Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới; trong đó, có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực...
Điều đáng chú ý là Việt Nam có thể sẽ giữ tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của COVID-19 đến các hoạt động kinh tế. Những đặc điểm nội tại này khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Thông qua một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam.
Thực tế thời gian qua đã có nhiều tập đoàn lớn như Apple, Foxconn, Luxshare... triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng ở Việt Nam cũng như gia tăng hoạt động đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới tỷ đô.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021 sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hóa việc dịch chuyển của mình, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia tới Việt Nam trong bối cảnh COVID-19.
Theo đó, việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố góp phần trong việc tăng cường thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước.
Nhờ đó, ước tính 9 tháng năm 2020, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút khoảng 517 dự án từ đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,5 tỷ USD.
Ngoài ra, lũy kế nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 9 lên khoảng 10.009 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 197,8 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 70%.
Cả nước thu hút khoảng 442 dự án đầu tư trong nước đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt xấp xỉ 91 nghìn tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9/2020, lũy kế nâng tổng số dự án đầu tư trong nước lên 9.806 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2,34 triệu tỷ đồng; đồng thời, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 46%.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 135,7 tỷ USD, giảm khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, tạo việc làm cho khoảng 3,83 triệu lao động.
Ngoài ra, tổng giá trị xuất khẩu từ các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 10,1 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị nhập khẩu đạt khoảng 87,2 tỷ USD, giảm khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Hết tháng 9, cả nước có 366 khu công nghiệp được thành lập, với 113 nghìn ha diện tích đất tự nhiên, 73,5 nghìn ha diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê.
Trong số đó, 279 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 81,8 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 55,9 nghìn ha, đã cho thuê 39,7 nghìn ha (đạt tỷ lệ lấp đầy 71,1%) và 87 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 31,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 17,6 nghìn ha.
Các khu công nghiệp phần lớn tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.
Vừa qua, Thủ tướng cũng đã phê duyệt 19 khu kinh tế ven biển, tổng diện tích khoảng 871,1 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển); trong đó, diện tích đất tự nhiên khoảng 581,9 nghìn ha (chiếm 1,75% diện tích đất cả nước).
Đáng chú ý, trong số đó có 19 khu kinh tế ven biển, có 17 khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích 843,9 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển). Trong khoảng 100 nghìn ha được quy hoạch để phát triển các khu chức năng có 35 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thêm vào đó, 2 khu kinh tế với tổng diện tích khoảng 27,3 nghìn ha có trong quy hoạch phát triển khu kinh tế nhưng chưa được thành lập, bao gồm khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định và khu kinh tế Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn...
Đặc biệt, để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng, cải thiện môi trường kinh doanh...