Kỳ vọng năm mới

Tuy nhiên, điều nhiều người băn khoăn là thực tế sự hồi phục của nền kinh tế chưa tạo được động lực đủ mạnh để bứt phá vượt qua giai đoạn trầm lắng hiện nay. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10-2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: "Việt Nam đã qua thời kỳ dài tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn, bán tài nguyên dạng thô và lao động giá rẻ. Các động lực ấy giờ đã cạn kiệt. Nếu không thay đổi về chất không thể có mức tăng trưởng 7-8%, may lắm chỉ giữ mức hiện nay. Việt Nam cần đổi mới thể chế để tìm ra những động lực mới".
 

Năm 2014 trôi qua trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, song nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, điều mà nhiều chuyên gia nhận định sẽ là bàn đạp tốt cho sức bật năm mới 2015, tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng. Thực tế, tốc độ tăng trưởng quý I-2015 là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo nên mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.

Tuy nhiên, điều nhiều người băn khoăn là thực tế sự hồi phục của nền kinh tế chưa tạo được động lực đủ mạnh để bứt phá vượt qua giai đoạn trầm lắng hiện nay. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10-2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: "Việt Nam đã qua thời kỳ dài tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn, bán tài nguyên dạng thô và lao động giá rẻ. Các động lực ấy giờ đã cạn kiệt. Nếu không thay đổi về chất không thể có mức tăng trưởng 7-8%, may lắm chỉ giữ mức hiện nay. Việt Nam cần đổi mới thể chế để tìm ra những động lực mới".

Vậy động lực mới sẽ là gì? Câu trả lời được đưa ra là thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta bước vào năm mới 2015 với tình hình giá xăng dầu xuống thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm gần đây. Một tín hiệu được cho là đáng mừng hơn lo, bởi hàng loạt mặt hàng và dịch vụ theo đó sẽ giảm giá.

Đây chính là cơ hội để kích cầu và phát triển sản xuất. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong điều hành chính sách để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh nhiều dự án đầu tư công. Các giải pháp này đã giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Thế nhưng, chừng nào chương trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chưa mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất lao động chưa tăng thì nền kinh tế chưa đủ động lực để bứt phá.

Chúng ta cũng cần xác định rõ khu vực nào của nền kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển, có thể trở thành động lực cho nền kinh tế khi  khu vực nhà nước chưa làm tốt điều này. Nhiều chuyên gia cho rằng nên đặt niềm tin mạnh mẽ hơn với khu vực kinh tế tư nhân.

2015 là năm cuối để kết thúc thắng lợi nhiệm vụ 5 năm 2011-2015. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Đồng thời tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống Nhân dân…

Trong các văn bản trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 12.

Và trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế-xã hội nước ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức; đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hành động quyết liệt, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Nghị quyết tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội... Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả cao các giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân... Từ những tín hiệu tích cực nêu trên, chúng ta có quyền đặt niềm tin và kỳ vọng vào những động lực thôi thúc khởi nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong năm mới là hiện thực, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Các tin khác