Lãi suất điều hành giảm, vốn có vào sản xuất hay chứng khoán?

(ĐTTCO) - Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp là một trong những giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất, kích thích sản xuất, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: MINH HUY
Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: MINH HUY

Rục rịch giảm lãi

Theo quy định từ NHNN, từ ngày 19-6, trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ giảm xuống còn 4,75%/năm, giảm 0,25 điểm % so với trước đó. Hiện, đồng loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh về mức lãi suất theo quy định. Thậm chí, qua ghi nhận trên thị trường cho thấy, một số NHTM đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng xuống thấp hơn 4,75%/năm, đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn khác.

Cụ thể như Agribank kỳ hạn dưới 6 tháng xuống còn 3,4-4,1%/năm, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và từ 12 tháng trở lên cao nhất chỉ còn 6,3%/năm. Hay như PVCombank giảm lãi suất 6 tháng còn 7%/năm và lãi suất 36 tháng từ 8,3% xuống còn 7,8%/năm… Hiện chỉ còn một số NHTM có mức lãi suất kỳ hạn dài trên 8% là ABBank, GPBank, VIB, BacABank.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, giúp định hướng cho các tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc giảm lãi suất sẽ có độ trễ chứ không thể giảm ngay, và ít nhất phải đến quý III, khi áp lực chi phí vốn giảm, ngân hàng mới có thể giảm lãi suất cho vay.

Đối với các ngân hàng, độ trễ khi điều chỉnh lãi suất cho vay phụ thuộc vào quy mô, năng lực, cấu trúc vốn và việc quản trị của mỗi ngân hàng. Các NHTM cũng nhìn nhận, hiện giá vốn cho vay còn cao vì còn phụ thuộc nhiều vào vốn huy động lãi suất cao của thời gian trước, đặc biệt giai đoạn nửa cuối năm 2022.

Mặc dù điều chỉnh lãi suất cho vay cần độ trễ, nhưng nền kinh tế nói chung đang đón nhận tin vui bởi chính sách tiền tệ dần được nới lỏng. Bên cạnh việc giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng cũng đã có xu hướng giảm lãi suất cho vay mua nhà giúp thị trường bất động sản xuất hiện “tia sáng” tích cực.

Một số NHTM đã giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng về 4,75%/năm (Ảnh: Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM). Ảnh: MINH HUY

Một số NHTM đã giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng về 4,75%/năm (Ảnh: Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM). Ảnh: MINH HUY

Cập nhật từ báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, tại thị trường phía Nam, nhiều dự án đã ghi nhận lượng giao dịch tăng dần trở lại.

Lãi suất giảm dần

Khi FED ngừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp trước đó, NHNN đã tiếp tục giảm các loại lãi suất điều hành lần thứ 4 trong vòng 3 tháng và nhiều NHTM cũng đã mạnh tay hạ lãi suất huy động. Không chỉ điều chỉnh kỳ hạn dưới 6 tháng xuống còn 4,75%/năm theo quy định mà nhiều NHTM còn giảm sâu hơn.

Thậm chí, Agribank đã điều chỉnh giảm lãi suất 1-2 tháng xuống còn 3,4%/năm. Song song với việc hạ lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng tiếp đà giảm.

Chia sẻ tại buổi họp báo của NHNN mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm 2022 và lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1%/năm so với cuối năm 2022.

Cụ thể, trong tháng 4, dự án The Classia Khang Điền (TP Thủ Đức, TPHCM) giao dịch trung bình khoảng 8 căn/tuần, dự án De La Sol (quận 4, TPHCM) mỗi ngày giao dịch trung bình 3-4 căn; dự án The Maq (quận 1, TPHCM) của Hongkong Land cũng đã bán được 7 căn trong tháng 4 và sau đó giao dịch trung bình 2-3 căn/tuần, dự án Akari City (quận Bình Tân, TPHCM) có hơn 50 giao dịch trong tháng 5.

Ngoài ra, tỷ lệ hấp thụ vốn ở các tỉnh lân cận cũng được ghi nhận ở mức 40-60% với 6 dự án được chào bán tạo nguồn cung 390 căn hộ. “Đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường địa ốc trong bối cảnh vẫn còn chịu nhiều áp lực niềm tin, tâm lý”, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá.

Chứng khoán hưởng lợi?

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán thường giảm khi lãi suất điều hành tăng hoặc thiếu tính ổn định. Và khi lãi suất điều hành giảm và duy trì trong thời gian dài thì thị trường chứng khoán tăng mạnh. Do vậy, khi NHNN tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành sẽ có lợi cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Lý giải thêm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất cao sẽ khiến hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì chịu chi phí cao hơn, tác động đến kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường. Ngoài ra, lãi suất cao cũng khiến một phần tiền từ chứng khoán bị rút ra để gửi vào hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận xét, những lần nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN luôn tác động vào thị trường chứng khoán. Chứng khoán là kênh được hưởng lợi ngay sau khi giảm lãi suất vì khi tiền gửi tiết kiệm bớt hấp dẫn, sẽ có sự dịch chuyển sang kênh khác, trong đó có kênh chứng khoán.

Ghi nhận trên thị trường chứng khoán cho thấy, thanh khoản tăng nhanh trong nửa đầu tháng 6-2023, thị trường đã “tái lập” lại nhiều phiên giao dịch vượt 1 tỷ USD, góp phần cho thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc thời gian qua. Thống kê từ các công ty chứng khoán cũng cho thấy, đà tăng của thị trường không chỉ tập trung vào một số phiên giao dịch đột biến mà quy mô giao dịch bình quân phiên trong 4 tháng gần đây đã tăng liên tục.

Cụ thể, quy mô giao dịch bình quân tháng 3-2023 trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM khoảng 9.200 tỷ đồng; đến tháng 4 tăng lên gần 11.200 tỷ đồng; tháng 5 tăng lên 12.200 tỷ đồng và đến nửa đầu tháng 6. Quy mô giao dịch trung bình mỗi phiên lên tới 17.400 tỷ đồng, gần gấp đôi so với các tháng trước đó.

Một trong những động lực cho dòng tiền trở lại với thị trường chứng khoán là việc NHNN liên tục hạ lãi suất cơ bản từ đầu năm. Các công ty chứng khoán dự đoán, VN-Index năm 2023 nhìn chung sẽ có xu hướng tăng, khi mặt bằng lãi suất giảm và thanh khoản trên thị trường dồi dào.

- TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:

Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN cho thấy, cơ quan điều hành thay đổi chính sách tiền tệ từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng. Trong đó, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán và bất động sản khi nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào “khẩu vị” rủi ro của mỗi nhà đầu tư, vì đầu tư chứng khoán, bất động sản rủi ro hơn so với gửi tiền tiết kiệm.

- TS NGUYỄN XUÂN THÀNH, giảng viên cao cấp Trường Đại học Fulbright:

Lạm phát tính đến tháng 5-2023 chỉ còn khoảng 2,4%, thấp hơn so với mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra đầu năm. Quan điểm điều hành chính sách của NHNN vẫn là thận trọng với lạm phát, nhưng không còn là nỗi lo lớn. Mặt khác, sau 10 lần tăng lãi suất, FED đã tạm thời dừng lại. Tỷ giá USD/VND đang ổn định. NHNN đang mua vào USD để tăng dự trữ. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên khoảng 91,5 tỷ USD, dự báo NHNN sẽ tiếp tục mua vào để đưa dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD vào cuối năm. Không bị áp lực tỷ giá và lạm phát, thanh khoản dồi dào là cơ sở để NHNN tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, áp lực lớn hiện nay là tiếp tục hạ lãi suất cho doanh nghiệp để có thể thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng. Do đó, dự báo trong nửa cuối năm 2023, NHNN sẽ vừa bơm tiền vừa hạ lãi suất điều hành để có thể hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Các tin khác