột Nga-Ukraine và tác động từ việc Trung Quốc mở cửa, cũng đặt dấu hỏi lớn. Trên bàn cờ kinh tế thế giới, Mỹ và châu Âu đóng vai trò là sức cầu lớn, còn Trung Quốc là bên cung. Chỉ cần 1 trong 2 bên gặp trục trặc đã khiến tình hình toàn cầu gặp khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay cả 3 cực tăng trưởng trên đều có vấn đề, điều này càng khiến những khó khăn thêm rõ nét.

Thách thức tiếp theo là mối lo ngại về nợ toàn cầu. Theo ước tính, nợ của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình đã lên tới hơn 290.000 tỷ USD. Trong khi lãi suất tăng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nghĩa vụ nợ sẽ càng thêm nặng gánh. Khối nợ lớn kèm theo vị thế bên vay ngày càng bị tổn thương có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi và có thu nhập thấp.

Ngoài ra, sự chuyển hướng bảo hộ của Mỹ cũng gây nhiều lo ngại cho các quốc gia khác. Chính quyền Biden đang xây dựng một cơ chế trợ cấp của riêng mình dành cho các ngành bán dẫn, năng lượng và công nghệ xanh, cũng như các công ty sản xuất lớn để cạnh tranh với những tập đoàn ngoại quốc, thay vì cố gắng thuyết phục hoặc thi hành các biện pháp loại bỏ bảo hộ không lành mạnh từ các chính phủ nước ngoài.

Dĩ nội lực, ứng ngoại tác

Việt Nam khởi đầu năm 2023 với 2 động lực tăng trưởng là nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhưng đều đang chững lại do chính sách thắt chặt của các NHTW, kéo theo thu hẹp “hầu bao” của người dân và dần lộ diện từ cuối 2022. Với các doanh nghiệp, điều kiện huy động tài chính cũng khó, đặc biệt sau “dư chấn” của những “quả bom” trái phiếu trên thị trường vốn.

Trong bối cảnh “cỗ xe tam mã” chỉ còn đầu tư công nằm trong tầm tay của Chính phủ, và 2023 là năm cuối cùng của Chương trình phục hồi kinh tế, các cơ quan chức năng buộc phải tích cực đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả tổng cung và cầu.

Đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo phân tích của các chuyên gia, khi Trung Quốc đóng cửa, Việt Nam được xem là đối trọng của các quốc gia khác như Ấn Độ, Mexico để trở thành công xưởng toàn cầu.

Song thực tế này không sáng sủa khi các nước lớn chọn Việt Nam là nơi trung gian để lắp ráp rồi tái xuất, và Việt Nam cũng không tham gia sâu chuỗi giá trị sản xuất. Và khi vẫn chưa tự chủ được công nghệ và xuất khẩu để thay thế các doanh nghiệp FDI, nên dù đạt thành tích tăng trưởng 8% thu nhập người dân không cải thiện nhiều, vì phần lớn giá trị gia tăng không đi vào tay người tiêu dùng trong nước.

Năm 2023 thách thức bên ngoài vẫn rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt ứng phó, đặc biệt với 2 động lực tăng trưởng là nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Để tạo được sức bật, Việt Nam cần quyết tâm tạo ra các chính sách đồng bộ về kết cầu hạ tầng công nghiệp, trong đó quan trọng là logistics, các ngành công nghiệp phụ trợ để có khả năng tham gia sâu chuỗi giá trị. Đặc biệt hơn, khi quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp bất thường lần 2. Theo đó, Chính phủ cần quy định chi tiết về bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, trọng tâm là tính đơn giản, tiết kiệm thời gian và tránh sinh thêm nhiều cơ chế.

Nói như Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng, đến năm 2030 Đông Nam bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại. Chỉ lấy thí dụ vùng này cũng đủ thấy nếu đầu tàu không được kiện toàn, nền kinh tế cũng bị trì trệ, tiếc nuối sẽ nối tiếp tiếc nuối khi cơ hội bị bỏ lỡ.

Bên cạnh đó Việt Nam cần duy trì tính bền vững của ngân sách. Trong năm 2022 chi đầu tư phát triển chỉ đạt 82% dự toán, trong khi chi thường xuyên đạt 92%. Nhìn rộng ra trong giai đoạn 2011-2020, thu ngân sách hàng năm chỉ đủ trang trải chi thường xuyên và trả nợ, hơn 1/5 ngân sách hàng năm chỉ dùng để trả nợ gốc và lãi. Và như vậy muốn đầu tư phát triển đều phải vay mới.

Ngoài ra, trước năm 2020 các nước ASEAN đều có tỷ lệ chi ngân sách/GDP giảm, còn từ năm 2020 tỷ lệ này tăng mạnh do phải thực hiện các gói hỗ trợ chống Covid-19. Như vậy, chi tiêu tài khóa ở các nước đều là nghịch chu kỳ, và đây cũng là chính sách điều hành phổ biến.

Việt Nam nên đi theo hướng này nhằm tạo bộ đệm tài khóa hỗ trợ khi nền kinh tế gặp khó khăn. Đồng thời, các chính sách vĩ mô cũng phải thực thi minh bạch, giúp người dân và doanh nghiệp an tâm với các kế hoạch chi tiêu và kinh doanh của mình, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Các tin khác